Hội nghị của IMF về quản lý kinh tế vĩ mô:
Kinh nghiệm phát triển kinh tế khu vực
Trong hai ngày đầu tháng 5, cùng với các nghị sĩ đến từ Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore, Đoàn Quốc hội (QH) Việt Nam với 6 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từ Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Singapore về kinh tế vĩ mô. Tại đây, các nhà lập pháp đã có cơ hội thảo luận về xu thế cũng như trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Những rủi ro đối với khu vực
Dự báo tháng 4 của IMF cho thấy kinh tế toàn cầu năm 2017, 2018 có xu hướng tăng trưởng lần lượt là 3,5-3,6%, trong đó châu Á tăng trưởng 5,4-5,5% và Đông Nam Á là 4,8-5,7%. Kinh tế ASEAN vẫn gia tăng trong ngắn hạn nhưng sẽ gặp nhiều lực cản trong trung và dài hạn do hạn chế về năng suất, dân số già nhanh và bất bình đẳng xã hội. Tất cả diễn ra trong bối cảnh các nước phát triển thay đổi chính sách kinh tế hướng nội, thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng cường bảo hộ thương mại, tiếp tục vượt qua giai đoạn sau khủng hoảng tài chính.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển đang tìm cách cân bằng lại các nền kinh tế của mình trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, thắt chặt chính sách tài chính và áp dụng những giải pháp linh hoạt theo cách riêng của mình liên quan đến xu hướng dân số già nhanh và suy giảm năng suất lao động. Cùng với đó, sự thay đổi chính sách kinh tế của Mỹ, tình trạng suy giảm thương mại toàn cầu và sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc là những rủi ro của kinh tế khu vực.
Malaysia: Khuyến khích tăng trưởng đồng đều và bền vững
Chia sẻ kinh nghiệm, các nghị sĩ đến từ Malaysia cho biết nước này đang tập trung vào quản lý kinh tế vĩ mô thông qua cải cách chính sách tài khóa theo hướng giảm dần tỷ lệ nợ công so với GDP, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô và khuyến khích tăng trưởng đồng đều và bền vững.
Ngân hàng Trung ương Malaysia nỗ lực duy trì ổn định tài chính trong bối cảnh thị trường toàn cầu và nội địa có thể thay đổi đột ngột, khó lường. Năm 2017, nguồn thu từ dầu mỏ trong tổng thu ngân sách liên bang Malaysia chỉ còn khoảng 2,5-3% so với gần 10% vào năm 2009. Malaysia quyết tâm đạt cân bằng ngân sách liên bang vào năm 2020 thông qua kế hoạch tài chính trung hạn và quản lý vốn đầu tư công.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ 11 giai đoạn 2016-2020, Malaysia đặt mục tiêu đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 15.000 USD, tăng trưởng kinh tế đạt 5-6%/năm thông qua các yếu tố như phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tăng cường thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, hội nhập quốc tế về thương mại và tài chính trên cơ sở các cam kết khu vực và quốc tế như Cộng đồng kinh tế ASEAN, RCEP, TPP.
Indonesia: Cải cách thuế để tăng ngân sách
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, các nghị sĩ Indonesia cho biết nền kinh tế Indonesia đang phát triển tương đối ổn định với tỷ lệ tăng trưởng GDP 5,1% năm 2017, lạm phát 4,5%, thâm hụt ngân sách 2%. Tỷ lệ thu ngân sách từ thuế so với GDP của Indonesia thấp nhất so với các nước trong khu vực, chỉ khoảng 12% GDP, trong khi tổng thu NSNN giảm từ 17,2% năm 2012 xuống khoảng 14,5% GDP năm 2016.
Indonesia đang thực hiện chính sách tài khóa nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm 2021. Nợ công của Indonesia hiện ở mức thấp, khoảng dưới 30% GDP. Indonesia thực hiện giảm nhanh mức trợ giá xăng dầu, từ gần 4% GDP năm 2012 xuống còn dưới 1% năm 2017. Chính phủ Indonesia hy vọng sẽ có nguồn tăng thu ngân sách để có thể tăng chi cho xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Indonesia là 25%, bằng với mức bình quân của OECD, thấp hơn 27% của BRICS, thuế GTGT là 10% thấp so với 17% của BRICS và 19% của OECD.
Indonesia đang thực hiện cải cách thuế theo hướng giảm dần các đối tượng được miễn giảm thuế, đồng nhất mức thuế; áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe hơi, thuốc lá, và thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; thuế bất động sản, thay thế chuyển nhượng bằng thuế bất động sản; đối với thuế GTGT; tăng thuế suất, bỏ ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục, đối với thuế thu nhập cá nhân; giảm ngưỡng đối với thuế suất cao.
Việt Nam: Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tái cơ cấu
Các chuyên gia IMF nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang có những điểm mạnh như tiếp tục tăng trưởng nhanh và ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế do có chính sách tốt, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đang là động lực tăng trưởng và xuất khẩu, thương mại đóng vai trò ngày càng quan trọng, thị trường xuất khẩu ngày một đa dạng hơn, ngoại hối hỗ trợ cho tăng cầu nội địa và ổn định cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, mức thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao, tổng thu ngân sách so GDP giảm nhanh, chi đầu tư vẫn ở mức cao khoảng 8% GDP, cao hơn nhiều so với ASEAN-4 (Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia).
Việt Nam đang tích cực đổi mới chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tài khóa phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua với yêu cầu đưa bội chi NSNN xuống dưới 4% GDP để giảm dần nợ công và tiến tới cân bằng ngân sách.
Trao đổi với các ĐBQH đến từ các nước ASEAN, các ĐBQH Việt Nam đã làm rõ thêm chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội, quá trình cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Các ĐBQH Việt Nam cho biết, sau khi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, ban hành mới Luật Đầu tư công, tại Kỳ họp sắp tới QH Việt Nam sẽ thảo luận, cho ý kiến về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Cũng tại Kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua Nghị quyết hỗ trợ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng, quản lý chặt chẽ hơn các điều kiện cho DNNN vay, giảm nợ xấu.
Việt Nam cũng đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh hơn tập trung vào cổ phần hóa DNNN, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường phát triển nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Qua thảo luận giữa các đoàn nghị sĩ, IMF đánh giá cao vai trò của các nghị viện trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững theo hướng hoàn thiện thể chế, chính sách hướng tới cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm để người dân được tiếp cận công bằng hơn các thành quả phát triển kinh tế, ứng phó với xu thế già hóa dân số thông qua cải cách chế độ hưu trí, sửa đổi luật lao động…
Việc cử các nhóm ĐBQH tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế để tuyên truyền, quảng bá cho chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hình ảnh quốc gia, tạo sự đồng tình, ủng hộ của các nghị sĩ, nghị viện trong khu vực và thế giới đối với đất nước, QH Việt Nam là phù hợp với xu thế hội nhập và hợp tác sâu, rộng với các quốc gia ASEAN trên cả ba trụ cột chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội.
Qua trao đổi kinh nghiệm với các nghị sĩ trong khu vực, các ĐBQH Việt Nam tự nâng cao năng lực của trong các hoạt động lập pháp và thẩm tra, giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính, tiền tệ, ngân sách nhà nước.