Mô hình hợp tác công tư của Singapore: Nhìn từ thành công của dự án nước ngọt
Nước ngọt vốn là vấn đề sống còn đối với Singapore. Tuy nhiên, với một loạt nhà máy khử muối và tài chế nước được xây dựng theo mô hình PPP, Singapore đã biến điểm yếu của mình thành cơ hội để không những không phụ thuộc vào nước mà còn thu được hàng tỷ USD từ xuất khẩu công nghệ này.
Để giảm sự phụ thuộc vào nước ngọt từ Malaysia, năm 1963 Singapore thành lập Ủy ban Tiện ích công cộng (PUB) có nhiệm vụ quản lý việc sử dụng hiệu quả các nguồn nước dự trữ và cung cấp nước sạch với chi phí phải chăng.
Năm 2002, PUB công bố sáng kiến nhằm nâng cao năng lực cung cấp nước, trong đó có việc xây dựng nhà máy khử muối SingSpring đầu tiên theo mô hình PPP, nhằm cung cấp 30 triệu gallon nước mỗi ngày trong vòng 20 năm do Công ty Hyflux cung cấp.
Ban đầu người ta lo ngại công nghệ này sẽ tốn kém, nhưng khi dự án hoàn thành năm 2005, đã giúp bảo đảm cung cấp 10% nhu cầu nước của Singapore với chi phí thấp kỷ lục. Điều này đánh dấu một bước tiến lớn, tạo động lực để Singapore tiếp tục áp dụng mô hình PPP vào triển khai xây dựng các nhà máy nước mới.
Năm 2013, Singapore hoàn thành xây dựng nhà máy khử muối thứ hai với công suất 70 triệu gallon/ngày. Dự kiến trước năm 2060, Singapore sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ ở các nhà máy này nhằm tăng khả năng khử muối gấp 10 lần, bảo đảm cung cấp 30% nhu cầu nước mỗi ngày cho người dân.
Để tiến hành dự án, PUB xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể. Kế hoạch dự kiến kéo dài 4 năm, bắt đầu từ năm 2001, trong đó thời gian tìm kiếm nhà thầu là gần 2 năm. PUB cũng chủ động gửi hồ sơ mời thầu tới các tập đoàn có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trên thế giới.
Có nhiều nhà thầu đã nộp hồ sơ, nhưng cuối cùng liên doanh Oden&Hyflux đã được lựa chọn do ưu thế về công nghệ, giá cả và đặc biệt là sự nổi trội về tài chính do hình thức nhà thầu dưới dạng liên doanh. Hợp đồng cũng kèm theo việc thành lập công ty SingSpring để thực hiện dự án.
Dự án được tổ chức theo hình thức xây dựng - thiết kế - sở hữu - vận hành (DBOO). Trong đó, đại diện nhà nước (PUB) cam kết cung cấp dịch vụ công cộng cho quá trình thực hiện dự án; Hỗ trợ Hyflux trong tiếp cận và làm việc với cơ quan nhà nước đặc biệt là vấn đề sử dụng đất; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT cho Hyflux trong 5 năm đầu vận hành dự án; cho phép đối tác tư nhân điều chỉnh giá bán nước 1 lần/năm dựa trên tính toán về chi phí vận hành, năng lượng và lợi nhuận để hoàn vốn; cam kết bảo đảm mua lại toàn bộ nước sản xuất từ nhà máy trong 20 năm; đóng góp vốn vào dự án thông qua các khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng.
Về phần mình, Hyflux có nhiệm vụ: Xây dựng, vận hành nhà máy trong 20 năm, bảo đảm về mặt chất lượng nước và công suất đặt ra là 30 triệu gallon/ngày; bảo đảm công nghệ sử dụng là công nghệ màng lọc hiện đại nhất, đồng thời chịu trách nhiệm thường xuyên trong việc duy trì bảo dưỡng cải tiến công nghệ thông qua Quỹ bảo trì trị giá 10 triệu USD (trích từ tổng vốn của tư nhân); Hyflux đầu tư một khoản vốn trị giá 35 triệu USD, số tiền 165 triệu USD còn lại sẽ được vay từ các chế định tài chính với sự bảo lãnh của Chính phủ.
Để giám sát quá trình thực hiện dự án, một cơ quan giám sát độc lập đã được thành lập bao gồm các thành viên của PUB, Bộ Tài chính, đại diện ngân hàng cùng các chuyên gia tư vấn kỹ thuật, tài chính và pháp lý.
Sau 3 năm triển khai, nhà máy được hoàn thành vào năm 2005, giúp cung cấp 136,5 nghìn mét khối nước mỗi ngày cho Singapore. Nhà máy khử muối đầu tiên này của Singapore cũng là dự án đầu tiên được thực hiện theo mô hình PPP và được đánh giá là chuẩn mực.
Hợp đồng tài chính này sau đó đã được Euromoney trao giải Asia Pacific Water Deal; đồng thời giành được giải Distinction ở Global Water Awards 2006. Đây là những giải thưởng đề cao tính chuẩn mực của hợp đồng và hiệu quả của việc đầu tư tài chính vào các dự án công cộng.