Một số lưu ý trong quản lý, sử dụng Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa


Bộ Tài chính làm rõ một số quy định pháp luật về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Cử tri phản ánh một số quy định pháp luật về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này chưa được triển khai thực hiện kể từ khi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực. (i) Đề nghị sớm ban hành các văn bản quy định, (ii) hướng dẫn cụ thể các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Luật này để các doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm được thụ hưởng.

Về vấn đề trên, Bộ Tài chính đã có văn bản số 2438/BTC-TCNH ngày 05/3/2020, trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể:

Cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương được thành lập và triển khai hoạt động bảo lãnh tín dụng từ năm 2001 theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (Quỹ BLTD) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các Quỹ BLTD địa phương, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 (Nghị định số 34/2018/NĐ-CP) về thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ BLTD cho DNNVV, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới, tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh như các quy định về tài sản bảo đảm, phí bảo lãnh, điều kiện bảo lãnh, lĩnh vực bảo lãnh…đồng thời, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTC ngày18/3/2019 về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ BLTD cho DNNVV, Thông tư số 57/2019/TT-BTC ngày 26/8/2019 về hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ BLTD cho DNNVV và Thông tư số 209/2015/TT-BTC ngày 28/12/2015 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Quỹ Đầu tư phát triển địa phương và các Quỹ BLTD đang thực hiện theo chế độ kế toán tại Thông tư này; Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 về hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ BLTD; Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BLĐTBXH ngày 21/01/2019 về hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ BLTD cho DNNVV. Như vậy, các cơ chế chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua Quỹ BLTD cơ bản đã được Chính phủ, các Bộ, ngành quy định tương đối đầy đủ, đồng bộ để Quỹ BLTD có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện bảo lãnh cho DNNVV tiếp cận vay vốn tại ngân hàng thương mại theo đúng quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của các Quỹ BLTD, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ BLTD cho DNNVV theo mô hình hoạt động độc lập hoặc ủy thác cho Quỹ tài chính nhà nước tại địa phương với tổng tổng nguồn vốn là 1.450,6 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách địa phương cấp là 1.288,8 tỷ đồng, vốn góp của các tổ chức, hiệp hội ngành nghề là 171,8 tỷ đồng), doanh số bảo lãnh lũy kế các quỹ ước đạt khoảng 4.346 tỷ đồng, các dư nợ cam kết bảo lãnh của các Quỹ ước đạt 228 tỷ đồng, số trả nợ thay ước khoảng 36 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho các DNNVV.

Hoạt động bảo lãnh tín dụng tại các Quỹ BLTD thời gian qua đã có một số kết quả tích cực như: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, số lượng DNNVV được bảo lãnh để vay vốn các tổ chức tín dụng tăng qua từng năm, nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay thông qua hoạt động bảo lãnh đã góp phần nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp hỗ trợ tốt hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua báo cáo hoạt động của các Quỹ BLTD cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc gồm: Quy mô của Quỹ BLTD còn nhỏ do nhiều địa phương chưa có nguồn lực để bố trí vốn điều lệ cho Quỹ; năng lực tài chính, quản trị điều hành các Quỹ còn hạn chế; quy trình nghiệp vụ trong công tác thẩm định hồ sơ, kiểm tra, giám sát, thu hồi các khoản nhận nợ bắt buộc còn chưa hoàn thiện; một số DNNVV chưa đủ điều kiện để được cấp bảo lãnh, hạn chế về công tác kế toán, năng lực tài chính, quản trị rủi ro…; sự phối hợp giữa một số Quỹ BLTD và các ngân hàng thương mại còn chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Do đó, để thúc đẩy hoạt động của Quỹ BLTD tại địa phương, cần có sự chỉ đạo, quan tâm của chính quyền địa phương về nguồn lực tài chính, phát triển năng lực, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao công tác kế toán, năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro cho Quỹ BLTD và các DNNVV để đáp ứng được các yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV và sự phối hợp chặt chẽ của các bên: Quỹ BLTD, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện bảo lãnh tín dụng.

Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ) được thành lập theo quy định tại Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện ủy thác cho ngân hàng thương mại cho vay DNNVV. Thực hiện quy định tại Quyết định số 601/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2015/TT-BTC ngày 12/8/2015 về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính cho Quỹ phát triển DNNVV; Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp vốn điều lệ cho Quỹ từ nguồn ngân sách nhà nước 837,25 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2019, tổng nguồn vốn hoạt động Quỹ ước tính đạt 1.006 tỷ đồng, Quỹ đã thực hiện ký kết hợp đồng cho vay DNNVV đối với 14 dự án với tổng giá trị 107,79 tỷ đồng, tổng giá trị chấp thuận giải ngân là 106,512 tỷ đồng, số đã giải ngân là 92,5 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 52,932 tỷ đồng (không có nợ quá hạn) góp phần vào việc hỗ trợ vốn cho các DNNVV đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Triển khai Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017, ngày 10/05/2019, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV để thực hiện cho vay, tài trợ cho các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của Quỹ và đang nghiên cứu, xây dựng  ban hành thực hiện các văn bản hướng dẫn Nghị định số 39/2019/NĐ-CP như hướng dẫn việc xử lý rủi ro, đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại Quỹ, hướng dẫn tiếp nhận tài trợ, đóng góp, ủy thác của Quỹ và các văn bản hướng dẫn khác như quy trình, quy chế nội bộ của Quỹ (Điều 57 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP). Đối với hướng dẫn chế độ kế toán đối với Quỹ (Điều 58 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP), Bộ Tài chính đã có Thông tư số 209/2015/TT-BTC ngày 28/12/2015 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Quỹ Đầu tư phát triển địa phương và Quỹ phát triển DNNVV đang thực hiện theo chế độ kế toán tại Thông tư này; cơ chế tiền lương của Quỹ cũng được Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ban hành tại Thông tư số 34/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019.

Như vậy, sau khi Nghị định số 39/2019/NĐ-CP được ban hành, các Bộ, ngành đang triển khai tích cực để ban hành các văn bản hướng dẫn để đảm bảo đồng bộ, đầy đủ căn cứ pháp lý cho Quỹ phát triển DNNVV sớm hoạt động, qua đó, sẽ hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các DNNVV trong thời gian tới.

Quy định pháp luật về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; hướng dẫn cụ thể các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Luật hỗ trợ DNNVV để các DNNVV sớm được thụ hưởng

- Tại Điều 10 Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017 quy định:

Điều 10. Hỗ trợ thuế, kế toán

  1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
  2. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.”

- Tại khoản 2 Điều 16 Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017 quy định:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp...

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quy định của Luật hỗ trợ DNNN năm 2017, Bộ Tài chính đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ việc thực hiện dự án để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó đề xuất áp dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển DNNVV và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng dự án nêu trên theo đề xuất của Bộ Tài chính và giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại Tờ trình số 271/TTr-CP ngày 02/7/2019), trong đó, đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019, trong đó bổ sung việc thực hiện dự án này.

Ngày 01/08/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản số 2990/TTKQH-PL về nội dung trình của Bộ Tài chính nêu trên. Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sẽ đưa nội dung ưu đãi về thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi thực hiện dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp, đáp ứng các mục tiêu cải cách hệ thống thuế và phù hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.