Mở kênh dẫn vốn hiệu quả cho người yếu thế
Không nằm ngoài xu thế ở các nước trên thế giới, sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với kinh tế - xã hội. Cụ thể, trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.
Ngày 18/10, phát biểu tại Hội thảo: “Tài chínhTiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Hiện Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc. Song trên thực tế lại đang có nhiều công ty tư vấn tài chính, công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty fintech cho vay online, các ứng dụng (app) cho vay (không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng)... tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Phó Thống đốc nêu rõ, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng. Các hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do cơ quan quản lý cấp phép và hoạt động "tín dụng đen" đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng Giám Đốc công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) cũng cho biết, hiện tín dụng đen nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ, phát triển các app cho vay. Thậm chí, nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua app nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được app cho vay uy tín. Với việc hoạt động dưới dạng Fintech nên rất khó để quản lý, kiểm soát các app này. Điều này cũng gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của công ty tài chính. Về mặt dài hạn, có thể dẫn đến những biến tướng khó lường, tạo kẽ hở cho tín dụng đen phát triển.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, tại FE CREDIT, có khoảng 70-80% tổng số lượng khách hàng của công ty là người lao động có thu nhập trung bình – thấp, chủ yếu là người lao động yếu thế như công nhân, nông dân, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết mục đích vay đều xuất phát từ nhu cầu vay chính đáng như chi phí sinh hoạt, chữa bệnh, nâng cấp phương tiện đi lại, tiền học phí… Hiện FE CREDIT đang triển khai gói vay tiêu dùng 10.000 tỷ đồng cho đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp với lãi suất giảm 50% so với lãi suất hiện hành. Sản phẩm vay cũng đa dạng và linh hoạt với giá trị vay từ 10-70 triệu đồng có kỳ hạn từ 6-24 tháng.
Ông Đỗ Minh Phương - Phó trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng cho biết, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh, bất kỳ tổ chức nào không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng là vi phạm quy định.
Do đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần phải giúp công luận hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa các công ty tài chính là các tổ chức tín dụng hoạt động theo các quy định pháp luật về ngân hàng với các loại hình công ty tài chính không phải là tổ chức tín dụng, các cửa hàng cầm đồ, các app cho vay, các cá nhân cho vay thông qua các hình thức hụi, họ… để tin tưởng và yên tâm tìm tới những công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vay vốn phục vụ mục đích chính đáng.
Đặc biệt, thời gian tới, Cục Cảnh sát Hình sự cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương với hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động... gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.