Một số điểm mới trong chế độ kế toán hành chính sự nghiệp

ThS. Trần Thị Thu Hương - Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán (Bộ Tài chính)

Ngày 17/4/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, có hiệu lực từ năm tài chính 2025, thay thế 04 thông tư trước đó. Thông tư được xây dựng đáp ứng các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, cơ chế tài chính, quản lý tài sản hiện hành; đồng thời, phù hợp trong bối cảnh nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp đã được tổ chức công tác kế toán tập trung, tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối của kế toán; hướng dẫn triển khai áp dụng các chuẩn mực kế toán công Việt Nam đã công bố và tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chế độ kế toán hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đối tượng áp dụng

Thông tư số 24/2024/TT-BTC thay thế 04 thông tư gồm: Thông tư số 107/2017/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp; Thông tư số 108/2018/TT-BTC về hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia; Thông tư số 79/2019/TT-BTC về hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 76/2019/TT-BTC hướng dẫn kế toán kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Thông tư số 24/2024/TT-BTC được áp dụng cho đối tượng là cơ quan nhà nước, trừ UBND xã, phường, thị trấn sử dụng ngân sách cấp xã; Đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), trừ các đơn vị SNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành. Các đơn vị này nếu được nhận kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN), tiếp nhận kinh phí viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu của ngân sách, có phát sinh kinh phí từ phí được khấu trừ, để lại theo pháp luật phí, lệ phí thì phải lập báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.

Đồng thời, Thông tư số 24/2024/TT-BTC cũng áp dụng cho đối tượng là tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, đơn vị khác là đơn vị sử dụng NSNN; Tổ chức, đơn vị thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị SNCL; Đơn vị tổ chức được giao quản lý và ghi sổ kế toán tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT), trừ doanh nghiệp được giao quản lý TSKCHT tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp được giao quản lý TSKCHT không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp áp dụng các tài khoản ngoài bảng quy định tại Thông tư này để ghi sổ kế toán.

Trường hợp các tổ chức, cơ quan, đơn vị khác không phải là đơn vị sử dụng NSNN có thể áp dụng chế độ kế toán này phù hợp với hoạt động của đơn vị.

Với đối tượng áp dụng rộng khắp, nội dung Thông tư có tác động đến hầu hết các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cả nước. Trong đó, để đáp ứng được yêu cầu thực tế phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối liên quan đến tổ chức bộ máy kế toán hiện nay, khắc phục các vướng mắc trong tổ chức công tác kế toán và phân định rõ trách nhiệm các đơn vị, Thông tư quy định về đơn vị kế toán, đơn vị hạch toán phụ thuộc và đầu mối chi tiêu, giúp cho các đơn vị có thể áp dụng linh hoạt, phù hợp với tổ chức bộ máy kế toán hiện nay, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong việc tổ chức công tác kế toán tại các các đơn vị có mô hình tổ chức khác nhau.

Những nội dung thay đổi

Quy định về chứng từ kế toán

Để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong quá trình thực hiện phù hợp với yêu cầu quản lý, ghi chép thông tin tại các đơn vị, Thông tư số 24/2024/TT-BTC quy định, các đơn vị kế toán được tự thiết kế mẫu chứng từ kế toán để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh phù hợp yêu cầu quản lý, đảm bảo đủ các thông tin phục vụ hạch toán kế toán, trừ các chứng từ kế toán đã có quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.

Quy định về tài khoản kế toán và hướng dẫn hạch toán kế toán

Bổ sung một số tài khoản kế toán

Thông tư số 24/2024/TT-BTC bổ sung một số tài khoản kế toán như sau:

- TK 135 “Phải thu kinh phí được cấp”: Tài khoản được bổ sung nhằm chuẩn hóa, thống nhất việc hạch toán trong các quan hệ thanh toán liên quan đến khoản phải thu và số nhận trước phát sinh trong quan hệ thanh toán giữa đơn vị kế toán với NSNN, nhà tài trợ, đơn vị kế toán cấp trên.

- TK 137 “Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả”: Phản ánh kinh phí nhận ủy quyền, ủy thác của NSNN, cơ quan, tổ chức, đơn vị khác để chi trả cho các đối tượng có liên quan mà trước đây chưa có hướng dẫn để các đơn vị thực hiện thống nhất.

- TK 229 “Dự phòng tổn thất tài sản” và Tài khoản 352 “Dự phòng phải trả”: Được bổ sung để hướng dẫn hạch toán trích lập các khoản dự phòng của đơn vị SNCL theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

- TK 356 “Kinh phí điều hòa tập trung”: Tài khoản được bổ sung đáp ứng cho các đơn vị có phân phối, điều hòa kinh phí trong nội bộ ngành.

- TK 641 “Chi phí bán hàng”: Phản ánh các chi phí thực tế phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ trong kỳ của đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ.

- TK 812 “Chi phí tài sản bàn giao”: Phản ánh chi phí ấn chỉ, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, TSCĐ mà đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm cho toàn ngành khi thực hiện cấp phát cho đơn vị kế toán khác; hoặc tại Ban quản lý dự án đầu tư khi thực hiện bàn giao dự án, công trình hoàn thành cho cơ quan, đơn vị khác quản lý sử dụng.

- TK 172 “Hàng dự trữ quốc gia” và TK 372 “Kinh phí dự trữ quốc gia”: Phản ánh số liệu mua hàng và kinh phí dự trữ quốc gia tại các đơn vị có phát sinh.

- TK 003 “Công cụ, dụng cụ đang sử dụng”: Để ghi nhận giá trị các loại công cụ, dụng cụ được sử dụng trong nhiều năm, đơn vị theo dõi quá trình sử dụng, kiểm kê, mất, hỏng,… đảm bảo ghi sổ kế toán đầy đủ và thống nhất các loại tài sản hiện có tại đơn vị.

- TK 031 “TSCĐ đặc thù”: Để ghi nhận, hạch toán các loại TSCĐ đặc thù theo quy định Thông tư số 23/2023/TT-BTC.

- TK 212 “TSKCHT đơn vị trực tiếp khai thác, sử dụng”: Phản ánh nguyên giá và tình hình biến động tăng, giảm nguyên giá các loại TSKCHT mà đơn vị được giao quản lý đồng thời trực tiếp thực hiện việc khai thác, sử dụng tài sản.

- TK 215 “Hao mòn lũy kế TSKCHT đơn vị trực tiếp khai thác, sử dụng”: Phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm giá trị hao mòn lũy kế của TSKCHT đơn vị được giao quản lý đồng thời trực tiếp khai thác sử dụng trong năm.

- Đối với TSKCHT mà đơn vị được giao quản lý, ghi sổ kế toán nhưng không trực tiếp khai thác sử dụng: Thông tư quy định nhóm các tài khoản ngoại bảng để hạch toán các tài sản này, gồm: TK 021- TSKCHT giao thông; TK 022- TSKCHT thủy lợi; TK 023- TSKCHT cấp nước sạch; TK 024- TSKCHT chợ; TK 025- TSKCHT cụm công nghiệp; TK 029- TSKCHT khác.

Sắp xếp và phân loại lại tài khoản

- TK 121 “Đầu tư tài chính”: Bổ sung tài khoản cấp 2 chi tiết theo các hình thức đầu tư tài chính tại đơn vị nhằm phân loại đầy đủ, quản lý và có số liệu báo cáo, thuyết minh chi tiết.

- TK 138 “Phải thu khác”: Phân loại lại các tài khoản cấp 2 để phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh cần quản lý riêng và có số liệu báo cáo.

- TK 141 “Tạm ứng”: Bổ sung tài khoản tài khoản cấp 2 để phản ánh khoản tạm ứng kinh phí cho đầu mối chi tiêu trong đơn vị.

- TK 338 “Phải trả khác”: Phân loại lại các tài khoản cấp 2 để phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh cần quản lý và có số liệu báo cáo riêng.

- TK 353 “Các quỹ phải trả” và TK 431 “Các quỹ thuộc đơn vị”: Phân loại lại để phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ, trình bày đầy đủ số liệu sử dụng quỹ trên báo cáo tài chính.

- TK 411 “Vốn góp ”: Phân loại lại trên cơ sở TK 411 “Nguồn vốn kinh doanh” cũ, vì các đơn vị thuộc đối tượng áp dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp không có quy định về giao vốn kinh doanh. Theo đó, TK 411 dùng để phản ánh số hiện có và tình hình tăng, giảm vốn góp ở đơn vị, áp dụng đối với đơn vị được pháp luật cho phép hoạt động theo mô hình góp vốn, như vốn điều lệ do nhà nước cấp đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, vốn góp khác của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

- TK 468 “Nguồn kinh phí mang sang năm sau”: Phân loại lại trên cơ sở TK 468 “Nguồn cải cách tiền lương” cũ, nhằm phản ánh cả các khoản kinh phí đơn vị đã ghi nhận doanh thu nhưng chưa sử dụng được mang sang năm sau sử dụng tiếp, phù hợp với quy trình hạch toán và ghi nhận doanh thu mới.

Phân loại lại tài khoản doanh thu (loại 5) để phản ánh đúng doanh thu của đơn vị theo nguồn hình thành, trong đó: TK 518 “Doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ” được kết cấu lại từ tài khoản 5118 “Thu hoạt động khác” theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC; TK 531 “Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ” mở mới tài khoản cấp 2, bao gồm: TK 5311 “Doanh thu do đơn vị tự tổ chức thu” và TK 5312 “Doanh thu kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ NSNN”; Ngoài ra trong nguyên tắc hạch toán tài khoản loại 5, bổ sung các hướng dẫn về phân loại doanh thu, gồm doanh thu từ giao dịch không trao đổi và doanh thu từ giao dịch trao đổi. Đồng thời, hướng dẫn các nguyên tắc, thời điểm, điều kiện, xác định giá trị… để ghi nhận doanh thu.

Phân loại lại tài khoản chi phí (loại 6) để phản ánh đúng chi phí theo từng hoạt động tại đơn vị, trong đó TK 611 “Chi phí hoạt động không giao tự chủ” và TK 612 “Chi phí hoạt động giao tự chủ” được kết cấu lại trên cơ sở các TK 611, 612, 614 theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC.

Sắp xếp và phân loại lại các tài khoản ngoại bảng theo từng nhóm phù hợp, cụ thể:

- TK 005 “Lệnh chi tiền tạm ứng” được phân loại lại trên cơ sở tài khoản 013 trước đây, trong đó bổ sung thêm các chi tiết của tài khoản cấp 3 theo từng kinh phí đơn vị nhận tạm ứng, phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách và lấy được số liệu báo cáo quyết toán nguồn kinh phí tương ứng.

- TK 011 “Kinh phí ngân sách cấp bằng tiền” được phân loại lại trên cơ sở TK 012 “Lệnh chi tiền thực chi” trước đây, nhằm phản ánh đầy đủ các khoản NSNN cấp bằng tiền cho đơn vị gồm ngân sách cấp trực tiếp bằng lệnh chi tiền, đơn vị kế toán cấp trên cấp cho đơn vị kế toán cấp dưới, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết của tài khoản cấp 3 để phân loại riêng theo từng kinh phí đơn vị được cấp, phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách và lấy số liệu báo cáo quyết toán nguồn kinh phí tương ứng.

- TK 012 “Phí được khấu trừ, để lại” được phân loại lại trên cơ sở TK 014 trước đây; TK 013 “Kinh phí hoạt động nghiệp vụ” được phân loại lại trên cơ sở TK 018 trước đây nhằm phản ánh và hạch toán chi tiết theo niên độ.

Bỏ một số tài khoản

Thông tư số 24/2024/TT-BTC quy định bỏ một số tài khoản sau:

Đối với tài khoản theo Thông tư 107/2017/TT-BTC:

- Bỏ TK 137 “Tạm chi”, đồng thời để phản ánh đúng bản chất của khoản tạm chi, Thông tư hướng dẫn hạch toán các khoản tạm chi vào các TK 138, 334, 338, 353 tương ứng phù hợp với cơ chế tài chính.

- Bỏ TK 337 “Tạm thu”, TK 366 “Các khoản nhận trước chưa ghi thu” để phù hợp với quy trình ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực kế toán công Việt Nam.

- Bỏ phân loại chi tiết TK 421 “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế”, TK 911 “Xác định kết quả” để khắc phục vướng mắc hiện nay do phân loại chi tiết tài khoản.

- Bỏ TK 612 “Chi phí từ nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài”, TK 614 “Chi phí hoạt động thu phí” và TK 652 “Chi phí chưa xác định đối tượng chịu chi phí”, khi đơn vị phát sinh chi phí này sẽ hạch toán vào Tài khoản 611, 612 tương ứng.

Đối với tài khoản theo Thông tư 79/2019/TT-BTC:

- Bỏ TK 243 “Xây dựng cơ bản dự án, công trình”: Hướng dẫn hạch toán trên TK 2412 “Đầu tư xây dựng dở dang”, theo đó phân loại thêm các tài khoản cấp 3 của TK 2412 để kế toán theo dõi và xử lý số liệu đối với các khoản chi phí đầu tư xây dựng chờ phê duyệt quyết toán, khắc phục được tồn tại phản ánh 2 lần tài sản như hiện nay.

- Bỏ TK 343 “Nguồn kinh phí đầu tư XDCB dự án, công trình”: Hướng dẫn hạch toán là khoản nhận trước trên TK 135 hoặc ghi nhận doanh thu tương ứng với nguồn nhận được (TK 511, 512, 518,...); đảm bảo nguyên tắc ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực kế toán công Việt Nam.

Danh mục hệ thống tài khoản kế toán, giải thích nội dung, kết cấu và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán được hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Thông tư.

Quy định về sổ kế toán

Thông tư số 24/2024/TT-BTC kế thừa các quy định về sổ kế toán, trong đó quy định rõ hơn các nguyên tắc mở sổ, ghi sổ và khóa sổ kế toán để đơn vị áp dụng trong trường hợp mở sổ kế toán trên phương tiện điện tử hoặc mở sổ bằng thủ công. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật điều chỉnh số liệu kế toán trong các tình huống cụ thể, các trường hợp được áp dụng hồi tố, điều chỉnh hồi tố liên quan đến thông tin số liệu báo cáo tài chính năm trước để đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện và nâng cao chất lượng, độ tin cậy của thông tin, số liệu báo cáo của đơn vị kế toán.

Ngoài ra sắp xếp đánh số lại một số sổ kế toán để phù hợp với kết cấu chung. Bổ sung thêm một số sổ kế toán để phục vụ ghi chép số liệu nghiệp vụ phát sinh theo quy trình hạch toán kế toán và tài khoản mới như: “Sổ chi tiết phải thu kinh phí được cấp” (sổ S31-H), Sổ theo dõi các khoản nhận tài trợ cho hoạt động xã hội, từ thiện (sổ S81-H), Bảng xác định chênh lệch thu, chi từ kinh phí được giao tự chủ (sổ S90-H),...

Danh mục và các nội dung quy định về sổ kế toán tại Phụ lục số II. Để phù hợp trong điều kiện áp dụng công nghệ thông tin hiện nay, Thông tư quy định danh mục sổ kế toán, nguyên tắc lập sổ kế toán và các nội dung tối thiểu cần phải có trên sổ kế toán mà không quy định sẵn mẫu biểu để các đơn vị chủ động trong quá trình thực hiện.

Quy định về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động

Đối với báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động

Thông tư số 24/2024/TT-BTC bổ sung, điều chỉnh thêm một số chỉ tiêu báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động theo yêu cầu của các đơn vị quản lý nhà nước, để đảm bảo đầy đủ thông tin trên báo cáo. Đồng thời bổ sung để hướng dẫn rõ hơn về việc lập báo cáo quyết toán đối với các trường hợp đơn vị thuộc ngân sách cấp trên nhận được hỗ trợ từ ngân sách cấp dưới và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới được sử dụng kinh phí ủy quyền từ ngân sách cấp trên, để có đầy đủ số liệu tổng hợp quyết toán ngân sách theo quy định hiện nay.

Danh mục báo cáo, mẫu báo cáo, hướng dẫn lập báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động được hướng dẫn tại Phụ lục III kèm theo Thông tư.

Đối với báo cáo tài chính

Mẫu biểu báo cáo tài chính được chuẩn hóa trên cơ sở quy định của Chuẩn mực kế toán công Việt Nam, theo đó khắc phục một số nhược điểm trong trình bày báo cáo kết quả hoạt động, hướng dẫn thuyết minh đầy đủ thông tin trong năm trên báo cáo tài chính để đảm bảo sự minh bạch tài chính của đơn vị, quy định lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp để thống nhất thực hiện trong tất cả các đơn vị và có khả năng hợp nhất số liệu từ báo cáo này. Trong đó thông tin số liệu về TSKCHT đơn vị được giao quản lý được trình bày đầy đủ trên báo cáo tài chính, đồng thời bổ sung thêm biểu thuyết minh riêng về tài sản TSKCHT đơn vị được giao quản lý nhưng không trực tiếp khai thác, sử dụng (Mẫu B04a/BCTC).

Danh mục báo cáo, mẫu báo cáo, hướng dẫn lập báo cáo tài chính được hướng dẫn tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư.

Quy định về in, sắp xếp, đóng để lưu trữ tài liệu kế toán

Hồ sơ tài liệu kế toán đều là các tài liệu rất quan trọng phải được lưu trữ trong thời gian dài theo quy định của pháp luật kế toán, cần được tra cứu, kiểm tra trong nhiều trường hợp khác nhau. Thông tư hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về in, sắp xếp, đóng để lưu trữ hồ sơ, tài liệu kế toán, nhằm đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, kế toán trưởng/phụ trách kế toán và người được giao nhiệm vụ bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán; thống nhất trong quá trình thực hiện, đảm bảo lưu trữ đầy đủ, đúng quy trình, chặt chẽ và dễ tra cứu theo đúng quy định của pháp luật kế toán.

Nội dung quy định về in, sắp sếp, đóng để lưu trữ hồ sơ, tài liệu kế toán được hướng dẫn tại Phụ lục số V.

Quy định về áp dụng phần mềm kế toán

Để đảm bảo chất lượng công tác kế toán và số liệu các báo cáo khi đơn vị thực hiện công tác kế toán trên các phần mềm kế toán khác nhau, Thông tư quy định một số nội dung về yêu cầu nghiệp vụ khi đơn vị hành chính chính, sự nghiệp lựa chọn sử dụng phần mềm kế toán để đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình quy định tại chế độ kế toán. Đồng thời để tránh tính thụ động khi áp dụng phầm mềm kế toán, Thông tư quy định thủ trưởng đơn vị, kế toán trưởng/phụ trách kế toán và những người có liên quan phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu kế toán trình bày trên sổ kế toán và các báo cáo được kết xuất từ dữ liệu kế toán.

Chuyển đổi số dư

Thông tư số 24/2024/TT-BTC quy định sau khi khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính năm 2024, đơn vị phải thực hiện chuyển đổi số dư sang tài khoản mới theo hướng dẫn tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2024), Thông tư 24/2024/TT-BTC ngày 17/4/2024 về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp;
  2. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;
  3. Bộ Tài chính (2018), Thông tư số 108/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 về hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia;
  4. Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 79/2019/TT-BTC ngày 14/11/2019 về hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công;
  5. Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 76/2019/TT-BTC ngày 05/11/2019 hướng dẫn kế toán TSKCHT giao thông, thủy lợi.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2024