Một số điểm sáng tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024


Tình hình kinh tế – xã hội năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo, an sinh xã hội được duy trì, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng kinh tế năm 2024 của nước ta tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%; quý II tăng 7,25%; quý III tăng 7,43%; quý IV tăng 7,55%), vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Tính chung cả năm 2024, GDP tăng 7,09% so với năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%. Tăng trưởng của một số ngành dịch vụ thị trường đạt mức khá: Bán buôn, bán lẻ tăng 7,96%; vận tải kho bãi tăng 10,82%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,76%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,11%…

Hình 1. Tốc độ tăng GDP và VA các khu vực theo quý năm 2024 (%). Nguồn: GSO
Hình 1. Tốc độ tăng GDP và VA các khu vực theo quý năm 2024 (%). Nguồn: GSO

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, thể hiện qua chỉ tiêu GDP bình quân đầu người và năng suất lao động. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện hơn (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023).

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 phát triển ổn định. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi ổn định, nuôi trồng thủy sản tăng khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Năng suất lúa vụ đông xuân tăng 0,4 tạ/ha; sản lượng đạt 20,33 triệu tấn, tăng 145 nghìn tấn; năng suất vụ hè thu tăng 0,8 tạ/ha và sản lượng tăng 139,1 nghìn tấn. Sản lượng thu hoạch của một số cây lâu năm đạt khá do thị trường tiêu thụ ổn định, lợi nhuận tăng cao như: Sầu riêng tăng 25,7%; chanh tăng 4,8%; cam tăng 3,6%; chuối tăng 3,4%; xoài tăng 3,1%; cà phê tăng 3%; cao su tăng 2,1%.

Hình 2. Sản lượng một số cây trồng chủ yếu năm 2024. Nguồn: GSO
Hình 2. Sản lượng một số cây trồng chủ yếu năm 2024. Nguồn: GSO

Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi năm 2024 tăng so với năm trước, trong đó: Thịt bò ước tăng 1,7%; thịt lợn tăng 6,6%; thịt gia cầm tăng 5,4%; sản lượng trứng gia cầm tăng 5%; sản lượng sữa tươi tăng 6%.

Nguồn: GSO
Nguồn: GSO

Sản lượng gỗ tăng cao do xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tốt, nhu cầu gỗ phục vụ các nhà máy chế biến gỗ tăng; giá gỗ nguyên liệu ở mức cao đã khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác diện tích đến tuổi thu hoạch. Trong quý IV/2024, sản lượng gỗ khai thác đạt 7.242,5 nghìn m3, tăng 9,6%; tính chung cả năm 2024 đạt 23.334,1 nghìn m3, tăng 7,9%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý IV/2024 ước đạt 1.669,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tra tăng 5,3%; tôm thẻ chân trắng tăng 7,2%; tôm sú tăng 5,3%. Tính chung cả năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.721,6 nghìn tấn, tăng 4% so với năm trước, trong đó cá tra tăng 4,8%; tôm thẻ chân trắng tăng 6,3%; tôm sú tăng 3,6%.

Hình 3. Sản lượng thủy sản năm 2024 (so với năm 2023). Nguồn: GSO
Hình 3. Sản lượng thủy sản năm 2024 (so với năm 2023). Nguồn: GSO

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm sản và thủy sản tăng cao như: Thủy sản tăng 11,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 20,9%; gạo tăng 21,2%; chè tăng 23,2%; rau, quả tăng 27,6%; cà phê tăng 32,5%; hạt tiêu tăng 44,4%;…

Ngành công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tính tăng 8,4% so với năm trước, cao nhất kể từ năm 2020 đến nay[1] và vượt mục tiêu phấn đấu đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục phát triển và có tốc độ tăng cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng toàn ngành công nghiệp: Dệt tăng 12,1%; sản xuất trang phục tăng 11,7%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 13,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 9,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,3%…

Hình 4. Tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2020-2024 (%). Nguồn: GSO
Hình 4. Tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2020-2024 (%). Nguồn: GSO

Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2024 so với quý trước là 17,8%, trong đó có 38,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn; 20,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Các chỉ số này đều tốt hơn so với quý III/2024[2].

Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong 4 quý của năm 2024; vận chuyển hành khách tăng 9,2% và luân chuyển tăng 10,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 12,8% và luân chuyển tăng 13,4%. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước; vận chuyển hành khách tăng 8,3% và luân chuyển tăng 11,6%; vận chuyển hàng hóa tăng 14% và luân chuyển tăng 11,8%.

Hình 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành các năm 2020-2024. Nguồn: GSO
Hình 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành các năm 2020-2024. Nguồn: GSO

Du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024 của đất nước, tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Trong tháng 12/2024, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,75 triệu lượt người, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm trước.

Hình 6. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 phân theo vùng lãnh thổ. Nguồn: GSO
Hình 6. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 phân theo vùng lãnh thổ. Nguồn: GSO

Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả năm 2024 tăng 7,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 25,35 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong quý IV/2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,8%; quý II tăng 7,4%; quý III tăng 7,0%). Tính chung cả năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước.

Hình 7. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành các năm 2020-2024 (Nghìn tỷ đồng). Nguồn: GSO
Hình 7. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành các năm 2020-2024 (Nghìn tỷ đồng). Nguồn: GSO

Tính đến ngày 31/12/2024, cả nước có 1.539 lượt dự án được điều chỉnh tăng vốn với số vốn đạt 13,96 tỷ USD, tăng 11,2% về số lượt dự án và tăng 50,4% về số vốn so với năm 2023 (năm 2023 có 1.384 lượt dự án với số vốn tăng thêm đạt 9,28 tỷ USD). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, là số vốn thực hiện cao nhất từ trước đến nay.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng nổi bật và là động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 nhờ nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà phục hồi. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Trong năm 2024 có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%).

Hình 8. Xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024. Nguồn: GSO
Hình 8. Xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024. Nguồn: GSO

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2024 xuất siêu 24,77 tỷ USD (năm trước xuất siêu 28,4 tỷ USD). Đây là năm thứ 9 cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu liên tiếp, nhờ đó góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối của nền kinh tế.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 so với năm trước tăng 3,63%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%-4,5%.

Lao động có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 tăng so với năm trước; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời; hoạt động cứu trợ nhân dân vùng khó khăn, vùng thiên tai, bão được các bộ, ngành, địa phương được thực hiện rộng khắp, thiết thực và hiệu quả.

Lao động có việc làm quý IV/2024 ước tính là 52,1 triệu người, tăng 414,9 nghìn người so với quý trước và tăng 639,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tính chung cả năm 2024 ước đạt 51,9 triệu người, tăng 585,1  nghìn người so với năm 2023.

Thu nhập bình quân của lao động quý IV/2024 là 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 550 nghìn đồng so với quý III/2024 và tăng 890 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung cả năm 2024 đạt 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 610 nghìn đồng so với năm 2023.

Công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực. Tính đến ngày 30/12/2024, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ người dân gần 22,4 nghìn tấn gạo; hỗ trợ người có công và thân nhân của người có công với cách mạng là gần 33,9 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 27,3 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội là hơn 4,9 nghìn tỷ đồng…

Theo gso.gov.vn