Một số vấn đề về quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu khoáng sản


Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng đã cung cấp nguyên liệu cho nhiều lĩnh vực sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, thu về nguồn ngoại tệ đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cần tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nguồn: internet
Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nguồn: internet

Xu hướng giảm tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng về khoáng sản. Trong 30 năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đã đạt được bước phát triển nhất định, qua đó, có sự đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Theo đánh giá tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tài nguyên khoáng sản nước ta đa dạng về chủng loại; một số khoáng sản có tài nguyên, trữ lượng lớn, tuy nhiên, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hết sức hợp lý, triệt để tiết kiệm, thật sự có hiệu quả cao.

Nghị quyết số 02-NQ/TW cũng nêu rõ: Về chính sách dự trữ và xuất khẩu khoáng sản, cần bảo đảm cân đối giữa dự trữ với khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trong từng giai đoạn. Thực hiện nhất quán nguyên tắc khai thác khoáng sản chủ yếu để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, định kỳ xem xét để xác định mức độ quan trọng của từng loại khoáng sản, từ đó điều chỉnh việc khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản; Công bố danh mục khoáng sản, chất lượng khoáng sản được phép xuất khẩu phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng thời kỳ… Hạn chế, tiến tới sớm chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, chưa qua chế biến hoặc chỉ ở dạng sơ chế; không xuất khẩu các loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược.

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/12/2011 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, trong những năm qua, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực về cơ cấu xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhóm hàng khai thác nhiên liệu và khoáng sản. Cụ thể, tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu và khai thác khoáng sản đã giảm dần, từ 11% năm 2011 xuống còn 6% năm 2014. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 của nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 2,19 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Thời gian qua, trong quá trình kiểm soát hoạt động xuất khẩu khoáng sản, Bộ Công Thương đã xây dựng và áp dụng đầy đủ, chặt chẽ quy định về truy xuất nguồn gốc khoáng sản. Theo đó, khoáng sản chỉ được phép xuất khẩu khi đáp ứng được các điều kiện như: Nằm trong danh mục và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng tại Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 5/7/2016 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 quy định về xuất khẩu khoáng sản; có nguồn gốc hợp pháp (đối với quặng); sản phẩm khoáng sản đã qua chế biến từ các nguồn khoáng sản hợp pháp… Với khoáng sản xuất khẩu trong thành phần chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng ngoài việc đảm bảo các điều kiện nêu trên còn phải có giấy phép xuất khẩu vật liệu phóng xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về báo cáo xuất khẩu khoáng sản, các doanh nghiệp (DN) được yêu cầu báo cáo định kỳ cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi DN có trụ sở chính và nộp bản sao báo cáo này cho cơ quan Hải quan nơi DN thực hiện thủ tục xuất khẩu để đối chiếu, so sánh số liệu hàng hóa xuất nhập khẩu…

Tuy nhiên, thực tế hoạt động quản lý xuất khẩu khoáng sản ở nước thời gian qua đối diện với không ít khó khăn, hạn chế, cụ thể:

Một là, giá xuất khẩu một số loại quặng, khoáng sản sang thị trường Trung Quốc có sự chênh lệch so với các thị trường khác. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7/2018, cả nước xuất hơn 2 triệu tấn quặng, đạt kim ngạch 101 triệu USD. Trong số quặng và khoáng sản xuất khẩu, có 1,5 triệu tấn được xuất sang Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 75%). Trong khi, trung bình giá quặng xuất khẩu của Việt Nam ra các nước khoảng 1,16 triệu đồng/tấn giá xuất sang Trung Quốc 6 tháng qua chỉ đạt hơn 613.000 đồng/tấn, mức giá rẻ chỉ bằng một nửa. Một số ý kiến cho rằng, thực trạng này bắt nguồn từ việc các loại quặng xuất sang Trung Quốc chủ yếu là tiền chế, thô và là quặng nguyên khai, chưa qua chế biến nên giá rẻ...

Hai là, các vấn đề phát sinh từ nguồn gốc khoáng sản xuất khẩu. Thời gian qua, có trường hợp DN nhập khẩu khoáng sản rồi bán cho một DN khác để xuất khẩu khiến cho cơ quan quản lý lúng túng. Để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc khoáng sản xuất khẩu, phòng ngừa gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố khi tiếp nhập hồ sơ xuất khẩu khoáng sản có nguồn gốc nhập khẩu phải kiểm tra đối chiếu, xác định tờ khai hải quan nhập khẩu khoáng sản do DN xuất trình với tờ khai trên Hệ thống VNACCS/VCIS hoặc hệ thống Ecustoms 5 của cơ quan hải quan…

Ba là, do có thời điểm giá kim loại và khoáng sản giảm sâu, việc chế biến sâu gặp nhiều khó khăn.Nhiều dự án ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng hoặc chưa thu hút được các nhà đầu tư để đầu tư dự án theo quy hoạch, nên đối với một số loại khoáng sản Chính phủ có chủ trương không xuất khẩu để cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến sâu trong nước như: Quặng sắt, quặng titan cung vượt xa cầu, dẫn đến tồn kho cao, DN gặp rất nhiều khó khăn, người lao động không có việc làm, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc…

Một số đề xuất, kiến nghị

Theo Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Trong đó, đối với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản - là nhóm hàng có lợi thế về tài nguyên nhưng bị giới hạn nguồn cung thì cần có lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô; Đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020.

Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất khẩu theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Chính trị và Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, đảm bảo đảm bảo lợi ích quốc gia, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Thường xuyên theo dõi, giám sát đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản và ảnh hưởng tích cực, tiêu cực đến kinh tế xã hội, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung. Các bộ, ngành địa phương (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính…) cần tiếp tục phối hợp với nhau để làm rõ các vấn đề về số lượng, chủng loại các loại khoáng sản xuất khẩu sang các thị trường để có thông tin chi tiết phục vụ công tác quản lý; Theo dõi sát giá xuất khẩu các loại khoáng sản để sát với biến động giá thị trường thế giới để có cơ chế điều hành kịp thời. Cần có đánh giá tổng thể về chính sách và tác động đối với khai thác khoáng sản, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ xem xét sự cần thiết sửa đổi, bổ sung chính sách thuế liên quan...

Hai là, tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá, hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản xuất khẩu, kiểm soát khai thác khoáng sản. Xem xét nghiên cứu thực hiện chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô, không áp dụng chính sách cho xuất khẩu khoáng sản cá biệt. Đối với các loại khoáng sản không cấm thì áp dụng giấy phép xuất khẩu. Hạn chế các dự án khai thác, tuyển và chế biến một số loại quặng như vàng, đồng, niken, molipden ở quy mô manh mún, công nghệ lạc hậu, tổn thất tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Định kỳ xem xét để xác định mức độ quan trọng của từng loại khoáng sản, từ đó điều chỉnh việc khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản; Xem xét tạm dừng cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với một số loại khoáng sản quý hiếm, khả năng chế biến sâu còn hạn chế, nhu cầu sử dụng chưa cao; Công bố danh mục khoáng sản, chất lượng khoáng sản được phép xuất khẩu phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng thời kỳ… Hiện nay, có rất nhiều loại khoáng sản ở Việt Nam bị Chính phủ cấm bán ra nước ngoài, trong đó có những loại quặng sắt, nhôm và titan... vì đây là những loại quặng, khoáng sản khan hiếm, được bảo vệ để phục vụ cho sản xuất trong nước.

Ba là, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh rủi ro trong kinh doanh và khai thác tiềm năng tại các thị trường mới. Cần theo dõi, phân tích, đề ra các giải pháp cụ thể để giảm dần sự phụ thuộc của hoạt động thương mại quốc tế vào thị trường Trung Quốc. Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù việc xuất khẩu được kiểm soát ngặt nghèo, song với mức giá trung bình xuất khẩu quặng vào Trung Quốc với giá xuất bán trung bình ra các nước và khu vực còn lại, có sự chênh lệch giá bán rất lớn. Điều này dấy lên lo ngại các DN được cấp phép chế biến sâu về sản phẩm quặng, khoáng sản đã xuất khẩu các loại quặng tiền chế, thô chứ không gia công, chế biến, gây thất thoát tài nguyên và trục lợi chính sách. Tổ chức hiệu quả, đồng bộ hoạt động thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán của các thị trường để giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả…

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách tài chính đối với hoạt động khoáng sản; điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại thuế, khung thuế, biểu thuế, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản với mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước đối với các khoáng sản quan trọng, nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, DN và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; không xuất khẩu quặng thô…    

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2010), Luật Khoáng sản 2010;
  2. Bộ Chính trị (2011), Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
  3. Chính phủ, Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/12/2011 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
  4. Bộ Xây dựng (2018), Thông tư số 05/2018/TT-BXD ngày 29/6/2018 hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng;
  5. Bộ Công Thương (2018), Thông tư số 03/VBHN-BCT ngày 17/01/ 2018 quy định về xuất khẩu khoáng sản;
  6. Phương Dung (2018), Bộ Công Thương siết chặt quản lý nguồn gốc khoáng sản xuất khẩu, Báo Dân trí điện tử;
  7. Ánh Ngọc (2018), Bộ Tài chính kiến nghị cấm hoàn toàn xuất khẩu khoáng sản thô, Báo Kinh tế Đô thị;
  8. Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (2018), 6 tháng đầu năm 2018: 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.