Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc


Trong nhiều năm qua, thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng và vươn lên trở thành một trong số các ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, chiếm 4%-5% GDP của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã thu được những kết quả nhất định nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nghiên cứu này phân thích thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; những cơ hội và khó khăn, thách thức để từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Giới thiệu

Trung Quốc, thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam, được các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đánh giá còn nhiều tiềm năng trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), Trung Quốc sẽ là một trong những động lực lớn của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2024. Trong năm 2023 và những năm tới, có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội và dư địa cho thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc.

Cụ thể, dịch COVID-19 đã chấm dứt, kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu thủy sản (cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, mực, bạch tuộc…) đang hồi phục. Vị thế địa lý gần thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, giúp chi phí logistics ít hơn so với các nước khác. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, sẽ thay thế bằng các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam… [4].

Mặc dù thị trường Trung Quốc có nhiều tiềm năng, nhưng cạnh tranh cũng sẽ không dễ dàng bởi không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác sẽ coi Trung Quốc là thị trường mục tiêu xuất khẩu thủy sản. Để chinh phục thị trường Trung Quốc, việc tìm ra các giải pháp để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam là cần thiết.

Thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc

Về quy mô xuất khẩu

Hình 1: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2010-2022

Đơn vị: Tỷ USD

Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc - Ảnh 1

Hình 2: Tăng trưởng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2010-2022

Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc - Ảnh 2
Nguồn: VASEP

Trung Quốc ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với thủy sản Việt Nam. Những năm gần đây, Trung Quốc luôn nằm trong Top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản. Theo VASEP, hiện có 805 doanh nghiệp của Việt Nam đã được phía Trung Quốc cấp phép cho xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Trung Quốc đã cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản của nước ta.

Trong giai đoạn 2010-2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có sự gia tăng liên tục (Hình 1). Tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu trung bình giai đoạn 2010-2022 đạt 19,5%. Trong đó, năm 2016, 2017 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu lên tới 52% và 59%.

Tuy nhiên, năm 2018, 2020 có sự sụt giảm kim ngạch (Hình 2). Nguyên nhân chính là do tác động của dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhu cầu thủy sản và hoạt động giao dịch với thị trường này. Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD, giảm 18%. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc năm 2023 dự kiến đạt 1,8 tỷ USD.

Về cơ cấu xuất khẩu

Mặt hàng phi-lê cá và các loại thịt cá khác (đã hoặc chưa xay, nghiền, băm), tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (0304) và Động vật giáp xác, đã hoặc chưa bóc mai (0306) là 2 mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng hơn 30% và hơn 40% tổng kim ngạch.

Trong đó, những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất là cá tra (030462) và tôm (030617) (Bảng 1). Các địa phương nhập khẩu nhiều nhất thủy sản Việt Nam là Sơn Đông, Quảng Đông... Trong đó, Sơn Đông đang chiếm tỷ trọng lớn nhất là 22%; Quảng Đông đang chiếm 17%; Chiết Giang chiếm 11%, Thượng Hải, Thiên Tân, Liêu Ninh mỗi địa phương chiếm khoảng 9%; tiếp đến là Bắc Kinh 6%...

Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc - Ảnh 3

Hình 3: Cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc 9 tháng đầu năm 2023

Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc - Ảnh 4
Nguồn: VASEP

9 tháng đầu năm 2023, những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất là cá tra và tôm đều bị giảm giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, tôm giảm 8%, cá tra giảm 27%. Các loài hải sản khác xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị giảm mạnh doanh số, trong đó mực bạch tuộc giảm 10%, cua ghẹ giảm 82%, các loại cá khác vẫn giữ mức tương đương cùng kỳ năm 2022 (Hình 2). Tuy nhiên, nếu xét riêng từng loài thủy sản, thì năm 2023 có nhiều loài có tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng mạnh, như: tôm chân trắng, tôm sú, tép biển (ruốc), cá hố, cá chỉ vàng, cá thu, cá đổng, cá nục, cá mắt kiếng, bạch tuộc, nghêu... [6].

Cơ hội và thách thức xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc

Cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc

Trong thời gian tới, thủy sản của Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc. Cụ thể:

Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch COVID-19. Dữ liệu kinh tế cho thấy kinh tế của Trung Quốc có sự cải thiện rõ rệt. Trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược “Zero-COVID” một cách cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở trong nước. Tuy nhiên, chiến lược này đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Trung Quốc. Bởi vậy, từ ngày 08/01/2023, Trung Quốc đã chính thức chấm dứt chiến lược Zero-COVID. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những chính sách trọng tâm để vực dậy nền kinh kế. Do đó, GDP quý III/2023 của Trung Quốc đã đạt tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu về du lịch, khách sạn, nhà hàng đang hồi phục và tăng trưởng sẽ phần nào đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này dần tăng trưởng trở lại.

Thứ hai, vị trí địa lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, chi phí logistics giảm và ít hơn so với các nước khác. Hiện tại, giao thương từ Trùng Khánh tới Việt Nam có rất nhiều tuyến đường thuận lợi, thời gian giao hàng có thể chỉ 10 tiếng, đảm bảo độ tươi ngon của thực phẩm. Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế trong cạnh tranh xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Thứ ba, Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 quận xung quanh nhà máy Fukushima trước khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương. Theo đó, một số chuyên gia ngành hàng thủy sản đánh giá việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản sẽ mang đến thuận lợi cho thủy sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, tác động của lệnh cấm này đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ không quá lớn do cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều sự khác biệt. Theo đánh giá, tôm sẽ là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi các loại thủy sản giáp xác của Nhật Bản bị cấm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Thứ tư, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc rất lớn. Thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, nước này đã nhập khẩu trên 85 nghìn tấn thủy sản tươi/sống, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong 40 năm trở lại đây. Nếu như năm 1980, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người là 5 kg, thì đến năm 1993 đã tăng gần gấp 3 lần là 14,4 kg, tăng gấp 7 lần năm 2013 đạt 37,9 kg và đến năm 2020, con số này là 54 kg. Nhu cầu hải sản tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trung bình người dân mua hải sản 3-4 lần/tháng. Riêng tại Thượng Hải, người dân mua thủy sản trung bình 11 lần/tháng, tức là họ chi khoảng 30% chi phí thực phẩm để mua thủy sản [6]. Những thông số trên cho thấy tiêu thụ nội địa của Trung Quốc đối với phân khúc thủy sản là rất lớn.

Khó khăn, thách thức

Bên cạnh những cơ hội, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bao gồm:

(i) Vấn đề cạnh tranh. Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người là thị trường rộng lớn với nhu cầu hàng hàng thủy sản cao và đa dạng. Do đó, không chỉ Việt Nam, rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới đều đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Trong đó, tôm đang phải chịu sức ép lớn nhất trước 2 đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ, vốn chiếm hơn 60% lượng nhập khẩu vào Trung Quốc. Điều này cộng với sản xuất, nuôi trồng thủy sản nội địa của Trung Quốc đang dần được khôi phục đã khiến cho cạnh tranh tại thị trường này sẽ ngày càng nóng hơn [1].

(2) Yêu cầu ngày càng cao đối với thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi tiêu chuẩn thực phẩm của người tiêu dùng Trung Quốc. Người tiêu dùng đề cao vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm. Nhất là sau sự việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển Thái Bình Dương, thì vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Tại thị trường Trung Quốc, bằng mã QR trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng Trung Quốc có thể truy xuất được nguồn gốc và có được thông tin liên quan về sản phẩm: thành phẩm, chứng chỉ theo chuỗi, chứng nhận xuất xứ và được tư vấn về cách nấu thức ăn.

Bên cạnh đó, theo quy định trong Lệnh 249, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải in mã số doanh nghiệp cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Mã số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp và được thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong thời gian tới. Bao bì bên ngoài sản phẩm phải có nhãn hiệu chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc bằng tiếng Trung Quốc/Anh, hoặc tiếng Trung Quốc và nước xuất khẩu (khu vực). Các thông tin cần có bao gồm: nước xuất khẩu, tên sản phẩm, số đăng ký của nhà sản xuất, số lô sản xuất, bao bì bên ngoài phải ghi thông số kỹ thuật, nơi sản xuất (cụ thể đến huyện/tỉnh/thành phố), và điểm đến phải ghi rõ là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời có dấu kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý bởi nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước sẽ dẫn đến phát sinh chi phí rất nhiều.

(iii) Khó khăn trong xuất khẩu chính ngạch. Một trong những thách thức trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đó là doanh nghiệp chỉ có thể xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng thủy sản chế biến, còn các mặt hàng thủy sản tươi sống vẫn chưa được phép qua đường xuất khẩu chính ngạch. Các doanh nghiệp chỉ có thể đưa hàng qua biên giới theo hình thức xuất khẩu cư dân biên giới. Thủy sản trao đổi theo hình thức này thường là theo thỏa thuận miệng, không có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng... và chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên. Do là buôn bán tại chợ nên việc quản lý chợ hoàn toàn tùy thuộc vào chính quyền địa phương của Trung Quốc, không thể can thiệp theo hiệp định quốc tế hay thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, lúc cho nhập hàng ban ngày, lúc cho nhập hàng ban đêm dẫn đến bị động và rủi ro lớn cho các loại thủy sản xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi, chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính quy, theo hợp đồng với các điều khoản rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc ngay từ khâu đăng ký trên hệ thống thương mại một cửa của Tổng cục Hải quan Trung Quốc do việc phê duyệt hồ sơ đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc trên Hệ thống thương mại một cửa của phía Trung Quốc còn chậm. Do đó, trong thời gian tới, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, mấu chốt lớn nhất để tăng trưởng một cách bền vững cho thủy sản xuất khẩu Trung Quốc chính là mở đường xuất khẩu chính ngạch cho thủy sản tươi sống.

Một số giải pháp

Trước những cơ hội và khó khăn, thách thức mà xuất khẩu thủy sản sản của Việt Nam phải đối mặt khi xuất khẩu sang Trung Quốc, cần thiết phải có những giải pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản theo con đường chính ngạch. Việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), nhưng phê duyệt hồ sơ đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc trên Hệ thống thương mại một cửa của phía Trung Quốc còn chậm. Do đó, Chính phủ cần hợp tác thúc đẩy các quy trình phê duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, như: duy trì thông quan thông suốt tại các cửa khẩu biên giới; thúc đẩy kết nối giao thông đường bộ, đường sắt tại khu vực biên giới; hợp tác xây dựng các kho lạnh, cơ sở hậu cần phục vụ cho giao thương nông thủy sản Việt Nam – Trung Quốc, nhất là giao thương qua biên giới.

Thứ hai, thúc đẩy giao thương và tháo gỡ tình trạng ùn tắc. Cơ quan quản lý Nhà nước cần có đề nghị Trung Quốc cho phép xuất khẩu thủy sản sống qua các cửa khẩu như tại tỉnh Vân Nam nhằm giảm áp lực thông quan giữa các cửa khẩu và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, giải phóng lượng hàng thủy sản tồn kho hiện nay.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương, như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Nhằm tận dụng những ưu đãi trong các hiệp định này, Chính phủ cần hỗ trợ, tạo thuận lợi trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.

Thứ tư, để đảm bảo thuận lợi trong việc xuất khẩu thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc, việc cấp thiết là tạo liên kết sản xuất, thu mua, xuất khẩu thủy sản gắn với truy xuất nguồn gốc. Để xây dựng thành công các mô hình liên kết này, Chính phủ và bộ, ban, ngành cần tập trung hỗ trợ các bên có liên quan tham gia chuỗi tiếp cận những chính sách hỗ trợ; hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; triển khai tốt quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để phát triển vùng nguyên liệu; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thu mua, xuất khẩu kết nối với người nuôi tôm hùm.

Thứ năm, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin về quy định của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu liên quan.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, giảm giá thành và đặc biệt, đầu tư cho công nghệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người dân Trung Quốc.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần nắm vững hệ thống quy định, tiêu chuẩn hiện hành của Trung Quốc để đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn này. Cụ thể, các văn bản quy định pháp luật, như: Biện pháp Quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249); Quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu nước ngoài (Lệnh 248); Luật Kiểm dịch động thực vật xuất nhập cảnh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm: Tiêu chuẩn sử dụng phụ gia thực phẩm (GB 2760-2014); Tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (GB 2763-2021); Tiêu chuẩn dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm (GB 31650-2019); Tiêu chuẩn dư lượng tạp chất trong thực phẩm (GB 2761-2017); Tiêu chuẩn dư lượng độc tố nấm mốc trong thực phẩm (GB 2762-2017); Tiêu chuẩn dư lượng vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm (GB 29921-2021)... Các quy định về bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc cũng cần chú ý: Biện pháp Quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Điều 28 đến Điều 32); Thỏa thuận, Nghị định thư giữa Trung Quốc với các quốc gia xuất khẩu; Các tiêu chuẩn liên quan khác của nước nhập khẩu (Quy tắc tem nhãn đối với thực phẩm đóng gói sẵn...).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần khai thác tốt kênh thương mại điện tử trong xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Trong các kênh phân phối hàng hóa ở Trung Quốc, thương mại điện tử là kênh phân phối đang phát triển mạnh. Trong đó, thủy hải sản thuộc nhóm ngành được người tiêu dùng mua online nhiều trên các website. Sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên sàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba từ mấy năm nay. Không chỉ cá tra, một số mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam cũng đang được xuất khẩu sang Trung Quốc qua thương mại điện tử, như tôm đông lạnh, tôm sấy khô, cá ngừ đại dương, cá ngừ đóng hộp… Người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng, khi hàng hóa có trên các trang thương mại điện tử, thì doanh nghiệp đã có cam kết về chất lượng. Vì thế, thương mại điện tử có thể là kênh tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này. Điều này cho thấy thương mại điện tử đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp thủy sản lựa chọn để có thêm một kênh xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, cũng như tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Công Thương (2023), Bản tin THỊ TRƯỜNG NÔNG, LÂM, THỦY SẢN, số ra ngày 30/9/2023.

2. Hoàng Anh (2023), Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sắp 'bùng nổ', doanh nghiệp Việt vẫn chật vật với thủ tục thông quan, truy cập từ https://vietnambiz.vn/nhu-cau-nhap-khau-thuy-san-cua-trung-quoc-sap-bung-no-doanh-nghiep-viet-van-chat-vat-voi-thu-tuc-thong-quan-20233911203645.htm.

3. Nhật Xuân (2023), Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 'tắc' ngay bước đăng ký, truy cập từ https://tuoitre.vn/xuat-khau-thuy-san-sang-trung-quoc-tac-ngay-buoc-dang-ky-20230308123932243.htm.

4. Thanh Thủy (2023), Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn nhiều dư địa lớn, truy cập từ https://vneconomy.vn/xuat-khau-thuy-san-sang-trung-quoc-con-nhieu-du-dia-lon.htm#:~:text=Nh%E1%BB%AFng%20n%C4%83m%20g%E1%BA%A7n%20%C4%91%C3%A2y%2C%20Trung,h%E1%BA%A1n%20ch%E1%BA%BF%20b%E1%BB%9Fi%20d%E1%BB%8Bch%20COVID.

5. VASEP (2010-2022), Báo cáo xuất khẩu thủy sản các năm, từ năm 2010 đến 2022.

6. VASEP (2023), Số liệu thống kê xuất khẩu thủy sản.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo