Mỏi mắt tìm lao động chất lượng cao
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp (DN) không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục, mà còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục. Nếu không thay đổi, các DN sẽ khó thoát khỏi cảnh bị bỏ lại phía sau hoặc bị thâu tóm, nhường lại thị trường cho các DN nước ngoài với nguồn nhân lực ở trình độ cao hơn.
Các chuyên gia nhấn mạnh, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chắc chắn buộc các DN phải thay đổi, chú trọng hơn tới khâu đào tạo nhân lực.
Số liệu điều tra của Viện Khoa học lao động xã hội, 2/3 số DN cho biết phần lớn người lao động thiếu hụt kỹ năng về chuyên môn và kỹ năng nòng cốt khác.
Lao động thiếu kỹ năng
Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng cho thấy 55% DN khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của công ty. Cuộc tìm kiếm lại càng nhọc nhằn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nhiều nhà đầu tư Việt Nam được lựa chọn là điểm hấp dẫn đầu tư không phải do chất lượng nguồn lao động hay thể chế.
Theo thống kê, nhà đầu tư Nhật Bản xếp 3 yêu cầu quan trọng trong việc lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư đó là do sự ổn định chính trị xã hội, quy mô thị trường và lực lượng lao động giá rẻ.
Do vậy, ông Lộc cho rằng trong bối cảnh hiện nay, DN không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục, mà còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục.
TS. Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết nguồn lao động Việt Nam dồi dào và ổn định. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động vẫn còn nhiều điểm phải bàn.
Cụ thể, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, dẫn tới vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập.
Ngoài ra, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thị trường lao động ngày càng lớn. Khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao.
Bản tin thị trường lao động số 15 cho thấy tại thời điểm quý III/2017, số người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên tăng 53,9 nghìn người so với quý II/2017, ở mức 237 nghìn người, tương đương 4,51%.
Trước bối cảnh Hiệp định CPTPP, bà Dung cho rằng thách thức lớn nhất của lao động Việt Nam là tính cạnh tranh trong khi mức độ sẵn sàng của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn chậm.
“Cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng, đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể theo hướng tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới nhằm tăng cường khả năng công nhận văn bằng chứng chỉ giữa Việt Nam và các nước khác”, bà Dung nhấn mạnh.
Chạy đua nếu không muốn bị bỏ lại
Theo ông Stephan Ulrich, Quản lý dự án Vùng Dự án Phát triển DN bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thống kê có 33% công ty cho rằng làm việc nhóm và 31% cho rằng khả năng trao đổi là quan trọng.
Các DN cũng cho rằng các kỹ năng này không được dạy bài bản ở trường đại học mà được hình thành và đào tạo trong quá trình lao động tại DN. DN cũng cho rằng nếu chỉ có nguồn nhân lực tốt mà chưa có quản trị tốt thì không đi đến đâu cả.
Chưa kể, về trình độ quản lý, Việt Nam chỉ đứng cùng với các quốc gia như Kenya hay Nigeria.
Ông Stephan Ulrich cho rằng Việt Nam cần mở rộng đào tạo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy học sinh tham gia 4 bộ môn: khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần cải cách giáo dục đào tạo và khởi nghiệp. Sự kết nối giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực đào tạo để làm sao lĩnh vực tư có thể tạo phản ứng, thúc đẩy cho lĩnh vực công thay đổi, cải tiến.
Với CPTPP, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), cho rằng chi phí của DN dành cho nguồn lao động cao hơn bởi các tiêu chuẩn trong CPTPP cao hơn.
Tuy nhiên, đây có phải là thách thức không lại là vấn đề khác, bởi nếu Việt Nam thực hiện tốt có khi DN Việt còn được hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa và DN sẽ không phải chịu tiếng pháp luật không đảm bảo. Đây sẽ là cơ hội, là động lực không thể tốt hơn buộc các DN cải thiện chất lượng nguồn lao động.
Thực tế hiện nay, mỗi DN Việt chi trung bình khoảng gần 400.000 đồng/năm cho đào tạo một nhân viên.
Trong khi đó, bà Angeline Teo, Giám đốc công ty tư vấn nguồn nhân lực dOz International (Singapore), cho biết các DN được cho là thành công trong công tác phát triển nguồn nhân lực phải chi đến 8% doanh thu cho đào tạo nhân sự. Điều này cho thấy ngân sách đào tạo cho nguồn nhân lực Việt Nam đang vô cùng hạn chế.
Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo nếu không thay đổi, các DN Việt Nam khó thoát khỏi cảnh bị bỏ lại phía sau hoặc bị thâu tóm nhường lại thị trường cho các DN nước ngoài với nguồn nhân lực ở trình độ cao.