Tỉnh Hậu Giang tăng cường bình ổn thị trường hàng hóa tết


Ngành công thương, các địa phương cùng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt là ổn định được giá cả trong thời điểm mua sắm tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán.

Các đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa cho thị trường tết. Ảnh: Hoài Thu
Các đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa cho thị trường tết. Ảnh: Hoài Thu

Thị trường hàng hóa dồi dào

Theo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, nhằm đảm bảo nguồn cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, đơn vị đã phối hợp các sở, ngành, các địa phương cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Việc làm này nhằm góp phần đảm bảo nguồn cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới diễn biến khó lường, tình hình trong nước bị ảnh hưởng, giá mặt hàng hóa năng lượng như xăng dầu, lương thực, thực phẩm… có xu hướng tăng, những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt gây ra làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa luôn biến động.

Bên cạnh đó, cũng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, đảm bảo nguồn cung ứng và phân phối hàng hóa đảm bảo đầy đủ, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khuyến khích đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối từ tỉnh đến địa phương nhằm đảm bảo hàng hóa trong Chương trình đến tay người dân một cách trực tiếp, thuận lợi, nhanh chóng, đặc biệt là tại các huyện, thị xã, thành phố nơi có khu công nghiệp và tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt công tác quản lý bình ổn giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công thương đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và 11 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, gồm các nhóm hàng hóa thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu bình ổn thị trường, với nhiều mặt hàng như: gạo, mì ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, đường, dầu ăn, muối, nước mắm, nước tương, bột ngọt, cá các loại, thịt các loại (thịt heo, gà, vịt), rau, củ, quả, giấy vệ sinh, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát... Ngoài ra, còn có các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

Theo tổng hợp của Sở Công thương tỉnh Hậu Giang thì tổng giá trị hàng hóa tham gia Kế hoạch thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn tỉnh là trên 981 tỉ đồng. Trong đó, giá trị dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường  của 8 huyện, thị xã, thành phố trên 529 tỉ đồng. Giá trị dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện trên 452 tỉ đồng; trong đó các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng lương thực thực phẩm (siêu thị, cửa hàng bách hóa xanh, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng khác…) trên 61 tỉ đồng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên 391 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Ái, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết: Giá bán hàng hóa bình ổn thị trường do doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng và thực hiện đăng ký với Sở Công thương, Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm ít nhất là 5% (trừ giá xăng, dầu, LPG phải bán theo giá công bố của liên Bộ Công thương - Tài chính).

Trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm đối với giá nguyên vật liệu đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, đơn vị thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn như sau: Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 5% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn (trong thời gian 15 ngày) thì doanh nghiệp thực hiện đăng ký lại giá bán bình ổn và phải được Sở Tài chính thẩm định, chấp thuận bằng văn bản mới được điều chỉnh tăng giá bán. Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động giảm từ 5% thì các doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán tương ứng. Các doanh nghiệp tự chủ động điều chỉnh giảm giá bán và gửi thông báo về Sở Tài chính, Sở Công thương theo dõi.

Trong trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5%, các đơn vị chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp với tình hình thực tế và gửi thông báo về Sở Công thương, Sở Tài chính. Giá thị trường là giá do Sở Tài chính công bố tại từng thời điểm.

Trường hợp thị trường biến động do có hiện tượng nâng giá gây khan hiếm giả tạo, doanh nghiệp tham gia chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa có khả năng điều tiết thị trường theo sự điều phối của Sở Công thương. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nguyên liệu, sản xuất, dự trữ hàng hóa đầy đủ, ổn định để cung ứng và giữ ổn định giá bán trong thời gian tham gia chương trình.

Các hệ thống phân phối khi tham gia chương trình tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia chương trình cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, thực hiện việc chia sẻ chiết khấu và các chi phi khác khi có biến động giá nhằm ổn định thị trường.

Chủ động từ các đơn vị

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang thì đơn vị sẽ theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt heo và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Chủ động, giới thiệu các doanh nghiệp, các tổ chức chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp có nguồn hàng đảm bảo chất lượng tham gia bình ổn thị trường; tham gia cung ứng hoặc cung ứng hàng hóa vào hệ thống phân phối bình ổn thị trường của doanh nghiệp; xác định khối lượng, cơ cấu hàng hóa bình ổn giá trong lĩnh vực nông nghiệp quản lý chủ động nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Chợ Vị Thanh là chợ trung tâm lớn nhất tỉnh nên ngành chức năng thành phố Vị Thanh sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có thể tăng cao hoặc có biến động tăng giá cao trong thời gian qua trên địa bàn quản lý để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động có phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp cho biết luôn tích cực tham gia chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường tại địa phương, các hoạt động trong chương trình kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, đảm bảo cung ứng tốt các hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân được tiếp cận hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.

Trong Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với Đội Quản lý thị trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh, mua bán tại chợ; điều kiện phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tăng cường các giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên người. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống thiên tai, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cây trồng... Làm tốt công tác quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao bất thường để thu lợi bất chính. Bảo đảm cung cấp điện, nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, quản lý tốt hoạt động vận tải đường bộ, các bến xe khách, các bến phà đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn, vận chuyển hàng hóa phục vụ tết...

Theo Hoài Thu/ Báo Hậu Giang