Một số quy định về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) ( Nghị định số 14) đảm bảo tuân thủ đầy đủ, đúng các quy định tại Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý nợ công 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật.

Nguyên tắc quản lý NQNN: Nghị định số 14 bổ sung quy định nguyên tắc: “việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi được thực hiện bằng Đồng Việt Nam” để phù hợp với quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành NQNN: Nghị định số 14 sửa đổi quy định về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành NQNN quý/năm; theo đó, KBNN xây dựng, trình Bộ Tài chính phê duyệt phương án điều hành NQNN quý/năm “chậm nhất ngày 10 của tháng đầu quý/chậm nhất ngày 10 tháng 01 của năm thực hiện” để phù hợp với thực tiễn về tổng hợp, phân tích số liệu về thu, chi NSNN và đảm bảo tính khả thi về thời hạn xây dựng và phê duyệt phương án điều hành NQNN.
Nghị định số 14 điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi nhằm ưu tiên sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho các mục đích có tính cấp thiết cao hơn, mức độ an toàn cao hơn, cụ thể: (i) cho ngân sách trung ương tạm ứng, vay; (ii) cho ngân sách địa phương cấp tỉnh tạm ứng, vay; (iii) mua bán lại trái phiếu Chính phủ (TPCP) (có tài sản bảo đảm là TPCP); (iv) gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại (NHTM). Đồng thời, bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định hạn mức cụ thể cho từng nội dung sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi theo thứ tự ưu tiên trên tại phương án điều hành NQNN quý, năm.
Nghị định số 14 bổ sung quy định sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho NSNN (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương cấp tỉnh) vay để phù hợp với quy định được ban hành sau tại Luật Quản lý nợ công 2017 và Nghị định số 93/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương; đồng thời, giữ nguyên quy định sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng NSNN, phù hợp với quy định của Luật NSNN (khoản 1, khoản 2 Điều 58) đã được ban hành trước đó.
Nghị định số 14 bổ sung quy định cụ thể về sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để mua bán lại TPCP: (i) loại TPCP được sử dụng trong giao dịch mua bán lại TPCP; (ii) đối tượng giao dịch; (iii) kỳ hạn mua bán lại gồm các kỳ hạn 07 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 01 tháng, 02 tháng và 03 tháng, phù hợp với các kỳ hạn giao dịch phổ biến trên thị trường giao dịch mua bán lại TPCP hiện nay (theo số liệu thống kê, trong năm 2024, khối lượng giao dịch các loại kỳ hạn này chiếm trên 81,25% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường); (iv) thực hiện đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch; (v) KBNN thực hiện giao dịch mua bán lại TPCP.
Nghị định số 14 bổ sung các quy định về gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM, bảo đảm vừa an toàn, đáp ứng khả năng chi trả của NQNN, vừa sử dụng có hiệu quả NQNN tạm thời nhàn rỗi theo đúng quy định tại Điều 62 Luật NSNN; cụ thể: (i) chỉ gửi NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM có vốn nhà nước và vốn doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ, có chất lượng tốt, mức độ an toàn cao theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; (ii) thời hạn gửi tối đa không quá 03 tháng; (iii) hạn mức gửi tối đa không quá 50% khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi; (iv) thực hiện đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch…
Nghị định số 14 bổ sung quy định việc định kỳ hằng tháng, Kho bạc Nhà nước tổ chức đánh giá tình hình dự báo, trường hợp chênh lệch giữa số liệu dự báo và thực tế thu, chi NQNN vượt biên độ đã được Bộ Tài chính quyết định tại phương án điều hành NQNN, Kho bạc Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính điều chỉnh hạn mức sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho phù hợp.
Để phù hợp với xu hướng hiện đại hóa công tác thanh toán, Nghị định số 14 sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 10 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP theo hướng: (i) Tài khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước bao gồm tài khoản thanh toán tại NHNN Việt Nam và tài khoản thanh toán tại các hệ thống NHTM; (ii) toàn bộ số dư trên các tài khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại thời điểm tạm ngừng truyền, nhận chứng từ thanh toán để đối chiếu số liệu thanh toán trong ngày làm việc giữa Kho bạc Nhà nước và các hệ thống NHTM được tập trung về tài khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại NHNN Việt Nam.