Môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn
Chiều 3/12, trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 với chủ đề Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu (dự kiến diễn ra sáng 4-12), hai Đồng Chủ tịch Diễn đàn – ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu đã tổ chức họp báo.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2019 tới, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn. Việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngay từ 1-1-2019, tiếp đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (VEFTA) đã được đệ trình lên Hội đồng châu Âu và lạc quan nhất là cũng sẽ được ký kết vào đầu năm tới; tạo ra nhiều cơ hội, cũng như áp lực cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Theo kết quả khảo sát 1200 CEO hàng đầu thế giới do PwC tiến hành, Việt Nam đã vượt Trung Quốc, trở thành nền kinh tế có năng lực thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong 12 tháng tới”, ông Lộc hồ hởi cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, ông Tomaso Andreatta cũng cho rằng dòng đầu tư đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho Việt Nam; đặc biệt là chất lượng của dòng vốn sẽ được cải thiện với sự có mặt nhiều hơn của các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ.
Ghi nhận quyết tâm tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam, mà một ví dụ điển hình là “cuộc cách mạng với kế hoạch cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh”, song ông Vũ Tiến Lộc nhận định: “Vẫn có sự khác biệt lớn giữa báo cáo của các cơ quan Chính phủ với cảm nhận của các doanh nghiệp và người dân về môi trường kinh doanh".
Điều tra năm 2017 cho thấy, vẫn có 58% doanh nghiệp phải xin Giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép.
Việc nộp thuế của doanh nghiệp đạt thuận lợi hơn rất nhiều, chủ yếu do ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tình trạng quy định pháp luật thuế gây ra cách hiểu không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế vẫn còn nhiều. Thủ tục đăng ký bất động sản mặc dù có sự cải thiện, nhưng mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết, phối hợp với thủ tục về xây dựng, công chứng, nộp thuế.
Cải cách tư pháp đạt bước tiến trong việc công khai các bản án và công bố án lệ, nhưng chậm trong việc triển khai thủ tục rút gọn và toà án điện tử. Tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện có xu hướng giảm, với lý do chính là thời gian kéo dài. Các doanh nghiệp đã từng kiện tụng có xu hướng sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp không chính thức cao hơn so với doanh nghiệp chưa từng kiện tụng...