Một số ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay

Theo Trần Thúy/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Các bước triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được cụ thể hóa, bằng việc các nhà băng bắt đầu công bố các kế hoạch hỗ trợ của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Tại cuộc họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19 tổ chức ngày 9/7, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. 

Đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên câu chuyện vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm được khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế là nhiệm vụ kép rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.

Thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn. 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có tới 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Vì thế, Phó Thống đốc cho rằng, năm 2021 này vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, lãnh đạo NHNN đã giao Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) vận động sự đồng thuận của các TCTD để tiếp tục giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này.

Ngay sau đó, trong cuộc họp ngày 12/7 do VNBA tổ chức, các thành viên của VNBA đã thống nhất sẽ tính toán giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh đến hết năm 2021.

Những công bố đầu tiên

Ngay sau cuộc họp, các bước triển khai đã bắt đầu được cụ thể hóa, bằng việc các nhà băng lần lượt công bố các kế hoạch hỗ trợ của mình.

Mới đây nhất, Ngân hàng Bản Việt công bố việc triển khai gói hỗ trợ quy mô 9 nghìn tỷ với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp SME.

Theo đó, căn cứ vào thực trạng của doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được Ngân hàng Bản Việt đưa ra các giải pháp phù hợp như giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2%/năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí...

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng đang đối mặt với tình trạng khó khăn khi giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, Bản Việt cũng dành riêng gói hỗ trợ với hạn mức 800 tỷ đồng. Cụ thể, lãi suất vay chỉ từ 7,5%/năm, giảm phí bảo lãnh đến 55%, các loại phí dịch vụ khác giảm từ 10% - 20% cho doanh nghiệp.

Trước đó, HDBank cũng đã công bố tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng của một số các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, với tổng số dư nợ gần 41 nghìn tỷ đồng, tương ứng với số lượng gần 18 nghìn khách hàng, trong đó có gần 3 nghìn khách hàng doanh nghiệp và gần 15 nghìn khách hàng cá nhân. HDBank cho biết, lãi suất bình quân giảm cho nhóm khách hàng trên là 1%, áp dụng từ ngày 15/7. Số tiền lãi giảm dự kiến là 410 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, Sacombank cũng cho biết, sẽ thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.

Ngân hàng đồng thời cũng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh 3 ngân hàng trên, các thành viên khác hiện cũng đang lên kế hoạch cụ thể và dự kiến các con số cụ thể sẽ được công bố trong một vài ngày tới.

Nói về đợt giảm lãi suất này, trao đổi với BizLIVE, một lãnh đạo chuyên trách của NHNN cho biết, dự kiến đợt giảm lãi suất sẽ có phạm vi rộng, thậm chí hướng khả năng cho tất cả dư nợ hiện hữu và khác với trước.

Trước đây, để hỗ trợ khách hàng, nhiều NHTM giảm lãi suất phổ biến qua mở các gói tín dụng quy mô 5.000 - 10.000 tỷ đồng, áp lãi suất ưu đãi… Điều này có nghĩa là lãi suất ưu đáp áp dụng cho những khoản vay mới; dư nợ hiện hữu, các khoản vay đã ký trước đó khó có cơ hội được giảm chi phí.

Còn lần này, NHNN hướng đến việc giảm lãi suất cho vay với các mức cụ thể và áp dụng cho dư nợ hiện hữu, hay việc giảm lãi suất giữa định hướng đến thực tế là thực chất; thời gian áp dụng dự kiến sẽ đến hết năm 2021.