Một bức tranh sáng màu (Dựa trên kết quả khảo sát gần 400 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã chuyển đổi thành công ty cổ phần)

Nhóm Tư vấn chính sách Bộ Tài chính

TCTC Online - Nhiều thành công từ quá trình cổ phần hoá (CPH) DN 100% vốn nhà nước nói chung và sắp xếp, chuyển đổi các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn nói riêng...

Mục tiêu và phương pháp điều tra, khảo sát

Cuộc điều tra, khảo sát được thực hiện nhằm đánh giá tác động cơ bản của chính sách CPH tới DN; gây dựng dữ liệu phân tích là những căn cứ cụ thể xem xét thực chất kết quả quá trình CPH DN 100% vốn nhà nước. Đồng thời, đây là cơ sở thực tế để phân tích, đánh giá những chỉ tiêu quản lý tổng hợp đối với các cơ quan chức năng và các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu về DNNN và cải cách DNNN.

Nhằm mục tiêu đó, cuộc điều tra được tiến hành ở cả ba miền: Bắc, Trung,  Nam với gần 400 DN thuộc trung ương, địa phương và tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước quản lý, đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, cho phép đánh giá mang tính đại diện cho DN thuộc các hình thức CPH, cấp quản lý, ngành nghề, giúp đưa ra các nhận định chung nhất.

Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên kết hợp với việc xem xét cơ cấu vùng, ngành nhằm đảm bảo tính khách quan cũng như tính sát thực từ kết quả mang lại.

Những kết quả tích cực

1. Bức tranh sáng sủa của các DN sau CPH: Điều này chứng tỏ tính đúng đắn của chủ trương CPH DNNN mà chúng ta đang thực hiện. Về mặt quản lý, các cơ quan chức năng hoàn toàn yên tâm rằng các DNNN sau CPH đã ngày càng vững mạnh, tự đảm trách được một cách có hiệu quả lĩnh vực kinh doanh của mình, ngay cả khi không còn là DNNN. Một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

- Các chỉ tiêu về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu tăng cao: Sau 2 năm CPH, so với năm đầu tiên CPH, tổng giá trị tài sản của DN tăng 22,91%; nếu so với năm liền kề trước khi CPH thì tăng 69,47%. Bình quân 2 năm sau CPH so với bình quân 2 năm trước khi CPH tăng 66,39%.

Tương tự, sau 2 năm CPH, tổng vốn sở hữu của 356 DN CPH tăng 78,41%, so với năm đầu tiên sau CPH (tăng 12,84%). Bình quân 2 năm sau CPH so với bình quân 2 năm trước khi CPH tăng 90,67%. Tại năm thứ 2 sau CPH, vốn chủ sở hữu bình quân 1 DN là 63.305 triệu đồng (nếu không loại trừ những DN có mức vốn chủ sở hữu vượt trội thì mức vốn chủ bình quân lên tới 90.570 triệu đồng). Trong đó, các DN công nghiệp có mức vốn chủ sở hữu lớn nhất (bình quân 104.688 triệu đồng), DN xây lắp có mức vốn chủ thấp nhất (bình quân 22.659 triệu đồng).

- Các chỉ tiêu về kết quả sản xuất, kinh doanh và nộp ngân sách của DN tăng cao: Năm thứ 2 sau khi CPH so với năm đầu tiên sau CPH, doanh thu của các DN được khảo sát tăng 17,78% còn so với năm liền kề trước khi CPH thì tăng 78,79%. Bình quân 2 năm sau CPH so với 2 năm trước CPH thì doanh thu tăng 75,13%.

Năm thứ 2 sau khi CPH so với năm đầu tiên sau CPH, lợi nhuận của các DN được khảo sát giảm 1,14%, do năm 2007-2008 tình hình kinh tế khó khăn hơn 2006-2007, còn so với năm liền kề trước khi CPH thì tăng tăng 219,14%. Bình quân 2 năm sau CPH so với 2 năm trước CPH thì lợi nhuận tăng 233,09%.
Năm thứ 2 sau khi CPH so với năm đầu tiên sau CPH, nộp ngân sách của các DN được khảo sát tăng 50,73%, còn so với năm liền kề trước khi CPH thì tăng 92,37%. Bình quân 2 năm sau CPH so với 2 năm trước CPH thì nộp ngân sách tăng 95,11%.

Vì vậy, có thể nói kết quả điều tra là một minh chứng hết sức thuyết phục khẳng định CPH DN 100% vốn nhà nước là một chủ trương hết sức đúng đắn và đã có tác động cao độ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của những DN này.

2. Tài sản và vốn nhà nước được định giá sát với thị trường hơn: Mức tăng rất cao của giá trị tổng tài sản và vốn nhà nước sau khi được đánh giá lại sát hơn theo giá thị trường. Điều này cũng chỉ ra điều ngược lại, nghĩa là con số hiện hành về giá trị tài sản và vốn nhà nước tại các DNNN chưa CPH có thể còn sai lệch do chưa được đánh giá sát với giá thị trường. Sự gia tăng về giá trị tài sản và vốn nhà nước tại DN khi xác định giá trị lần 2 so với lần 1 cũng chứng tỏ việc triển khai thực hiện CPH hầu như không ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và hiệu quả hoạt động của DN.

3. Đã có sự thông thoáng hơn trong việc chuyển nhượng tiếp vốn nhà nước ở các DN CPH: Số DN có vốn nhà nước trên 50% đã giảm so với thời điểm CPH. Điều này cho thấy dù số DN chịu sự chi phối về vốn nhà nước giảm thêm không nhiều nhưng đã có sự thông thoáng hơn trong việc chuyển nhượng tiếp vốn nhà nước ở các DN này, phù hợp với định hướng giảm dần sự có mặt của Nhà nước tại những DN không quan trọng.

4. Chi phí Nhà nước chi ra để thực hiện cải cách, chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần thấp hơn nhiều so với lợi nhuận DN thu được sau hai năm hoạt động theo hình thức cổ phần (chi phí cải cách DNNN đã chi ra cho các DN này là 2.419.131 triệu đồng trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp làm ra trong hai năm sau CPH là 12.483.747,36 triệu đồng). Điều này cho thấy tuy Nhà nước phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn cho cải cách DN trong quá trình CPH các DNNN nhưng cũng chính nhờ đó mà  tình hình tài chính các DN được lành mạnh hóa, tạo điều kiện cho DN ổn định và phát triển ngay sau khi hoàn tất quá trình CPH. Xét lợi ích tổng thể của nền kinh tế thì chi phí cải cách là cần thiết và mang lại hiệu quả rất cao.

Một số vấn đề đặt ra

1. Cần thiết phải tính đến quy định về tái cơ cấu DN. Kết quả khảo sát cho thấy thời gian CPH ở 45,7% các DN đã được rút ngắn hơn trước (dưới 12 tháng) nhưng có tới 54,3% DN cần hơn một năm (dài hơn quy định hiện hành). Khảo sát cũng cho thấy đối với các DN lớn thì thời gian CPH cần dài hơn nhiều so với quy định hiện hành, các DN đã tổ chức lại cơ cấu rồi thì CPH nhanh hơn, phù hợp với quy định. Việc khảo sát phỏng vấn trực tiếp thêm ở 1 số DN cho thấy DN cần nhiều thời gian hơn để tái cơ cấu trước và sau khi CPH. Do đó, cần có nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về tái cơ cấu của DN CPH để có quy định phù hợp về quy trình và thời gian CPH, cũng như bản thân quá trình tái cơ cấu DN nên được coi là 1 bộ phận của quá trình CPH và cũng cần được quy định nội dung cụ thể cho các DN thống nhất thực hiện.

2. Cấu trúc vốn chủ sở hữu (vốn chủ - nợ) của DN sau CPH chưa được cải thiện đáng kể. Giá trị tổng tài sản rất lớn so với vốn chủ sở hữu, ngoại trừ phần lợi nhuận để lại được vốn hóa, số chênh lệch chủ yếu là các khoản nợ. Tuy nhiên, với dữ liệu thu thập được khó có phân tích kỹ hơn, cần thiết phải có nghiên cứu kỹ hơn về cấu trúc tài chính của DNNN và DN sau CPH để có đánh giá chính xác hơn.

3. Bộc lộ một số vấn đề về quản trị công ty cổ phần, cơ cấu nhân sự quản lý chưa thay đổi nhiều, thể hiện rõ nhất ở việc chưa có nhiều nhà quản lý đến từ khu vực ngoài quốc doanh. Số liệu khảo sát chỉ ra rằng chỉ có 25% số DN có sự thay đổi cán bộ quản lý điều hành, trong khi có tới 64% số DN không có vốn Nhà nước chi phối  cho thấy các cổ đông vẫn tin tưởng các cán bộ quản lý điều hành cũ. Đồng thời điều này cũng cho thấy các cán bộ quản lý điều hành cũ đó vẫn đảm đương được nhiệm vụ của mình thể hiện ở kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sau CPH rất tốt.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra kết quả này còn bộc lộ một số vấn đề như phải chăng việc đội ngũ cán bộ chưa có sự thay đổi lớn do DN chưa có nhu cầu (do chủ quan hoặc khách quan) hoặc chưa có điều điều kiện cần thiết để thu hút được nguồn nhân sự quản lý điều hành có trình độ cao từ bên ngoài. Kết quả hoạt động kinh doanh của DN sau CPH cũng có thể không do yếu tố đổi mới nhân sự mà chủ yếu đổi mới cơ chế và mô hình quản trị DN đã nâng cao tính tự chủ cho DN, tạo động lực cho DN hoạt động, phát triển. Cán bộ quản lý điều hành không thay đổi nhiều gắn với năng lực quản trị và sức mạnh trong năng lực kinh doanh của DN sau CPH vẫn tập trung vào cơ cấu ngành nghề, sản xuất kinh doanh trước đây là chủ yếu, mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị cho các DN sau CPH cần được nghiên cứu kỹ hơn.

Một vấn đề khác về quản trị DN sau CPH là có tới 77% người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN đến từ chính DN, cụ thể hơn, họ lại là người có chức vụ tại công ty cổ phần. Như vậy sẽ nảy sinh vấn đề về tính độc lập của người đại diện chủ sở hữu là Nhà nước với người quản lý điều hành trực tiếp tại công ty cổ phần. Người đại diện có hoàn toàn khách quan đối với việc bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu trong quan hệ lợi ích giữa Nhà nước và DN trong khi chính họ vừa đại diện chủ sở hữu, vừa là người quản lý điều hành DN đó ?

4. Cần thiết phải có được một hệ thống các chỉ tiêu tài chính chung đối với từng ngành nghề, lĩnh vực để làm thước đo tương đối nhằm so sánh, đánh giá hiệu quả hoạt động của các DNNN, các DNNN đã CPH và các DN thuộc thành phần kinh tế khác. Chính vì các cơ quan quản lý nhà nước chưa có được các chỉ tiêu chung theo ngành, lĩnh vực này mà hiệu quả của các DNNN sau CPH hiện chỉ được đánh giá qua so sánh với chính DNNN trước đó theo thời gian, chưa đánh giá được hiệu quả có tính so sánh với các DNNN và các DN ngoài quốc doanh khác.

5. Kết quả khảo sát cho biết về một số kiến nghị từ các DN sau CPH tập trung vào đề xuất Nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn; Hỗ trợ về đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển của công ty; Hỗ trợ về phổ biến thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về các văn bản quy phạm pháp luật mới để DN có cơ sở thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Đáng lưu ý là một số công ty cổ phần có kết quả hoạt động kinh doanh tốt, đã tự chủ được về năng lực tài chính có nguyện vọng được nhà nước bán hết số cổ phần nhà nước đang nắm giữ cho cổ đông là công nhân viên của công ty để có thể chủ động trong việc quản lý điều hành cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi hơn. Ngoài ra, còn có một số kiến nghị về việc cho phép DN được hưởng ưu đãi thuế trên cả phần thu nhập khác; cho phép DN không có chức năng kinh doanh BĐS nếu bán BĐS thuộc tài sản của mình thì kết quả được tính chung vào kết quả kinh doanh trong năm.

6. Cần thiết có sự nghiên cứu sâu rộng hơn về cơ chế, chính sách và quá trình CPH các DNNN ở Việt Nam. Trong cơ cấu các câu hỏi điều tra khảo sát, các câu hỏi liên quan đến cơ chế, chính sách CPH và cơ chế, chính sách quản lý tài chính DN hiện hành, các vướng mắc về cơ chế, chính sách… không nhận được nhiều câu trả lời. Điều này có thể xuất phát từ 2 khía cạnh, hoặc là DN thiếu thông tin về cơ chế, chính sách đối với DN, hoặc là DN không quan tâm nhiều đến cơ chế, chính sách, cũng có thể do cả 2 nguyên nhân này. Tính gắn kết của các đánh giá về chính sách, pháp luật về CPH với các kết quả khảo sát còn yếu (theo kết quả khảo sát thì các DN CPH không phản ánh các vướng mắc về chính sách, quy định của pháp luật về CPH). Điều này cũng đặt ra sự cần thiết của một chương trình nghiên cứu sâu rộng hơn về chính sách và quá trình CPH DNNN ở Việt Nam để xác định định hướng và các chính sách CPH phù hợp với quá trình CPH DNNN trong giai đoạn tới trong đó cần tính đến nhiều nội dung còn bất cập như quá trình tái cơ cấu DN; quá trình định giá các tài sản vô hình, tài sản liên quan đến đất đai để sát với giá trị trường; xác định và lựa chọn, thương thuyết với các nhà đầu tư chiến lược, nhà tư vấn phù hợp với nhu cầu phát triển của DN, quá trình đấu giá…

Với giới hạn nghiên cứu tình hình hoạt động của DN sau CPH trong khoảng thời gian 2 năm trước khi CPH và 2 năm sau CPH thì lượng DN trong đối tượng nghiên cứu chủ yếu nằm trong giai đoạn CPH trên diện rộng (2001-2005). Hiệu quả lâu dài, bền vững của quá trình CPH cũng như tác động dài hạn của các cơ chế, chính sách tài chính đối với quá trình này cũng đòi hỏi những nghiên cứu tiếp theo.

Có thể thấy rằng cuộc điều tra khảo sát gần 400 DNNN CPH đã thiết lập được bước đầu hệ thống số liệu tài chính cơ bản của các DN CPH. Tuy chưa có được các thông tin mang tính so sánh với các hình thức DN khác và chưa phân chia chi tiết hơn theo cấp quản lý trung ương và địa phương, chưa phân tổ theo quy mô DN cho từng chỉ tiêu, chưa có được các thông tin chi tiết về việc xác định giá cổ phần của DN, nhưng kết quả cuộc khảo sát đã đem lại những thông tin thực tế rất quý báu, có ý nghĩa thiết thực về quản lý nhà nước đối với DN sau CPH và DN nói chung, khẳng định tính đúng đắn của chính sách CPH DNNN.

Các dữ liệu thu thập được cho phép cơ quan quản lý tiếp tục có những phân tích chi tiết hơn về hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH như các chỉ tiêu về khả năng sinh lời trên vốn, trên doanh thu, các chỉ tiêu về cấu trúc vốn, về tính thanh khoản, về hiệu quả hoạt động…