Một số điểm đáng chú ý trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm
Ngày 01/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày ký.
Nghị định số 46/2023/NĐ-CP có quy định về vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải đảm bảo mức vốn điều lệ tối thiểu 750 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí, mức vốn điều lệ tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Còn doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí yêu cầu có mức vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam muốn giảm vốn điều lệ, vốn được cấp phải đáp ứng điều kiện sau: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tài chính theo quy định tại Nghị định này.
Sau khi giảm vốn điều lệ, vốn được cấp, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam vẫn phải đảm bảo các quy định về vốn, biên khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật và điều kiện về cơ cấu cổ đông quy định tại Điều 66 Luật Kinh doanh bảo hiểm đối với công ty cổ phần.
Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đã đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành trước ngày 1/1/2023 thì không được phép gia hạn khoản đầu tư này.
Một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Nghị định số 46/2023/NĐ-CP là hạn mức chi trả cho người được bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phá sản, không thể thanh toán. Cụ thể tại khoản 1 Điều 95 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP có hướng dẫn như sau: Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Quỹ chỉ trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng Việt Nam/người được bảo hiểm/hợp đồng.
Mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tương ứng với từng trường hợp được quy định như sau: Đối với các hợp đồng đã xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng chưa được chỉ trả quyền lợi bảo hiểm, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm là quyền lợi bảo hiểm được hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Đối với các hợp đồng mang tính tiết kiệm, có giá trị hoàn lại và đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với giá trị hoàn lại của hợp đồng tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bổ doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.
Đối với các hợp đồng chỉ mang tính bảo vệ, không có giá trị hoàn lại và đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng phần phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
Đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với giá trị tài khoản của khách hàng tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.
Trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều người được bảo hiểm, hạn mức chi trả tối đa của Quỹ theo quy định trên được áp dụng đối với từng người được bảo hiểm trừ trường hợp giữa những người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thỏa thuận khác tại hợp đồng bảo hiểm.
Nghị định số 46/2023/NĐ-CP có hiệu từ ngày 1/7/2023 trừ các quy định sau có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, bao gồm: Điều 33, Mục 6 Chương II, các Điều 81, 82, 83, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 93 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.