Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn
(Tài chính) Việc các doanh nghiệp (DN) đặt ra những kế hoạch kinh doanh một cách thận trọng đã cho thấy những dự cảm không tốt về nền kinh tế. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh– nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương về môi trường kinh doanh của DN trong năm 2014.
TS. Lê Đăng Doanh: Năm 2014 môi trường kinh doanh của các DN vẫn còn rất khó khăn. Kết thúc quý I/2014, GDP cả nước tăng trưởng 4,96%, cao hơn mức tăng của năm 2011 và năm 2012.
Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu lại dựa vào khu vực dịch vụ và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chứ không phải tăng trưởng của các DN trong nước. Hiện rất nhiều DN trong nước đã phải giải thể, phá sản, ngưng hoạt động. Nhìn vào các con số, có thể thấy sự hồi phục trong quý I/2014 là rất mong manh.
Cụ thể, khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2013 như bán buôn bán lẻ tăng 5,61%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,58%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,91%.
Trong khi đó, công nghiệp chỉ tăng trưởng 4,69%, nông nghiệp hầu như không tăng trưởng (đạt 1,91%). Ngoài ra, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới trên 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của quý I-2013. Do đó, sự tăng trưởng đó chưa phải là căn cứ để quá lạc quan.
Trong mùa Đại hội cổ đông vừa rồi, rất nhiều DN đã đặt ra chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh thấp hơn năm 2013, đáng chú ý, trong số này có cả những DN lớn, ý kiến của ông như thế nào?
Việc những DN này đặt kế hoạch thấp là có cơ sở, bởi vì lãi suất dù đã giảm nhưng tín dụng tăng rất thấp, chỉ đạt 0,01% so với cuối năm 2013. Cho nên các DN phải thận trọng vì sức cầu trong dân giảm sút rất nhiều. Trong quý I/2014, trong khi công nghiệp chỉ tăng 4,69% thì hàng tồn kho lại tăng tới 13,4%. Vì vậy, việc DN lo lắng là hoàn toàn hợp lý.
Vậy theo ông, từ nay đến cuối năm, liệu nền kinh tế có chuyển biến tích cực hơn?
Từ nay đến cuối năm, nền kinh tế có thể sẽ có chuyển biến nếu Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 được thực hiện một cách nghiêm túc và có sự cải thiện rõ ràng.
Vừa rồi, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng CECODES và Trung tâm Đào tạo cán bộ và Nghiên cứu khoa học của Mặt trận Tổ quốc, công bố chỉ số PAPI đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, qua đó cho thấy tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra tràn lan.
Cùng với đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cũng cho thấy kết quả tương ứng. Đây là một vấn đề nhức nhối của Việt Nam và cần được giải quyết triệt để.
Ông có thể cho biết thêm, trong năm 2014, những ngành nào sẽ có lợi thế và ngành nào sẽ gặp khó khăn?
Trong bối cảnh kinh tế năm 2014, các DN sản xuất xuất khẩu sẽ có nhiều cơ hội hơn, cùng với đó là các DN đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân như giáo dục, y tế và các DN hoạt động trên các lĩnh vực về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tuy nhiên, bên cạnh đó, các DN liên quan đến ngành bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Điều này thể hiện qua lượng tồn kho rất lớn của các mặt hàng như xi măng, sắt thép…
Bên cạnh các vấn đề nội tại trong nước, các vấn đề trên thế giới sẽ tác động như thế nào đến DN? Ông có lưu ý gì đối với các DN?
Trong năm nay, nền kinh tế thế giới có hồi phục, nhưng mức độ hồi phục chậm hơn rất nhiều so với dự báo trước đó. Ngày 8/4 vừa rồi, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã họp và quyết định đã giảm 0,1% mức tăng trưởng trên thế giới, xuống còn 3,6%. Kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tăng trưởng chậm hơn rất nhiều. Trong quý I/2014, GDP của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 7,4%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 7,7% trong quý IV/2013.
Từ những chỉ số đó cho thấy, tại một số thị trường nhất định Việt Nam có thể tăng trưởng xuất khẩu được, nhưng tại một số thị trường khác thì nhu cầu sẽ không lớn. Đặc biệt, tại một số thị trường đang xảy ra bất ổn về chính trị như Nga và Ukraine thì tình hình sẽ rất khó khăn. Do đó, doanh nghiệp cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trong các kế hoạch kinh doanh của mình.