Một số lưu ý trong xây dựng lương, thưởng, bảo hiểm năm 2018

PV.

“Trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng thang lương, bảng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì sẽ phải sửa lại, tăng mức tiền đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cũng như mức tính tiền làm thêm giờ cho người lao động”, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lưu ý.

Theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP, từ năm 2018, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng lên từ 180 – 230 nghìn đồng/tháng tùy theo từng vùng so với năm 2017. Cụ thể: Vùng 1 tăng 230 nghìn đồng/tháng; Vùng 2 tăng 210 nghìn đồng/tháng; Vùng 3 tăng 190 nghìn đồng/tháng; Vùng 4 tăng 180 nghìn đồng/tháng.

Đối với trường hợp đã xây dựng thang lương, bảng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lưu ý, doanh nghiệp cần sửa đổi, xây dựng lại thang lương, bảng lương; tăng mức tiền đóng các khoản bảo hiểm; kinh phí công đoàn cũng như  mức tính tiền làm thêm giờ cho người lao động theo đúng quy định. Cụ thể:

Một số lưu ý trong xây dựng lương, thưởng, bảo hiểm năm 2018 - Ảnh 1

Xây dựng lại thang lương, bảng lương: Doanh nghiệp cần căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng hiện hành để quy định mức lương cho từng chức danh, công việc, nhóm công việc sao cho phù hợp với các nguyên tắc theo quy định của pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung này phải được sự tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện. Sau khi xây dựng lại thang lương, bảng lương mới, doanh nghiệp nộp tại phòng lao động - thương binh và xã hội nơi đặt trụ sở.

Tăng mức tiền đóng các khoản bảo hiểm: Tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động là mức căn cứ để doanh nghiệp đóng các loại bảo hiểm, bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Hàng tháng các doanh nghiệp sẽ phải đóng cho người lao động và trích tiền lương của người lao động vào Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… với tỷ lệ là 32%. Như vậy, khi mức lương tối thiểu vùng tăng thì doanh nghiệp phải điều chỉnh các mức đóng bảo hiểm tăng lên tương ứng.

Tăng tiền nộp kinh phí công đoàn: Hàng tháng, doanh nghiệp trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định là 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Như vậy, khi lương tối thiểu vùng tăng, các khoản nộp kinh phí công đoàn 2% của doanh nghiệp cũng sẽ phải tăng theo. Số tiền này, công đoàn cơ sở giữ lại 68% để hoạt động và nộp về cho công đoàn cấp trên 32%.