Mở thêm cửa ra thế giới qua kênh siêu thị
(Tài chính) Rất nhiều siêu thị nước ngoài đang kinh doanh hàng Việt trong hệ thống của họ trên toàn cầu. Các nhà sản xuất Việt Nam làm thế nào để tận dụng được kênh xuất khẩu này?
Walmart – tập đoàn bán lẻ lớn thứ 2 tại Mỹ – mặc dù chưa chính thức mở siêu thị ở Việt Nam, nhưng từ năm ngoái đã lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho hệ thống của mình. Và động thái này không chỉ của riêng Walmart.
Thị trường lớn nhưng xuất khẩu khiêm tốn
Năm 2014 được xem là một năm của nhiều sự kiện cho hàng hóa Việt Nam. Tuần lễ sản phẩm Việt Nam tại Metro Cash & Carry Đức diễn ra hồi đầu tháng 6, đồng loạt tại 117 trung tâm Metro ở Đức, giới thiệu hơn 40 sản phẩm Việt Nam. Giữa tháng 6, Tuần lễ giới thiệu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam do Saigon Co.op và tập đoàn NTUC Fairprice – Singapore tổ chức, giới thiệu những mặt hàng như cà phê, gạo, hoa quả, mì tôm, hải sản và thực phẩm chế biến tại 270 đại siêu thị, siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Fairprice. Cuối tháng 7 đầu tháng 8, Lotte Mart Việt Nam tổ chức chương trình triển lãm – truyền thông “Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu: Cơ hội mới cho thương mại Việt Nam – Hàn Quốc”, thu hút gần 100 doanh nghiệp ngành thủy sản, nông sản, dệt may.
Mới đây nhất, hai tuần nay, BigC Việt Nam đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm Tuần lễ hàng Việt Nam tại siêu thị Casino, Paris (Pháp). Đây là triển lãm lần thứ 2 (triển lãm lần đầu năm 2011) nhằm giới thiệu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.
Nhìn bề ngoài, việc quảng bá, xuất khẩu hàng Việt qua kênh siêu thị đang được xúc tiến khá mạnh mẽ, các doanh nghiệp ngoại đều đánh giá Việt Nam sở hữu rất nhiều mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu và tiềm năng… Tuy nhiên, xét tổng thể đến nay doanh thu xuất khẩu qua kênh này còn rất khiêm tốn. Metro bắt đầu xúc tiến thu mua, xuất khẩu hàng Việt Nam từ cuối năm 2006, nhưng từ thời điểm đó đến cuối năm 2012, chỉ mới có hơn 40 nhà cung cấp các mặt hàng phi thực phẩm xuất hàng qua hệ thống Metro với tổng giá trị hơn 35 triệu USD. Năm 2013, nông sản thực phẩm bắt đầu chinh phục khách hàng ngoại của Metro với kim ngạch 6 triệu USD (chủ yếu là thanh long, bưởi, phi lê cá, tôm, mực…) và dự kiến trong năm 2014 giá trị xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi, đạt 12 triệu USD.
Tương tự, năm 2013, BigC đã xuất khẩu 20 triệu USD hàng Việt Nam qua các chi nhánh của Tập đoàn Casino, tăng 30% so với năm 2012.
Theo ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc truyền thông BigC Việt Nam, hệ thống này hiện đã xuất khẩu hơn 700 sản phẩm thuộc 3 nhóm: thực phẩm đông lạnh, hải sản, trái cây; hàng may mặc; thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ chế biến. Trong đó, nhóm đầu tiên có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất, với hơn 55% tổng giá trị xuất khẩu.
Phải giới thiệu mình hiệu quả hơn
Theo cam kết thương mại hai chiều, khi các nhà bán lẻ ngoại đưa hàng hóa vào Việt Nam tiêu thụ thì họ cũng đồng thời triển khai thu mua sản phẩm Việt Nam xuất ngược sang các thị trường khác. Thế nhưng, để hàng xuất khẩu Việt Nam có thể “cất cánh” qua kênh siêu thị, có lẽ chặng đường còn khá gập ghềnh.
Ông Khuất Quang Hưng, đại diện Metro Việt Nam cho biết, tùy nhu cầu thị trường mà nhà xuất khẩu có những lựa chọn thích hợp. Doanh nghiệp cung cấp hàng cho Metro xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chí riêng, trước tiên phải đạt 1 trong 3 tiêu chuẩn: Global Gap, tiêu chuẩn chất lượng của Metro hoặc HACCP. Song song đó, phải đảm bảo cung ứng tối thiểu 8 tấn sản phẩm/năm; có kinh nghiệm xuất khẩu đi châu Âu và có mức giá phù hợp. “Bộ phận thu mua của tập đoàn đang làm việc với một số nhà cung cấp để xuất khẩu rau củ quả sang Nga và đang tìm mua một số mặt hàng gia vị, nhưng chưa tìm được đối tác đủ năng lực đáp ứng”, ông Khuất Quang Hưng chia sẻ.
Còn theo đại diện Lotte Mart, hàng hóa xuất qua hệ thống này phải đảm bảo chất lượng, đúng giá thành, chất lượng sản phẩm đúng với các thành phần ghi trên bao bì và đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn xuất khẩu. Tiêu chí lựa chọn còn bao gồm ngành hàng được khách hàng Hàn Quốc yêu thích, phù hợp với luật nhập khẩu Hàn Quốc; đánh giá doanh nghiệp của MD Lotte Mart Hàn Quốc và điều tra thị trường…
Theo ông Nguyễn Anh Đức, đại diện Coop Mart, nhược điểm lớn nhất của hàng Việt Nam, đặc biệt là nông sản là chất lượng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng các tiêu chí về quy cách sản phẩm, mẫu mã, bao bì đóng gói, bảo quản. Trong khi đó, đây là những tiêu chí quan trọng để nhà nhập khẩu chọn mua hàng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu qua siêu thị là kênh hiệu quả để doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối hàng hóa ra thị trường thế giới bởi một khi đã được xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn, hàng hóa của doanh nghiệp đã được “bảo chứng” bởi thương hiệu của nhà bán lẻ. Như vậy, doanh nghiệp vừa bán được hàng, vừa không phải tập trung nhiều cho khâu xúc tiến thị trường.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit, hàng Việt Nam bán tại các kênh siêu thị ở nước ngoài không nhiều, bán không tốt do thương hiệu chưa được nhận biết. Chỉ tại những nơi doanh nghiệp có làm thị trường thì mới tiêu thụ khá. Ngoài ra, ở một góc độ nào đó, Việt Nam là vùng trũng tiêu thụ nên nhà đầu tư ngoại tập trung đẩy hàng vào Việt Nam mà chưa quan tâm nhiều đến chiều ra của sản phẩm Việt. Vì vậy, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt ở nước ngoài thông qua đối tác xuất khẩu là các nhà bán lẻ.
Vấn đề mấu chốt, theo ông Khuất Quang Hưng là làm sao đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Việt ở nước ngoài để người tiêu dùng nhận biết, sử dụng. “Nếu chỉ dựa vào lực của doanh nghiệp hay nhà bán lẻ thì rất khó. Rất cần có sự hỗ trợ xúc tiến thương mại từ phía Nhà nước, có chính sách giới thiệu quảng bá thiết thực, quy mô, mang tính hệ thống hơn; đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ”, ông Hưng nhận định.
Kết quả sau những lần triển lãm quảng bá, hàng Việt Nam được biết đến nhiều hơn, đơn đặt hàng cũng tăng lên. Chẳng hạn, sau triển lãm, Lotte Mart đã kết nối cho 24 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu 101 sản phẩm gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng gia đình sang Hàn Quốc, tổng giá trị xuất khẩu là 250 ngàn USD. Còn với Saigon Co.op, sau hơn một năm liên doanh với FairPrice và sau tuần lễ hàng Việt ở Singapore, Saigon Co.op đã xuất hơn 300 mặt hàng qua đối tác này.