Xuất khẩu thủy sản năm 2024 có ‘rộng cửa’ hồi phục?


Những dự đoán mới nhất cho thấy phải đến nửa cuối năm 2024 nhu cầu cá tra mới có thể phục hồi đồng thời tại hai thị trường lớn nhất ngành cá tra là Mỹ và Trung Quốc. Còn với xuất khẩu thủy sản nói chung, cũng được dự đoán sẽ khả quan hơn vào nửa cuối năm 2024 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức tiếp tục chi phối, làm chậm khả năng hồi phục.

Sản lượng thu hoạch cá tra trong 2 quý đầu năm 2024 được dự báo không cao như kỳ vọng.
Sản lượng thu hoạch cá tra trong 2 quý đầu năm 2024 được dự báo không cao như kỳ vọng.

Mới đây, nhận định về triển vọng trong năm 2024 của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC - một doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu cá tra), Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán FPTS cho rằng, động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh chủ yếu từ sự phục hồi mạnh mẽ của mảng cá tra, nhờ VHC hưởng lợi từ bối cảnh cán cân cung - cầu toàn ngành kỳ vọng thâm hụt từ nửa cuối năm 2024.

tra trông chờ chuyển mình ở thị trường lớn

Giới phân tích kỳ vọng nhu cầu cá tra phục hồi đồng thời tại 2 thị trường lớn nhất ngành là Mỹ và Trung Quốc từ nửa cuối năm 2024 sẽ thúc đẩy sự phục hồi chung của toàn ngành, kết hợp với nguồn cung cá tra thắt chặt tại Đồng bằng sông Cửu Long cùng thời điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để VHC đẩy mạnh xuất khẩu (XK) nhờ lợi thế tự chủ 70% cá nguyên liệu.

Trong năm 2024, nhu cầu cá tra tại Mỹ được mong đợi sẽ phục hồi tích cực hơn từ quý 2/2024. Điều này dựa trên dự báo tồn kho cá tra giảm đáng kể từ quý 4/2023, và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2024 sẽ cải thiện hơn so với năm 2023 nhờ lạm phát thực phẩm giảm và tăng trưởng thu nhập thực.

Còn tại Trung Quốc, nhu cầu cá tra được dự đoán sẽ bắt đầu phục hồi tích cực từ nửa cuối 2024, dựa trên dự báo khả năng chi tiêu của người tiêu dùng cải thiện hơn nhờ các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và kích thích chi tiêu của Chính phủ Trung Quốc bắt đầu cho thấy sự hiệu quả trong nửa đầu 2024.

Chuyên gia phân tích của FPTS kỳ vọng thời điểm nhu cầu cá tra phục hồi từ nửa cuối 2024 dựa trên dự báo CPI (chỉ số giá tiêu dùng) thực phẩm tại Trung Quốc sẽ bắt đầu cải thiện từ nửa cuối 2024 nhưng trễ một quý. Điều này do năng lực cạnh tranh của cá tra không cao so với các loài thủy sản khác nên cần thêm thời gian để phục hồi.

Trong năm 2024, những dự đoán cho rằng nguồn cung cá tra toàn ngành sẽ duy trì ở mức thấp. Nguyên do là vì giá cá nguyên liệu thấp sẽ không khuyến khích các hộ nông dân mở rộng nuôi trồng trong bối cảnh xuất khẩu phục hồi chậm. Hơn nữa, tình trạng nguồn cung cá giống toàn ngành bị thiếu hụt do ảnh hưởng thời tiết bất lợi khiến cá giống bị hao hụt lớn.

Theo đó, tình trạng XK khó khăn trong năm 2023 đã tạo áp lực giảm giá cá nguyên liệu xuống dưới mức giá thành nuôi trồng khoảng 1.000 - 2.000 VND/kg từ cuối quý 2/2023. Tình trạng này có thể kéo dài đến hết quý 1/2024 do nhu cầu cá tra tại các thị trường phục hồi chậm sẽ chưa thể thúc đẩy giá cá nguyên liệu phục hồi. Kết hợp với chu kỳ nuôi cá tra thường kéo dài từ 6 - 8 tháng, chính vì vậy nguồn cung cá tra có thể sẽ duy trì ở mức thấp trong cả năm 2024.

Theo dự kiến, năm 2024, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch XK dự kiến đạt 2 tỷ USD (trong khi đó kim ngạch XK cá tra năm 2023 ước đạt hơn 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với năm 2022). 

Nhiều thách thức tiếp tục chi phối

Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) dự báo sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm 2024 dự báo không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên, với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý 1- 2/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, XK.

Trong khi đó, nói về khả năng phục hồi với ngành hàng cá tra, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), cho rằng tình trạng tồn kho tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá XK sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phile đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng

Còn với XK tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm 2024 (sản lượng tôm thế giới năm 2024 sẽ tăng 4,8% lên 5,9 triệu tấn). Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng XK tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.

Về thị trường XK chủ lực, như với Mỹ, nhu cầu hồi phục được dự đoán sẽ chậm và xu hướng tăng nhập khẩu tôm giá rẻ từ Ecuador. XK tôm từ Việt Nam sang Mỹ sẽ khó khăn hơn nếu bị áp thuế chống trợ cấp (CVD). Riêng với Trung Quốc, tuy nhu cầu được dự đoán phục hồi mạnh hơn, nhưng lại trả giá thấp và khó cạnh tranh. 

Như thông tin từ phía Vasep thì năm 2024 ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, còn XK cá tra có khả năng sẽ đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỷ USD. 

Bà Hằng cho rằng, XK thủy sản Việt Nam được dự đoán sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số XK của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 – 10 tỷ USD năm 2024.      

Tuy nhiên, như lưu ý của vị giám đốc truyền thông của Vasep, trong năm 2024, nhiều khó khăn sẽ tiếp tục chi phối tình hình sản xuất và XK thủy sản. Theo đó, lạm phát ở các nước lớn tuy đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Xung đột Nga – Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản.

Điều này gây hệ lụy là chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Hơn nữa, cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024. Ngoài ra, chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn tới hết nửa đầu năm 2024. Mặt khác, chi phí thức ăn tiếp tục là thách thức lớn cho cả ngành nuôi tôm và cá tra.                                                                                         

Theo Thế Vinh/vnbusiness.vn