Minh bạch thị trường bất động sản: Một quá trình dài hơi!

Theo Diệu Hoa/diendanbatdongsan.vn

Trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành việc lập Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị được kỳ vọng sẽ làm minh bạch thị trường bất động sản.

Minh bạch thị trường bất động sản là một quá trình dài hơi đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực để thực hiện. Nguồn: Internet
Minh bạch thị trường bất động sản là một quá trình dài hơi đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực để thực hiện. Nguồn: Internet

Mới đây, trong phiên thảo luận Quốc hội về các vấn đề quản lý đất đai, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành việc lập Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị để người dân có thể tra cứu, nắm bắt được thông tin, đồng thời là công cụ để giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Nỗ lực không ngừng

Trên thực tế, nỗ lực minh bạch thị trường bất động sản trong giao dịch và quy hoạch đã được thực hiện nhiều năm qua, tuy nhiên kết quả thu được chưa thực sự đáng kể.

Nỗ lực đầu tiên phải kể đến năm 2014, Bộ Xây dựng đã có đề xuất công khai mọi thông tin liên quan đến giao dịch bất động sản, đồng thời đề xuất bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn. Tuy nhiên, đề xuất đã nhận nhiều phản ứng trái chiều.

Giới doanh nghiệp cho rằng, nên chuyên nghiệp hóa hoạt động của các thành phần trong lĩnh vực bất động sản bằng cách chủ đầu tư tập trung xây dựng, phát triển dự án; sàn giao dịch bất động sản nâng cao chất lượng môi giới, tư vấn giải đáp để làm cầu nối người dân đến với sản phẩm.

Tiếp đến, cơ quan quản lý đã nhiều lần khẳng định sẽ có một hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu về sở hữu bất động sản, giao dịch bất động sản đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên đến nay đã nhiều năm trôi qua người dân không thể nào biết chính xác diễn biến giá cả của thị trường bất động sản để có thể xác định hướng đầu tư đúng đắn.

Trong khi những báo cáo hàng quý, hàng năm đều đặn nhất lại đến từ những công ty kinh doanh bất động sản nước ngoài. Độ chính xác của những báo cáo này cũng chưa kiểm chứng bởi không có số liệu chuẩn để đối chiếu. 

Chưa kể, việc cung cấp thông tin về một số doanh nghiệp có dự án đang thế chấp ngân hàng gây hoang mang dư luận. Trong khi thực tế, việc dự án bất động sản thế chấp vào ngân hàng để vay vốn là điều bình thường, thậm chí rất phổ biến. Mấu chốt nằm ở chỗ chủ đầu tư phải tuân thủ đúng quy trình theo quy định và công khai thông tin để cơ quan chức năng giám sát thì việc này chưa làm được.

Kỳ vọng một thị trường minh bạch

Gần đây, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng đưa đề án TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của cả nước và khu vực. Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, việc thành lập trung tâm sẽ giúp giới thiệu các vấn đề liên quan đến bất động sản như thông tin quy hoạch, pháp lý dự án, tiến độ.

Các thông tin này do chính các sở, ngành liên quan của Thành phố cung cấp nên có độ chính xác, nhanh chóng, người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng nhất, tránh rủi ro trong quá trình đầu tư, mua bán nhà đất để an cư.

Đánh giá về chủ trương này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, đề án TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản hiện chỉ có cái tên, chưa có bất cứ nội dung, thông tin, lộ trình gì cụ thể và đang đối diện với nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên mà ông Châu đưa ra khi muốn thực hiện dự án đó là vấn đề ngân sách. Để xây dựng được trung tâm nói trên cần phải có tiền, sau đó sẽ đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào. Việc này phải được thực hiện một cách khoa học, bằng cách thu thập thông tin theo thời gian thực từ các nguồn chính như sở, ban, ngành của Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để hình thành nguồn dữ liệu lớn.

Theo ông Châu, muốn làm được tất cả điều đó, trung tâm phải có hạ tầng cơ sở thông tin tốt, các phương tiện máy móc, công nghệ hiện đại, như internet băng thông rộng, máy chủ đủ mạnh... Đồng thời phải có nhân sự trình độ chuyên môn cao để có thể vận hành.

Cần hành động cụ thể

Không phủ nhận chỉ số minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự tín nhiệm đáng kể trên thị trường quốc tế. Cụ thể, năm 2014, Việt Nam hoàn toàn nằm trong danh sách có chỉ số minh bạch thấp, thì năm 2018 đã có sự cải thiện đáng kể khi vươn lên đứng thứ 61 trong bảng minh bạch do Công ty TNHH Jones Lang LaSalle (JLL) công bố.

Còn báo cáo mới nhất của Kiểm toán Nhà nước vẫn cho thấy, sai phạm trong quy hoạch còn xảy ra rất nhiều, nguyên nhân chính do sự quản lý lỏng lẻo, có dấu hiệu bắt tay sân trước sân sau, lợi ích nhóm. Đặc biệt có nhiều điều luật chồng chéo nhau tạo kẽ hở cho nhà đầu tư và cơ quan chức năng bắt tay “lách luật”.

Kết quả là qua kiểm toán 9 chương trình, 23 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính lên tới 21.725 tỷ đồng. Thậm chí có 5 vụ việc được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can hai vụ.

Theo GS Đặng Hùng Võ, trong một thị trường minh bạch, số liệu cần được cập nhật theo từng ngành, tìm đâu cũng thấy. Để làm được như vậy, cần biến các quy định trên giấy của pháp luật thành hành động cụ thể chính xác trên thực tế.

“Để minh bạch hóa thị trường bất động sản, việc cần làm trước tiên là tăng cường thanh tra, giám sát, đồng thời có các chế tài xử phạt cả những cơ quan chức năng không thực thi pháp luật nghiêm minh” – GS. Võ đề xuất.