Một ngày với cổ phiếu khai thác mỏ
(Tài chính) Lẽ thường, khoáng sản là của trời cho, nhận được giấy phép khai thác mỏ cứ thế xúc lên, bán đi, thu tiền, hạch toán lợi nhuận. Vậy mà vẫn có doanh nghiệp khai khoáng đang niêm yết làm ăn thua lỗ hoặc lãi quá mỏng khiến cổ phiếu lẹt đẹt dưới mệnh giá. Lại có doanh nghiệp khoáng sản thị giá cổ phiếu gấp gấp 4 - 5 lần mệnh giá, cổ tức trả đều đặn mỗi năm đôi ba chục phần trăm. Điều này thôi thúc tôi đi tìm lời giải từ một doanh nghiệp ngành khai khoáng có gần 20 năm hoạt động, được nhà đầu tư gửi trọn niềm tin…
Nghe anh bạn có thâm niên hàng chục năm đầu tư cổ phiếu OTC giới thiệu về một doanh nghiệp khoáng sản chuẩn bị đại chúng hóa, niêm yết cổ phiếu tôi không khỏi hào hứng. Gần đây, không ít CP cứ chào sàn là tạo sóng lôi cuốn nhà đầu tư. Cổ phiếu OTC như người đẹp ngủ say trong rừng chỉ khi lên sàn mới được đánh giá đúng. Hay các doanh nghiệp quy mô nhỏ khát vốn, chào sàn “làm mình, làm mẩy” lên xuống tạo sóng, thu hút dòng tiền để phát hành tăng vốn? Hay nhà đầu tư quá quen thuộc với cổ phiếu niêm yết muốn tìm cảm giác lạ với cổ phiếu mới? Vốn không quan tâm lắm đến cổ phiếu khoáng sản nhưng có quá nhiều câu hỏi ám ảnh, mặt khác cơ hội được mắt thấy, tai nghe một doanh nghiệp khai khoáng làm ăn thế nào, tôi quyết định lên đường.
Quãng đường 150km từ Hà Nội lên Sơn Động (Bắc Giang) hết hơn 2 tiếng đồng hồ chạy xe. Đường tốt rút ngắn đáng kể thời gian đi lại nhưng sự khác biệt về kinh tế chưa thu hẹp là bao bởi đây là huyện miền núi khó khăn nhất nhì tỉnh Bắc Giang. Hiện huyện này đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp (DN) nhằm thu hút đầu tư.
Lẽ thường, khoáng sản là của trời cho, nhận được giấy phép khai thác mỏ cứ thế xúc lên, bán đi, thu tiền, hạch toán lợi nhuận. Vậy mà vẫn có DN khai khoáng đang niêm yết làm ăn thua lỗ hoặc lãi quá mỏng khiến cổ phiếu lẹt đẹt dưới mệnh giá.
Lại có DN khoáng sản thị giá cổ phiếu gấp gấp 4 - 5 lần mệnh giá, cổ tức trả đều đặn đôi ba chục phần trăm mỗi năm. Thì đây, tôi đang đi tìm câu trả lời từ một DN ngành khai khoáng có gần 20 năm hoạt động, với 8 mỏ đồng, bạc, than trong đó có 5 mỏ đã được cấp phép khai thác và 3 dự án mỏ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ với thời gian khai thác từ 10-15 năm.
Mới 11h hơn, Nhà máy Chế biến Quặng đồng Cẩm Đàn, Sơn Động, Bắc Giang thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (mã cổ phiếu: ACM) đã vắng bóng người chỉ có tiếng ầm ì của máy nghiền, máy lọc, băng tải... Có một chút thất vọng “nhẹ” bởi thật khác với hình dung của tôi: DN khai thác khoáng sản nằm trên khai trường rộng mênh mông, người ra, kẻ vào tấp nập đi lại như mắc cửi.
Thì ra, đây là nhà máy chế biến đa phần hoạt động tự động cần ít nhân công, các điểm mỏ khai thác rộng lớn nằm cách nhà máy trong vòng bán kính 50km. Tiếp chúng tôi trong một villa xinh xắn nằm trong khuôn viên Nhà máy, ông Nguyễn Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường không úp mở: “Á Cường là công ty cổ phần gia đình. Trước đây nhận thấy tiềm năng khai thác mỏ của Bắc Giang, có nhiều nhà đầu tư lớn đã tham gia cùng chúng tôi. Tuy nhiên khai thác mỏ là ngành đầu tư dài hạn, khó khăn từ khâu xin phép, đánh giá trữ lượng, tổ chức khai thác đến tìm đầu ra, nhiều cổ đông không theo được đành bỏ cuộc. Nói thật, làm nghề mỏ đòi hỏi sự quyết liệt, sát ván nên nhiều khi của riêng mình mới có thể làm được”.
“Bao năm vận hành theo mô hình công ty gia đình nay đại chúng hóa sẽ có hàng nghìn nhà đầu tư tham gia đồng nghĩa với quản trị thay đổi căn bản. Như vậy Công ty ông có gặp lại những khó khăn như trong 20 năm qua? Hay Công ty đang thiếu vốn nên ông phải đưa lên sàn để huy động”- tôi hỏi. “Giai đoạn khó khăn nhất của Á Cường đã đi qua. Hiện chúng tôi không thiếu vốn, nợ ngân hàng chỉ vài chục tỷ đồng trên vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng. Với 5 mỏ đã được cấp phép, với hai nhà máy chế biến đã đầu tư cơ bản, có chiều sâu chúng tôi có thể hoạt động và duy trì lợi nhuận ổn định hàng chục năm tới đây. Đặc biệt mới đây Á Cường đã đầu tư và sắp hoàn thiện đưa vào khai thác Nhà máy hỏa luyện tinh luyện đồng trị giá đầu tư 30 tỷ đồng là bước tiến về công nghệ, đầu tư chiều sâu mà không phải DN khoáng sản nào cũng làm được”.
Như để chứng minh, ông Thanh lấy ra các giấy phép được cấp khai thác mỏ. Chỉ là những tờ giấy mỏng manh nhưng để có nó, DN đã nằm gai nếm mật, trải qua rất nhiều thủ tục theo quy định và quan trọng hơn là lòng quyết tâm, sự đam mê mà như lời ông Thanh thì phải có “căn” mới làm được. Trung bình để cấp phép 1 mỏ mất thời gian 3 năm. Các công việc quan trọng nhất là đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, phương án khai thác, phương án chế biến quặng.
“Ông vừa nói, Á Cường đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tại sao lại thực hiện niêm yết cổ phiếu?” – Tôi nhắc lại câu hỏi. “Đại chúng hóa và niêm yết là xu hướng của quản trị DN hiện đại, nâng cao vị thế DN. Đây là điều nhiều DN muốn làm ăn bài bản hướng đến. Với Á Cường, niêm yết CP còn là sự khẳng định thành công sau bao năm lăn lộn trong nghề. Đến bây giờ Á Cường có thể tự tin, vững vàng tiến về phía trước và có lời ăn, tiếng nói mà không phải e dè, tự ti!” ông Thanh chia sẻ.
Sau bữa cơm trưa mang đậm chất rừng trong đó có nhiều sản phẩm do công nhân tự tăng gia, tôi đề nghị ông Thanh cho đi tham quan các mỏ và nhà máy sản xuất.
Nhà máy tinh luyện đồng 99,9% của Á Cường.
Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy chế biến Quặng Cẩm Đàn trên diện tích 140.000 m2, bà Phạm Thị Thúy Hạnh, Tổng giám đốc cho biết nhà máy lắp đặt dây chuyền hiện đại nên nhiều khâu tự động, giảm được rất nhiều lao động. Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2014, Á Cường đạt tổng doanh thu đạt trên 86 tỷ đồng, lợi nhuận trên 12 tỷ đồng trên vốn điều lệ thực góp tại thời điểm ngày 31/12/2014 là 120 tỷ đồng, cổ tức trả 5%. Năm 2015, Công ty đặt mục tiêu 400 tỷ đồng doanh thu và 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ 510 tỷ đồng, cổ tức chi trả tối thiểu 10%.
Thăm nhà máy xong bà Hạnh cho lái xe đưa chúng tôi đến mỏ đồng Khuôn Mười. Vốn là một người chu đáo, trong câu chuyện của bà Hạnh với chúng tôi, có thể thấy chế độ đãi ngộ với công nhân ở đây rất tốt với mức lương trung bình của công nhân trên 5 triệu đồng/tháng. Nhà nghỉ của công nhân có điều hòa, bình nóng lạnh, lương thực được chuyển từ dưới xuôi lên. Nói thật, ở vùng sâu, vùng xa ngoài lương bổng nếu không lo tốt khâu hậu cần, ít có ai gắn bó lâu dài”, bà Hạnh cho biết.
Có đi mới hiểu rằng, từ khi cầm giấy phép khai thác đến khi bán sản phẩm thu tiền về là cả một câu chuyện dài đối với DN ngành khai khoáng. Một loạt khó khăn bày ra trước mặt: các mỏ kim loại quý thường nằm ở địa thế hiểm trở, để khai thác được, việc làm hạ tầng (đường xá, điện nước, chỗ ở cho kỹ sư, công nhân...) vô cùng tốn kém. Gần đây để đảm bảo tài nguyên không bị thất thoát, bán rẻ, Chính phủ yêu cầu các DN khai khoáng phải đầu tư dây chuyền chế biến sâu, không được xuất quặng thô. Chủ trương đúng đắn này khiến DN phải đầu tư máy móc thiết bị, chứ không đơn giản xúc lên bán lấy tiền như trước. Từ năm 2015, các DN phải tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ chứ không như trước đây chỉ nộp hồ sơ đăng ký thăm dò và xin khai thác.
Nghe bà Hạnh nói tôi mới hiểu vì sao gần đây có nhiều DN khoáng sản làm ăn bê bết, cổ phiếu tụt dưới mệnh giá quá sâu. Sau khi thăm dò, đánh giá trữ lượng, xin xong giấy phép khai thác mỏ, hụt hơi về tài chính nên không đầu tư được dây chuyền chế biến và hạ tầng khai thác mỏ. Trong khi quặng thô không được xuất nên không có nguồn thu. Và nhìn thế thôi khai khoáng không phải không có rủi ro. Nếu mỏ dễ đi lại, thân quặng lộ thiên thì chi phí khai thác giảm đi nhiều. Nhưng nếu nằm sâu trong lòng núi thì phải xây dựng hầm lò, chi phí khai thác tăng lên.
“Nếu đi thăm hết 8 điểm mỏ của Á Cường các anh phải mất hai đến ba ngày. Hiện Công ty tập trung nguồn lực khai thác hai mỏ Đồng Bưa và Khuôn Mười đảm bảo hiệu quả cao nhất. Á Cường không khai thác ồ ạt tránh lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường” – bà Hạnh tiếp lời.
Trên đường trở về Hà Nội, tôi luôn ám ảnh bởi câu hỏi: ngành khai khoáng vẫn chưa thực sự khởi sắc đặc biệt là từ cuối năm ngoái giá dầu bắt đầu lao dốc. Nhu cầu kim loại mầu cũng đã bắt đầu tăng lên nhưng chưa lấy lại đỉnh cao về giá như những năm trước. Rồi đây Á Cường sẽ lên sàn, CP được nhà đầu tư quan tâm hay không, có thanh khoản cao hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ. Dẫu sao phía trước là một hành trình mới đầy hứa hẹn với Á Cường.
Tôi thích tâm nguyện của ông Thanh: “Giá cổ phiếu như thế nào là câu chuyện của thị trường, bản chất DN mới mang tính quyết định. Cho dù diễn biến giá cổ phiếu như thế nào chúng tôi cũng tập trung vào ngành nghề cốt lõi, gia tăng lợi nhuận cho cổ đông và đến lúc thị trường sẽ đánh giá đúng giá trị cổ phiếu”