Mỗi phút, người dân thế giới tiêu thụ một triệu chai nhựa
Ông Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc tại Việt Nam, đã đưa ra những con số báo động về rác thải nhựa trên thế giới.
Tại sự kiện “Rác thải nhựa – Khu vực công và tư cùng kết hợp giải quyết” ngày 5/6, ông Albert, Trưởng đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc tại Việt Nam đồng thời là một đại diện của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu và môi trường, đã đưa ra những con số “biết nói” về rác thải nhựa trên thế giới.
Đó là trên thế giới, hơn 8,3 tỉ tấn nhựa được sản xuất từ đầu những năm 1950. Trong đó khoảng 60% đã được xả thải ra môi trường tự nhiên hoặc chôn lấp. Nhân loại thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, con số này tương đương với trọng lượng của tất cả người dân thế giới cộng lại.
Chỉ tính riêng năm 2018, các nhà sản xuất trên thế giới đã sản xuất ra 360 triệu tấn nhựa. Và trong khoảng từ 10 đến 15 năm tới, sản xuất nhựa thế giới sẽ lớn gần gấp đôi, lần lượt vào khoảng 500 triệu tấn vào năm 2025 và 619 triệu tấn vào năm 2030.
Hơn 99% nhựa được sản xuất từ hóa chất có nguồn gốc từ dầu, khí tự nhiên và than. Nếu xu hướng này tiếp tục, vào năm 2050, ngành nhựa sẽ chiếm khoảng 20% tiêu thụ dầu của thế giới.
Từ những năm 1950, tỉ lệ sản xuất nhựa đã tăng nhanh hơn bất kỳ vật liệu nào khác. Thế giới đã chuyển từ việc sản xuất nhựa bền sang nhựa dùng một lần, chẳng hạn như túi, vỏ chai, bỏ bọc thức ăn…. Và những vật dụng trên đã trở thành một không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.
Ông Albert cung cấp một số các con số đáng báo động khác như: có tới 5 nghìn tỉ túi nhựa được sử dụng trên thế giới mỗi năm; 13 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm; 17 triệu thùng dầu được sử dụng vào việc sản xuất nhựa mỗi năm. Và mỗi phút, người dân trên thế giới mua 1 triệu chai nhựa.
Việt Nam là một trong năm quốc gia “đóng góp” vào việc xả 13 triệu tấn rác thải nhựa vào đại dương mỗi năm. Các loại nhựa sử dụng một lần đang rất phổ biến tại Việt Nam trong khi việc xử lý rác còn nhiều hạn chế.
Ước tính khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam với mức sử dụng đồ nhựa tăng từ 16 đến 18% mỗi năm.
Vị này đưa ra các giải pháp chung đó là giảm sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích tái chế nhựa và cải thiện việc xử lý rác thải. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường các sáng kiến về phát triển bền vững và đưa ra các giải pháp để nâng cao nhận thức người dân, tiến tới một thế giới sạch hơn.