Mở rộng quy mô thị trường tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân hiện đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức, trong đó có việc tiếp cận nguồn huy động vốn.
Hiện nay ở Việt Nam các DN có 3 kênh huy động vốn, bao gồm vốn tín dụng từ ngân hàng, hoặc huy động trên thị trường chứng khoán, từ cổ phiếu và trái phiếu.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn của thị trường tài chính Việt Nam là sự mất cân đối giữa các kênh huy động vốn. Theo đó, các DN chủ yếu hướng đến nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM), trong khi tiềm năng huy động vốn từ thị trường chứng khoán bị bỏ ngỏ.
Theo thống kê, hiện nay tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là hơn 200 tỷ USD, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu khoảng 60 tỷ USD, thị trường trái phiếu DN mới chỉ khoảng 1,3 tỷ USD.
Như vậy, lượng vốn mà DN trực tiếp huy động từ thị trường chứng khoán chiếm chưa tới 30% nguồn vốn tín dụng. Trong khi đó, nguồn vốn do ngân hàng tài trợ thường có kỳ hạn ngắn, với yêu cầu thế chấp bằng tài sản và chi phí, lãi suất vay biến động ở mức cao so với quốc tế. Thực tế này ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng và triển khai những kế hoạch kinh doanh, kìm hãm chiến lược phát triển dài hạn của DN.
Theo chia sẻ của một công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán trong 5 năm gần đây khá trầm lắng. Quy mô thị trường nhỏ và thanh khoản thấp, dẫn đến sự thiếu vắng các nhà đầu tư lớn. Hiện tại, giao dịch trên thị trường cổ phiếu chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, còn các nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm 15-17% tổng lượng giao dịch.
Ở thị trường trái phiếu, trên thực tế người mua chính của trái phiếu DN cũng chính là các NHTM. Tỷ trọng dành cho danh mục đầu tư trái phiếu DN của các công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm còn rất nhỏ.
Nguyên nhân chủ yếu là do trên thị trường chưa có sự hiện diện của các tổ chức đánh giá tín nhiệm uy tín - một trong những cấu thành cơ bản của thị trường trái phiếu, khi kết quả đánh giá tín nhiệm của DN tại các thị trường phát triển thường được sử dụng như một công cụ để “định giá” loại hình công cụ nợ này.
Bên cạnh đó, thị trường thứ cấp cho trái phiếu DN chưa được phát triển, rất ít trái phiếu DN được niêm yết và giao dịch. Vì vậy, nhà đầu tư thường chỉ có một lựa chọn là nắm giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn. Các sản phẩm tài chính vì thế cũng đơn điệu và trái phiếu DN hiện nay không khác nhiều so với tính chất của một khoản vay dài hạn từ NHTM.
Theo các chuyên gia tài chính, nguồn vốn nhàn rỗi trên thị trường không thiếu, tuy nhiên hai điểm mấu chốt cần cải thiện để gỡ nút thắt cho dòng vốn đó là giảm mức độ rủi ro và tăng cường tính thanh khoản.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý và cơ sở hạ tầng cho việc phát triển các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, đầu tư chỉ số, các sản phẩm đầu tư thay thế… Bởi việc gia tăng số lượng cũng như chất lượng hàng hóa sẽ giúp thị trường ngày càng lớn mạnh.
Hơn nữa, việc mở rộng qui mô thị trường sẽ mang lại tác động kép, vừa mở rộng thị trường, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, vừa giúp giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng bậc xếp hạng cho thị trường để thu hút thêm các nhà đầu tư mới.
Một trong những khuyến nghị quan trọng nhất được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thông qua Diễn đàn kinh tế tư nhân 2016, do các cơ quan chức năng nên tạo tiền đề mở thị trường trái phiếu DN; triển khai các công cụ nợ ngắn và dài hạn, tạo cơ chế cho các thể chế định mức tín nhiệm DN phát triển và chuẩn hóa các tiêu chí đánh giá thị trường.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng lưu ý, rủi ro của các DN tư nhân khá cao do năng lực cạnh tranh yếu và thiếu minh bạch thông tin. Phần lớn các DN tư nhân chưa chuẩn bị tốt nguồn vốn tự có, chưa chứng minh được năng lực sử dụng vốn trước khi huy động vốn. Nhiều DN còn bỏ ngỏ việc quản lý rủi ro, từ quản lý công nợ, tài chính đến quản lý thông tin và rất ít các DN có sử dụng kiểm toán độc lập cho các báo cáo tài chính.
Trong khi đó, những chuẩn mực trong tài chính, kế toán, kiểm toán, quyết toán thuế, định giá DN, định mức tín nhiệm và những sản phẩm, công cụ tài chính tiên tiến đã được hình thành và thử nghiệm tại nhiều thị trường trên thế giới.
Việt Nam cần học hỏi và áp dụng cho phù hợp để phát triển thị trường vốn và môi trường tài chính trong hội nhập nhạn khi DN đang cần một “sân chơi” lớn, bao gồm nhiều nhà đầu tư với các kênh huy động vốn đa dạng.