Món quà khó cưỡng
Với 8 sáng kiến hợp tác lớn bao trùm hầu hết lĩnh vực cùng khoản cam kết tài chính hào phóng lên tới 60 tỷ USD mà Trung Quốc dành cho châu Phi, kết quả Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) vừa diễn ra tại Bắc Kinh một lần nữa cho thấy ai đang thực sự làm chủ ở châu lục giàu tài nguyên này.
8 sáng kiến, 50 dự án và 60 tỷ USD
Đó là những “món quà khó cưỡng” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết cho châu Phi tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi vừa kết thúc. Cụ thể, Trung Quốc sẽ thực thi 8 sáng kiến lớn với các nước châu Phi trong 3 năm tới và dài hơn, bao trùm 8 lĩnh vực.
Về xúc tiến công nghiệp, Trung Quốc sẽ thực hiện 50 chương trình hỗ trợ nông nghiệp, cung cấp viện trợ thực phẩm nhân đạo khẩn cấp trị giá 1 tỷ NDT (147 triệu USD) cho các nước châu Phi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, và cử 500 chuyên gia cao cấp về nông nghiệp sang hỗ trợ châu Phi.
Về kết nối hạ tầng, Chủ tịch Trung Quốc cho biết nước này sẽ phối hợp với Liên minh châu Phi (AU) lập kế hoạch hợp tác hạ tầng Trung Quốc - châu Phi và hỗ trợ các công ty Trung Quốc tham gia phát triển hạ tầng tại châu Phi theo mô hình đầu tư - xây dựng - vận hành, hoặc các mô hình khác.
Về tạo điều kiện cho thương mại, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu từ châu Phi, đặc biệt là các sản phẩm không phải nguyên liệu thô, và hỗ trợ các nước châu Phi tham gia Triển lãm Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc.
Các nước châu Phi kém phát triển nhất sẽ được miễn phí mở gian hàng tại triển lãm. Trung Quốc cũng sẽ thực hiện 50 dự án hỗ trợ phát triển xanh, bảo vệ sinh thái và môi trường, với trọng tâm chống biến đổi khí hậu, đại dương; ngăn chặn và kiểm soát quá trình sa mạc hóa, và chống cháy rừng.
Về xây dựng năng lực, Trung Quốc sẽ đào tạo 1.000 người châu Phi có năng lực cao, cung cấp cho châu Phi 50.000 học bổng chính phủ, tài trợ các cuộc hội thảo, hội nghị cho 50.000 người châu Phi và mời 2.000 thanh niên châu Phi thăm Trung Quốc để trao đổi.
Về y tế, Trung Quốc sẽ nâng cấp 50 chương trình hỗ trợ y tế và sức khỏe cho châu Phi, tập trung vào các dự án trọng điểm như Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - châu Phi và Cơ quan Kiểm soát và phòng chống bệnh tật châu Phi.
Về trao đổi nhân dân, Trung Quốc sẽ lập một viện nghiên cứu châu Phi và trao đổi với châu Phi về văn hóa.
50 cũng là con số chương trình hỗ trợ an ninh mà Trung Quốc cam kết trong lĩnh vực này. Trung Quốc sẽ lập một quỹ hòa bình và an ninh Trung Quốc - châu Phi và tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự miễn phí cho Liên minh châu Phi.
Quan trọng nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đã chuyển giao hoặc sắp giải ngân toàn bộ 60 tỷ USD cam kết hỗ trợ châu Phi, được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh FOCAC ở Johannesburg, Nam Phi năm 2015.
Gói tài chính sẽ bao gồm 15 tỷ USD viện trợ, các khoản vay không lãi suất và vay ưu đãi, 20 tỷ USD tín dụng, 10 tỷ USD cho quỹ phát triển Trung Quốc - châu Phi và 5 tỷ USD.
Thêm vào đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định các công ty nước này được khuyến khích đầu tư 10 tỷ USD vào “lục địa đen” trong vòng 3 năm tới.
Trấn an bằng cách tiếp cận “5 không”
Nếu cộng cả khoản tài chính hào phóng mới nhất, số tiền mà Trung Quốc cho châu Phi vay đã lên đến gần 200 tỷ USD. Trên thực tế, kể từ năm 2000, châu lục này đã vay nợ khoảng 130 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu dùng vào các dự án hạ tầng.
Đây cũng chính là lý do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán các khoản cho vay của Trung Quốc có thể làm tăng nợ của châu Phi lên gấp đôi trong 5 năm tới.
Trung Quốc hiện nắm giữ tới 14% nợ của châu Phi và là chủ nợ chính của nhiều quốc gia châu Phi, trong đó phải kể tới Djibouti khi Bắc Kinh nắm tới 77% tổng nợ của nước này tính đến cuối năm 2016 hay Ethiopia đã vay ít nhất 12,1 tỷ USD từ “chủ nợ” Trung Quốc kể từ năm 2000.
Lina Benebdallah, Phó Giáo sư chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Wake Forest, Bắc Carolina cảnh báo, mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi là “bất đối xứng”. Năm 2016, Trung Quốc đã xuất khẩu 88 tỷ USD hàng hóa sang châu Phi, nhưng chỉ nhập khẩu lượng hàng hóa bằng một nửa từ lục địa này.
Một trong những lo ngại lớn nhất liên quan đến các khoản vay của Trung Quốc là chính sách ngoại giao “bẫy nợ”, cho phép Bắc Kinh tạo áp lực với các nước không thể trả nợ.
Chẳng hạn năm 2010, Bắc Kinh đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng cảng Hambantota. Khi Sri Lanka không thể trả nợ, họ đã buộc Chính phủ nước này ký hợp đồng cho một công ty Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm.
Chính vì vậy, tại diễn đàn lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trấn an các đối tác ở lục địa Đen với cam kết Trung Quốc theo đuổi cách tiếp cận “5 không” trong quan hệ với châu Phi, gồm:
- Không can thiệp vào việc lựa chọn con đường phát triển của các nước châu Phi phù hợp với điều kiện của riêng từng nước;
- Không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước châu Phi;
- Không áp đặt mong muốn của Trung Quốc đối với các nước châu Phi;
- Không gắn đòi hỏi chính trị vào các hỗ trợ dành cho châu Phi;
- Không tìm cách giành các lợi ích chính trị ích kỷ trong việc hợp tác đầu tư và tài chính với châu Phi.
Về phần mình, dù đang lún sâu vào nợ nần, các quốc gia châu Phi có vẻ khó cưỡng lại “món quà” của Trung Quốc. Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng thống Rwanda Paul Kagame, Chủ tịch Liên minh châu Phi phủ nhận mọi quan ngại về nguy cơ “bẫy nợ” từ Trung Quốc, đồng thời khẳng định đây là hành động phá hoại mối quan hệ giữa Bắc Kinh và châu lục này.