Mới chỉ có 2/13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia được đăng ký bảo hộ

Lê Anh

Thông tin tại “Hội thảo hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản”, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện nay mới chỉ có 2 trên tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia được đăng ký bảo hộ tại gồm: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và “Gạo Việt Nam”.

Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” được bảo hộ tại 22 quốc gia.
Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” được bảo hộ tại 22 quốc gia.

Nhiều vướng mắc về pháp lý

Xây dựng thương hiệu cho nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng của sản phẩm truyền thống, sản phẩm bản địa, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, việc triển khai xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam đang gặp những vướng mắc về mặt pháp lý và kinh phí.

Tính đến nay, mới chỉ có 2 trên tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia được đăng ký bảo hộ tại gồm: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và “Gạo Việt Nam” (Bộ NN&PTNT làm chủ sở hữu). Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng.

 

Đối với kết quả xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương, tính đến nay đã có 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm các sản phẩm trồng trọt. Tính đến giữa năm 2023, có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Đối thương hiệu “Gạo Việt Nam” thực hiện theo Quyết định số 706/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của Đề án này nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Về đăng ký trong nước, từ ngày 09/8/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận quốc gia "Gạo Việt Nam - Vietnam Rice" cho Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu và có hiệu lực trong 10 năm. Về đăng ký quốc tế, cho đến tháng 10/2021, nhãn hiệu “Gạo Việt Nam” đã được bảo hộ tại 22 quốc gia.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, mặc dù nhãn hiệu “Gạo Việt Nam” đã được bảo hộ trong nước và ở một số quốc gia, nhưng đến hiện nay chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào để sử dụng. Nguyên nhân là do cơ sở pháp lý quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ ra nước ngoài bị thiếu kinh phí và một số quốc gia chỉ chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường, không bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.

Đối với thương hiệu “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn được giao xây dựng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”. Viện đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ (trong đó gồm Quy chế quản lý và sử dụng, logo, tiêu chí Cà phê Việt Nam chất lượng cao) và đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao cho sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang và cà phê bột tại Cục Sở hữu trí tuệ vào tháng 12/2022.

Cho đến tháng 9/2023, Cục Sở hữu trí tuệ chưa cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao. Lý do Cục đưa ra là vì thiếu hành lang pháp lý và hệ thống quản lý tên gọi quốc gia nên chưa thể xử lý hồ sơ này.

Về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ 2020-2030, thực hiện theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg, Bộ NN&PTNT cho hay, đến cuối năm 2022, các cơ quan liên quan đã tổ chức được 8 kỳ xét duyệt. Có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp các ngành nghề, lĩnh vực đăng ký tham gia. Trong đó, 325 sản phẩm của 172 doanh nghiệp đã được xét chọn là sản phẩm đạt chuẩn Thương hiệu Quốc gia.

Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển thương hiệu

Để phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh cần phải có định hướng phát triển đồng bộ trên ba trục: (i) Phải có sản phẩm tốt; (ii) Phải có doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn; (iii) Phải có hệ sinh thái tốt để thương hiệu phát triển; (iv) Gắn kết thành thương hiệu lớn hướng tới lợi ích chung.

Theo đó, cần thiết phải ứng dụng khoa học công nghệ trong lai tạo để tạo ra các dòng, giống, gen tốt, chất lượng, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng, khác biệt để làm thương hiệu; Tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Ngoài ra, xây dựng hệ sinh thái các doanh nghiệp quy mô, trách nhiệm, phát triển hướng tới tầm nhìn dài hạn, vì lợi ích của ngành, quốc gia; Xây dựng chính sách riêng nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia xây dựng và phát triển thương hiệu; Nghiên cứu xây dựng thương hiệu chung cho vùng miền (ví dụ Gạo Mê Kong, Cà phê Tây Nguyên); Bảo vệ thương hiệu chung, uy tín cho nông sản Việt...