Mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Theo thống kê, diễn biến của lạm phát thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời kỳ 2004-2011 có 3 đặc điểm nổi bật: tăng cao, lặp đi lặp lại với chu kỳ “1 năm tăng thấp, 2 năm tăng cao”. Sau thời kỳ 2004-2011, từ 2012 đến nay, diễn biến CPI có các đặc điểm khác hẳn, chỉ số lạm phát tăng thấp tăng thấp (chỉ bằng một nửa thời kỳ 2004-2011), đồng thời liên tục tăng chậm lại và không lặp lại chu kỳ “1 năm tăng thấp, 2 năm tăng cao” như thời kỳ 2004-2011.

Mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Diễn biến khác biệt của chỉ số CPI thời kỳ từ 2012 đến nay có nguyên nhân chủ quan, đồng thời cũng xuất phát từ một số yếu tố khách quan. Trước hết xuất phát từ đổi mới tư duy trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên. Từ năm 2011 trở về trước, với tư duy lựa chọn mục tiêu ưu tiên là tăng trưởng nhanh; mô hình tăng trưởng nghiêng về số lượng hơn chất lượng, nghiêng về chiều rộng hơn chiều sâu, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, tăng số lượng lao động rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên… nên lạm phát cao, lặp đi lặp lại. Từ năm 2012 đến nay, tư duy trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên đã có sự thay đổi, đó là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
 
Đồng thời với việc chuyển đổi tư duy là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động. Đây là yếu tố cơ bản, là nguyên nhân sâu xa của việc kiềm chế lạm phát một cách bền vững. Nhờ sự chuyển đổi mục tiêu ưu tiên về chất, đồng thời tái cơ cấu nền kinh tế, từ 2012 đến nay, tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng cao lên qua các năm (năm 2012 tăng 3,05%, năm 2013 tăng 3,83%, ước năm 2014 tăng 4,34%), chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành nông nghiệp có năng suất lao động thấp hơn sang các ngành công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp xa so với nhiều nước trong khu vực.
 
Một yếu tố thuộc về cầu tỏ ra yếu kém, hay có liên quan đến quan hệ cung- cầu, tức là quan hệ giữa GDP sản xuất và GDP sử dụng. Nếu thời kỳ từ 2011 trở về trước, GDP sử dụng lớn hơn và tăng nhanh hơn GDP sản xuất, thì từ 2012 đến nay, GDP sử dụng nhỏ hơn và tăng thấp  hơn GDP sản xuất. Những năm trước, vốn đầu tư so với GDP rất lớn, vượt xa so với tích lũy/để dành so với GDP; nay tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đã giảm xuống nhanh và sát, thậm chí thấp hơn tích lũy/GDP. Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu lớn sang xuất siêu, đảm bảo cân đối cán cân thương mại, tăng quỹ dự trữ ngoại hối, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
 
Một yếu tố khác có liên quan đến chi phí đẩy, đó là giá hàng nhập khẩu, là lãi suất vay ngân hàng còn cao. Giá hàng nhập khẩu nếu những năm trước tính bằng VND tăng, do giá tính bằng USD tăng và tỷ giá VND/USD tăng cao, thì từ năm 2012 đến nay, giá hàng nhập khẩu tính bằng USD giảm, tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định ở mức thấp. Lãi suất vay ngân hàng, nếu trước đây ở mức rất cao (tới 24-25%/năm), thì nay đã trở về mức cơ bản (7-8%/năm).
 
Về tiền tệ, tín dụng- yếu tố trực tiếp và tác động đến lạm phát cũng có sự thay đổi quan trọng. Thời kỳ từ 2011 trở về trước, tốc độ tăng tín dụng rất cao (lên đến 33% trong thời kỳ 2006-2010, cao gấp trên 5 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế), thì từ 2012 đến nay đã giảm nhanh chỉ còn tăng khoảng 11%/năm, gấp 2 lần tốc độ tăng GDP. Nếu trước đây, tốc độ tăng tiền gửi không phải lúc nào cũng cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng, thì nay gần như liên tục cao hơn, có thời kỳ gấp rưỡi, gấp đôi.
 
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến CPI năm 2015 tăng 5%. Đối với người tiêu dùng là một tin vui, bởi với mục tiêu này, thì đây sẽ là năm thứ tư CPI liên tiếp tăng thấp và là năm thứ hai tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP, làm cho tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa thiết thực hơn. Tuy nhiên, để kiềm chế lạm phát, dự kiến kế hoạch 2015 đã giảm chỉ tiêu tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP xuống còn 27,7%, tiếp tục thấp hơn các năm trước; trong khi tăng trưởng kinh tế đề ra cao hơn năm 2014 là khó có tính khả thi, do mối quan hệ tương đối chặt chẽ giữa các chỉ tiêu này. Tổng cầu mấy năm qua đã yếu, khả năng đến hết năm 2014 và đầu sang năm vẫn chưa hồi phục. Trong khi đó, vốn đầu tư - (yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế) tiếp tục cắt giảm về tỷ trọng so với trước đây.

Xét ở đầu ra, vốn đầu tư là nội dung quan trọng của tổng cầu (chiếm gần 1/3). Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng cuối cùng vẫn chưa ấm nóng trở lại, do tâm lý người tiêu dùng vẫn còn “thắt lưng buộc bụng”; tiền lương năm 2014 đã không tăng và khả năng năm 2015 vẫn chưa có nguồn; nếu còn dư dật đồng nào, thậm chí tăng trưởng tín dụng có cao lên thì cũng bị hút vào thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Ngay vàng giá cao hơn thế giới tới 5 triệu đồng/lượng mà vẫn có người mua; giá USD ổn định đã mấy năm mà từ vài ba năm nay vẫn có vài ba đợt “sóng” để đầu cơ...

Vì vậy, để đảm bảo sự tương thích giữa các chỉ tiêu kinh tế cho năm 2015, Chính phủ cần đề ra nhiều giải pháp, nhất là giải pháp miễn giảm thuế, giảm lãi suất cho vay, khuyến khích đầu tư, kích thích tiêu dùng… để tăng tổng cầu. Đồng thời chủ động xử lý các hiệu ứng phụ có thể xảy ra trong quá trình kiềm chế lạm phát có liên quan đến sản xuất, kinh doanh, nhất là lao động và việc làm