Một số vấn đề về lập báo cáo tài chính tại các đơn vị hành chính sự nghiệp
Bài viết đánh giá những vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, từ đó đưa ra một số vấn đề mà các đơn vị hành chính sự nghiệp cần lưu ý trong quá trình triển khai.
Hiện nay, cơ chế, chính sách về công tác kế toán tại các đơn vị hành chính sự nghiệp đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ. Điển hình như: Luật Kế toán năm 2015, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ và Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Những văn bản này quy định chi tiết về báo cáo tài chính đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp và được các chuyên gia kế toán đánh giá khá hoàn thiện để làm cơ sở như nguồn thông tin đầu vào quan trọng để xây dựng báo cáo tài chính nhà nước.
Báo cáo tài chính tại các đơn vị hành chính sự nghiệp
Theo Điều 3, Luật Kế toán, báo cáo tài chính (BCTC) là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định. BCTC tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp được coi là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để xây dựng BCTC nhà nước, báo cáo của Tổng Kế toán nhà nước.
Kế toán hành chính sự nghiệp còn được nhìn nhận là việc tổ chức hệ thống thông tin bằng số liệu để quản lý và kiểm soát nguồn kinh phí, việc sử dụng và quyết toán kinh phí, việc quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công, việc chấp hành dự toán thu - chi và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước ở đơn vị hành chính sự nghiệp.
Trong khi đó, theo Điều 29, Luật Kế toán, BCTC của đơn vị kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán. BCTC của đơn vị kế toán gồm: Báo cáo tình hình tài chính; Báo cáo kết quả hoạt động; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh BCTC; Báo cáo khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, danh mục BCTC đã được liệt kê khá chi tiết trong Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính (Bảng 1).
Hiện nay, quy định liên quan đến công tác kế toán tại các đơn vị hành chính sự nghiệp đã tương đối đồng bộ, đầy đủ. Do vậy, trong quá trình triển khai áp dụng, các đối tượng áp dụng cần quan tâm 3 nội dung trọng tâm sau:
Nguyên tắc lập báo cáo tài chính
BCTC dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động tài chính và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị, cung cấp cho những người có liên quan để xem xét và đưa ra các quyết định về các hoạt động tài chính, ngân sách của đơn vị. Thông tin BCTC giúp cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình của đơn vị về việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật. Thông tin BCTC của đơn vị hành chính, sự nghiệp là thông tin cơ sở để hợp nhất BCTC của đơn vị cấp trên.
Do vậy, về nguyên tắc, theo khoản 3, Điều 7, Thông tư số 107/2017/TT-BTC, việc lập BCTC phải được căn cứ vào số liệu kế toán sau khi khóa sổ kế toán. BCTC phải được lập đúng nguyên tắc, nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán, trường hợp BCTC trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do.
Bên cạnh đó, xét về nguyên tắc kế toán, theo Điều 6, Luật Kế toán, BCTC phải được lập và gửi cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, chính xác và kịp thời. Thông tin, số liệu trong BCTC của đơn vị kế toán phải được công khai theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Luật Kế toán. Cụ thể, theo Điều 31, Luật Kế toán, đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh công khai các nội dung sau đây: Tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; Kết quả hoạt động kinh doanh; Trích lập và sử dụng các quỹ; Thu nhập của người lao động; Các nội dung khác theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, theo Điều 32, Luật Kế toán, hình thức và thời hạn công khai BCTC của đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định.
Đồng thời, việc lập và trình bày BCTC phải bảo đảm phản ánh đúng bản chất của giao dịch hơn là hình thức, tên gọi của giao dịch. BCTC phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và thủ trưởng của đơn vị kế toán. Người ký BCTC phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.
Yêu cầu lập báo cáo tài chính
Theo Nguyễn Thị Hoài (2017), về cơ bản, hệ thống BCTC của các đơn vị hành chính sự nghiệp hiện nay đã trình bày một cách tổng quát, toàn diện về tình hình tiếp nhận, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước tại các đơn vị kế toán nhà nước; đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và các chính sách quản lý tài chính đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp và là một bộ phận cấu thành để tổng hợp phục vụ điều hành ngân sách của Quốc hội.
Bên cạnh đó, hệ thống BCTC các đơn vị hành chính sự nghiệp đã cung cấp được những thông tin cơ bản về tình hình tài sản, tình hình thu, chi và kết quả của các hoạt động tại đơn vị; Cung cấp thông tin bổ sung để người đọc có thể nắm bắt được tình hình hoạt động, các chính sách quản lý, những vấn đề phát sinh trong đơn vị, từ đó có cái nhìn tổng thể về hoạt động của đơn vị mình.
Nói cách khác, BCTC tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để xây dựng BCTC nhà nước, báo cáo của Tổng Kế toán nhà nước. Các đơn vị hành chính sự nghiệp hoạt động bằng nguồn kinh phí của Nhà nước cấp hoặc từ các nguồn kinh phí khác nên phải có trách nhiệm chấp hành quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp do Nhà nước ban hành.
Do vậy, đối với yêu cầu về lập BCTC, theo khoản 3, Điều 7, Thông tư số 107/2017/TT-BTC, BCTC phải được phản ánh một cách trung thực, khách quan về nội dung và giá trị các chỉ tiêu báo cáo; trình bày theo một cấu trúc chặt chẽ, có hệ thống về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị. Đồng thời, BCTC phải được lập kịp thời, đúng thời gian quy định đối với từng loại hình đơn vị, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, chính xác thông tin, số liệu kế toán. Thông tin, số liệu báo cáo phải được phản ánh liên tục, số liệu của kỳ này phải kế tiếp số liệu của kỳ trước.
Về trách nhiệm của các đơn vị trong việc lập báo cáo tài chính
Theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC, các đơn vị hành chính, sự nghiệp phải lập BCTC năm theo mẫu biểu ban hành tại thông tư này; trường hợp đơn vị hành chính, sự nghiệp có hoạt động đặc thù được trình bày báo cáo theo chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành cụ thể hoặc đồng ý chấp thuận. Các đơn vị hành chính, sự nghiệp lập BCTC theo biểu mẫu đầy đủ, trừ các đơn vị kế toán có thể lựa chọn để lập BCTC đơn giản:
- Đối với cơ quan nhà nước thỏa mãn các điều kiện: (i) Phòng, cơ quan tương đương phòng thuộc UBND cấp huyện, chỉ được giao dự toán chi ngân sách nhà nước chi thường xuyên; (ii) Không được giao dự toán chi ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển, chi từ vốn ngoài nước; không được giao dự toán thu, chi phí hoặc lệ phí; (iii) Không có cơ quan, đơn vị trực thuộc.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thỏa mãn các điều kiện: (i) Đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phân loại là đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên; (ii) Không được bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển, chi từ vốn ngoài nước; không được giao dự toán thu, chi phí hoặc lệ phí; (iii) Không có đơn vị trực thuộc.
Một số vấn đề cần lưu ý
Để thực hiện tốt các quy định về lập BCTC, các đơn vị hành chính, sự nghiệp cần chú trọng một số vấn đề sau:
Các đối tượng áp dụng
- Đơn vị kế toán phải lập BCTC vào cuối kỳ kế toán năm. Trường hợp pháp luật có quy định lập BCTC theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập BCTC tổng hợp hoặc BCTC hợp nhất dựa trên BCTC của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên.
- Để hoàn thiện hệ thống BCTC của các đơn vị hành chính sự nghiệp, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ kế toán các đơn vị, xây dựng hệ thống thông tin kế toán hiện đại.
Lập báo cáo tài chính
- Việc lập BCTC phải được căn cứ vào số liệu kế toán sau khi khóa sổ kế toán. BCTC phải được lập đúng nguyên tắc, nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán. Trường hợp BCTC trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do.
- BCTC phải được phản ánh một cách trung thực, khách quan về nội dung và giá trị các chỉ tiêu báo cáo; trình bày theo một cấu trúc chặt chẽ, có hệ thống về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị.
- BCTC phải được lập kịp thời, đúng thời gian quy định đối với từng loại hình đơn vị, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, chính xác thông tin, số liệu kế toán. Thông tin, số liệu báo cáo phải được phản ánh liên tục, số liệu của kỳ này phải kế tiếp số liệu của kỳ trước. Đơn vị phải lập BCTC vào cuối kỳ kế toán năm theo quy định của Luật Kế toán.
- BCTC được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật về kế toán và các văn bản có liên quan. Trong đó, theo Điều 32, Luật Kế toán, việc công khai BCTC được thực hiện theo một hoặc một số hình thức như: Phát hành ấn phẩm; Thông báo bằng văn bản; Niêm yết; Đăng tải trên trang thông tin điện tử; Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
- Về thời hạn nộp BCTC, BCTC năm của đơn vị hành chính, sự nghiệp phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị cấp trên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.
- BCTC phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và thủ trưởng của đơn vị kế toán. Người ký BCTC phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo. BCTC của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán khi công khai phải kèm theo báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán.
Tài liệu tham khảo:
Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13;
Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;
Trần Thanh Thủy (2019), Báo cáo tài chính tại các đơn vị hành chính sự nghiệp và những vấn đề cần lưu ý;
Nguyễn Thị Hoài, Hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, Tạp chí Tài chính số tháng 3/2017;
Một số website: mof.gov.vn, tapchitaichinh.vn, thuvienphapluat.vn...