MSB vẫn “nhọc nhằn” thoái vốn tại TNEX Finance

Hương Dịu

Đến nay, đã qua 5 lần đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), việc thoái vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV TNEX (TNEX Finance) được ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đề cập và đưa ra trình cổ đông nhưng vẫn chưa hoàn tất.

Giá trị thương vụ bán vốn tại TNEX Finance từng dự kiến mang lại hơn 2.000 tỷ đồng cho MSB.
Giá trị thương vụ bán vốn tại TNEX Finance từng dự kiến mang lại hơn 2.000 tỷ đồng cho MSB.

Công ty Tài chính TNHH MTV TNEX (TNEX Finance) – tiền thân là FCCOM - có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Công ty này ban đầu là công ty tài chính trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Đến năm 2015, MSB mua lại toàn bộ cổ phần, đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM), rồi chính thức chuyển sang tên gọi TNEX Finance vào tháng 12/2023.

Theo tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của MSB, TNEX Finance hiện có mạng lưới giao dịch trên toàn quốc, phục vụ gần 11.700 khách hàng. Kết thúc năm 2024, tổng tài sản của công ty đạt 3.807 tỷ đồng, dư nợ cho vay 1.774 tỷ đồng, doanh thu gần 359 tỷ đồng và lãi trước thuế khoảng 5 tỷ đồng.

Tờ trình của MSB cho rằng, với tình hình thị trường công ty tài chính tiêu dùng của Việt Nam có sự cạnh tranh mạnh mẽ, thì để có lợi nhuận tốt và tăng trưởng đường dài, các công ty tài chính cần có sự đầu tư lớn về quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm, đầu tư công nghệ, số hoá và con người…

Vì thế, MSB dự kiến tìm đối tác chiến lược để chuyển nhượng một phần vốn tại TNEX Finance, cùng hợp tác đường dài với đối tác; hoặc MSB sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại TNEX Finance cho đối tác có năng lực và kinh nghiệm trong kinh doanh công ty tài chính tiêu dùng.

Trên cơ sở đó, MSB sẽ nhận về nguồn vốn và thặng dư từ bán TNEX Finance và hoàn toàn tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu vấn đề này được đưa ra thảo luận và trình cổ đông. Từ năm 2020, nội dung này đã được ban lãnh đạo MSB rục rịch triển khai.

 

Năm 2025, MSB đặt mục tiêu lãi trước thuế 8.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước, đồng thời nâng tổng tài sản lên 350.000 tỷ đồng và kiểm soát nợ xấu dưới 3%. MSB cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% để tăng vốn điều lệ từ 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng giám đốc MSB đã thông báo, từ năm 2020, MSB ký kết bán 50% cổ phần TNEX Finance cho một đối tác nước ngoài, nhưng thương vụ không thành do đối tác thay đổi chiến lược kinh doanh và đã đền bù một khoản tiền cho MSB.

Đến ĐHĐCĐ năm 2022, việc thoái vốn khỏi công ty tài chính mới được MSB mang ra trình cổ đông và đã được thông qua.

Tổng giám đốc MSB cho biết đã cùng đối tác Nhật Bản ký kết biên bản ghi nhớ giai đoạn đầu với giá trị thương vụ dự kiến trên 2.000 tỷ đồng. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng, phát sinh tương đối khoản nợ quá hạn, khiến đối tác Nhật Bản phải xem lại lộ trình mua FCCOM.

Đến ĐHĐCĐ năm 2023, ban lãnh đạo MSB đưa ra kỳ vọng sẽ hoàn tất thoái vốn trong năm 2023 để tăng nguồn lực chia cổ tức. Song đến mùa ĐHĐCĐ năm 2024, việc bán TNEX Finance vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Trả lời cổ đông, Tổng giám đốc MSB cho hay, MSB cùng với công ty tư vấn về quản trị McKinsey đang xây dựng các kế hoạch cho mô hình mới, nhưng vẫn để mở các kế hoạch trong trường hợp nhà đầu tư muốn tham gia.

Như vậy, kỳ ĐHĐCĐ năm nay (tổ chức vào ngày 21/4/2025 tại Hà Nội) sẽ là lần thứ 2 HĐQT MSB trình cổ đông thông qua phương án thoái vốn tại TNEX Finance. Nhưng liệu rằng thương vụ sẽ sớm đi đến hồi kết sau 5 năm thực hiện?