Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại tòa án, thi hành án


Công tác xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nợ xấu được xử lý hiệu quả, thực chất hơn, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có được sự thành công đó, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và nỗ lực, tích cực từ các ngân hàng thương mại (NHTM), thì có sự đóng góp không nhỏ từ Tòa án và Cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc…

1. Kết quả xử lý nợ xấu

Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 8/2020, tổng tài sản có của toàn hệ thống TCTD đạt 12.927 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 627, 6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,51% so với cuối năm 2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư số 41/2016 đạt 11,67%, nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư số 22/2019 là 10,61%, nhóm TCTD áp dụng Thông tư 36/2014 đạt 20,07%.

Các giải pháp xử lý nợ xấu được các TCTD triển khai quyết liệt, đồng bộ cùng với các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ để hạn chế nợ xấu mới phát sinh đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nợ xấu tại các TCTD, góp phần lành mạnh hóa kết quả hoạt động. Tính đến năm 2019 tỷ lệ nợ xấu là 1,89%, giảm so với 2,46% năm 2016.

Tính lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 4/2021, các TCTD đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42), trung bình mỗi tháng xử lý được khoảng 8 nghìn tỷ đồng, cao hơn bình quân 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình giai đoạn 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Kết quả xử lý nợ xấu cho thấy kết quả xử lý nợ, cũng như ý thức trả nợ của khách hàng đã từng bước được cải thiện và ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn, góp phần ổn định tài chính, tiền tệ của quốc gia. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

2. Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Tòa án, Thi hành án

Thứ nhất, xác định thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ án của Tòa án theo lãnh thổ. Về nguyên tắc chung, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại khoản 1 điều 39 của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể là nơi cư trú của bị đơn nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Theo quy định của một số TCTD, các chi nhánh đóng địa bàn hành chính tại các thành phố trực thuộc trung ương được phép cho vay đối với cá nhân cư trú tại các quận nội thành, điều này dẫn đến hệ quả nếu áp dụng theo quy định tại khoản 1 điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự thì các chi nhánh ngân hàng sẽ phải khởi kiện ở nhiều tòa án khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi cũng như tham gia tố tụng.

Vì vậy, để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, một số chi nhánh thường áp dụng điểm g khoản 1 điều 40 Bộ Luật tố tụng dân sự để chọn Tòa án nơi có trụ sở chi nhánh để khởi kiện.

Lý giải cho việc lựa chọn cơ sở pháp lý này, theo hướng dẫn tại khoản 4, mục IV Văn bản số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019  thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, hợp đồng tín dụng có hoạt động giải ngân tiền vay tại chi nhánh nên nơi có trụ sở chi nhánh được xác định là nơi thực hiện hợp đồng.

Dù vậy, Tòa án lại lấy nhiều lý do khác nhau để không nhận đơn hoặc chuyển đơn khởi kiện đến Tòa án nơi người bị khởi kiện cư trú, nên việc áp dụng quy định này trên thực tế không hiệu quả dù đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn.

Thứ hai, về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án.

Điều 8 Nghị quyết số 42 được hướng dẫn thực hiện bởi Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP quy định các trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm (TSBĐ) hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD như sau:

a) Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao TSBĐ của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý TSBĐ;

b) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;

c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

Quy định trên là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu thông qua con đường tố tụng. Tuy nhiên, quy định này dẫn chiếu đến việc áp dụng chế định giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, do đó ngoài các điều kiện kể trên, vụ việc còn phải đáp ứng các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Luật tố tụng dân sự.

Về nguyên tắc, việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ áp dụng khi vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ.

Khi xảy ra nợ xấu, nhiều khách hàng mang tâm lý trốn tránh, không hợp tác với TCTD để phối hợp xử lý nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ như xác nhận công nợ, tài liệu về nơi cư trú của người bị kiện (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) thường rất khó khăn.

Ngoài ra, Nghị quyết số 42 chỉ quy định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBÐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBÐ của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, mà chưa quy định được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng của các TCTD với khách hàng vay nên rất dễ để khách hàng chuyển quan hệ tranh chấp từ giao TSBĐ hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ thành tranh chấp tín dụng để áp dụng thủ tục thường, qua đó kéo dài thời gian xử lý nợ xấu. 

Thứ ba, về quyền yêu cầu giải thích bản án. Sau khi bản án đã có hiệu lực thi hành, Cơ quan thi hành án sẽ thực hiện thi hành đúng nội dung của bản án đã tuyên. Tuy nhiên, việc hiểu đúng và đủ nội dung của bản án đôi khi lại mâu thuân giữa Cơ quan thi hành án và người được thi hành án.

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, một số ngân hàng trong vai trò người được thi hành án hoặc người bị hại có quyền yêu cầu bằng văn bản Tòa án đã ra bản án, quyết định, giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành theo quy định tại Điều 486 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 hoặc điều 365 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.

Tuy nhiên, cả hai quy định trên đều không nêu rõ thời gian mà Tòa án phải trả lời sau khi nhận được văn bản yêu cầu. Thực tế cho thấy, có TCTD đã từng thực hiện quyền yêu cầu giải thích bản án đối với bản án của Tòa án nhưng qua một thời gian dài cũng không được trả lời.

Thứ tư, thời gian giải quyết các vụ án rất chậm so với quy định. Thông thường, trường hợp khách hàng không hợp tác thì một vụ án kéo dài từ 3 đến 5 năm, cá biệt có một số khoản nợ xấu đã khởi kiện hơn 10 năm mà Tòa án vẫn chưa giải quyết, hoặc thủ tục xác minh tài sản đã có, tuy nhiên tòa án vẫn chưa đưa ra xét xử.

Trường hợp tài sản có tranh chấp, Tòa án lại càng kéo dài thời gian và cũng không triệu tập làm việc, có khi ngân hàng nhiều lần có văn bản đôn đốc nhưng vẫn không được phản hồi, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thu hồi nợ cho các TCTD.

Thứ năm, về việc đăng ký biến động đất đai tài sản bị kê biên. Trong các khoản nợ xấu đang được xử lý tại các TCTD hiện nay hầu hết được đảm bảo bằng tài sản là quyền sử dụng đất.

Theo quy định của pháp luật về đất đai, người thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai là người sử dụng đất. Do quá trình thi hành án sẽ thực hiện kê biên, phát mãi tài sản của người phải thi hành án nên chủ tài sản thường có tâm lý né tránh, không hợp tác trong việc đăng ký biến động đất đai.

Chính vì vậy, pháp luật đã có cơ chế quy định về việc chuyển giao quyền sở hữu TSBĐ mà không cần phải có sự đồng ý của chủ tài sản, cụ thể tại điều 58 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, các biến động đất đai còn lại lại không có quy định cụ thể điều chỉnh nên việc thực hiện đăng ký biến động như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào cách hiểu và phối hợp thực hiện giữa Cơ quan thi hành án và Văn phòng đăng ký đất đai.

Thực tiễn tại các TCTD, liên quan tới việc gia hạn quyền sử dụng đất, nhiều trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án thực hiện gia hạn nhưng cũng có trường hợp lại yêu cầu phải có đề nghị của chủ tài sản mới thực hiện gia hạn.  

Thứ sáu, không có sự đồng nhất giữa Tòa án và Cơ quan Thi hành án về bản án, chẳng hạn như có bản án, Hội đồng xét xử tuyên “Buộc Công ty A phải chuyển trả lại một số cổ phần cho ngân hàng, tuy nhiên, Cơ quan thi hành án lại quyết định “Chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho ngân hàng”.

Như vậy, biện pháp cưỡng chế của Cơ quan thi hành án không đồng nhất với nội dung tuyên của bản án. Theo đó, việc chuyển trả lại ở đây là chuyển quyền quản lý (nắm giữ, cầm giữ) hay quyền sở hữu tài sản.

Mặc dù ngân hàng đã có công văn đề nghị Tòa án và Cơ quan  thi hành án giải thích về nội dung này nhưng không được phúc đáp, do đó rất lúng túng trong quá trình xử lý, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thu hồi nợ của các TCTD.

Thứ bảy, chấp hành viên chưa thực hiện đúng quy định về các thời hạn trong thi hành án: Luật thi hành án dân sự 2008 đã có các quy định về thời hạn ra quyết định thi hành án dân sự, thời hạn ra quyết định thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 36), thời hạn thông báo thi hành án (Điều 39), thời hạn cưỡng chế (Điều 46).

Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn tồn tại các trường hợp, chấp hành viên chưa thực hiện đúng các quy định về thời hạn trong thi hành án dân sự dẫn đến việc thi hành án hết sức chậm trễ, kéo dài, gây khó khăn cho công tác thu hồi vốn vay của các TCTD.

Thứ tám, tài sản thế chấp tọa lạc ở nhiều tỉnh, thành và các quận, huyện khác nhau, theo quy định thi hành án không được phát mãi đồng loạt tất cả các tài sản tại tất cả các tỉnh, thành và các quận, huyện mà phải thực hiện cuốn chiếu từng tài sản theo từng địa phương khác nhau làm kéo dài thời gian thu hồi nợ, phát sinh lãi vay, gây khó khăn cho quá trình xử lý nợ.

Thứ chín, cơ quan thi hành án đang thi hành phát mãi tài sản theo bản án của Tòa án, tuy nhiên chủ tài sản cố tình không cho phát mãi đã nộp đơn khiếu nại đến Tòa án đưa ra một số lý do khác để làm cơ sở cho Tòa án yêu cầu Cơ quan thi hành án phải dừng lại, làm kéo dài thời gian phát mãi tài sản thu hồi nợ.

Thứ mười, có những tài sản được Cơ quan thi hành án phát mãi được hơn 3 năm, tuy nhiên Cơ quan thi hành án vẫn chưa chuyển hết số tiền phát mãi tài sản cho TCTD, khi TCTD làm văn bản đề nghị Cơ quan thi hành án chuyển số tiền còn lại cho TCTD thu hồi nợ thì được Cơ quan thi hành án trả lời là chờ Tòa án giải thích một số nội dung của bản án thì mới chuyển tiếp số tiền còn lại cho TCTD, qua đó làm chậm quá trình thu hồi nợ xấu cho TCTD.

Có thể thấy, công tác xử lý nợ xấu tại các TCTD đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa được như kỳ vọng, một trong những nguyên nhân là còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu tại Tòa án, Cơ quan thi hành án.

Vì vậy, để việc xử lý nợ xấu có thực chất, hiệu quả hơn, đáp ứng kỳ vọng của xã hội, cần sự chủ động và tích cực hơn nữa từ chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo hành lang pháp lý xử lý nợ xấu lâu dài cho các TCTD.

Tài liệu tham khảo:

- Trần Anh Quý & Vũ Mai Chi (2020), Kết quả đạt được trong công tác xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng và một số đề xuất trong giai đoạn 2021-2025. Tạp chí Ngân hàng;

- Nguyễn Thùy Anh (2021), Xử lý nợ xấu: Thực tế từ áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 tại các tổ chức tín dụng. Tạp chí tài chính

- Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật số 92/2015(QH13;

- Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật số 101/2015(QH13);

- Luật thi hành án dân sự, Luật số 26/2008(QH12);

- Nghị quyết số 42/2017 (QH14), về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD;

- Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự.

* Theo TS. Vũ Văn Thực - Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2021.

** Bài đăng lại trên: https://thitruongtaichinhtiente.vn/mot-so-kho-khan-vuong-mac-trong-qua-trinh-xu-ly-no-xau-cua-cac-to-chuc-tin-dung-tai-toa-an-thi-hanh-an-39325.html.