Mua bán hóa đơn bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế có chiều hướng gia tăng
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế vẫn có chiều hướng gia tăng. Thực tế trên đòi hỏi cần có các giải pháp phòng chống quyết liệt hơn nữa, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Báo động khẩn cấp tình trạng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng
Tổng cục Thuế cho biết, từ năm 2017-2019, ngành Thuế đã phát hiện trên 7.400 doanh nghiệp mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, truy thu gần 200 tỷ tiền thuế.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình trạng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) báo động khẩn cấp khi các sự việc gần đây bị phanh phui con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Có thể kể đến các vụ việc điển hình như: Tháng 1/2020, Công an TP. Hà Nội đã triệt phá một đường dây buôn bán hóa đơn bất hợp pháp quy mô lớn, hoạt động từ năm 2015 tới khi bị triệt phá. Các đối tượng trong đường dây đã thành lập 33 doanh nghiệp tại nhiều quận huyện tại Hà Nội để thực hiện hành vi buôn bán hóa đơn bất hợp pháp.
Theo khai nhận, trong khoảng thời gian 5 năm, công đã này tạo lập 33 công ty "ma" hoạt động khép kín để thực hiện hành vi bán hóa đơn bất hợp pháp.
Do số tiền ghi trên hóa đơn thường rất lớn, lên tới vài tỷ đồng, những đơn vị mua hóa đơn đều là công ty lớn, trong đó có cả các doanh nghiệp Nhà nước. Để ngụy tạo hoạt động mua bán là có thật, tránh sự kiểm tra của cơ quan thuế, Công ty này đã thông đồng với các doanh nghiệp mua hóa đơn, cho họ chuyển tiền qua tài khoản của mình, sau đó rút ra trả lại.
Mới đây, Cục Thuế Phú Thọ đã phát hiện và trường hợp Công ty TNHH JUMA tỉnh Phú Thọ, tuy mới thành lập năm 2017, nhưng trong 2 năm 2018-2019, công ty này đã có doanh thu tăng đột biến. Đến tháng 7/2019, Công ty JUMA đã đề nghị Cục Thuế Phú Thọ hoàn thuế trên 135 tỷ đồng. Qua kiểm tra hồ sơ, Cục Thuế Phú Thọ nhận thấy có nhiều dấu hiệu vi phạm trong lập và sử dụng chứng từ hàng hóa nguyên liệu gỗ mua vào.
Qua điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện Công ty JUMA đã mua 202 hóa đơn GTGT của Công ty TNHH Thương mại Tài Tiến, tỉnh Yên Bái, trong đó trên 74 tỷ đồng là giá trị hàng hóa khống đã được JUNMA kê khai hoàn thuế.
Mở rộng điều tra, Công an Phú Thọ đã phát hiện 5 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh câu kết với nhân viên ngân hàng thực hiện thanh toán ảo trên tài khoản để bán hóa đơn khống cho nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc với doanh số hàng hóa gần 2.000 tỷ đồng.
Trường hợp mới đây, Công an TP. Thanh Hóa đã bắt 3 đối tượng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, làm thất thoát ngân sách Nhà nước với số tiền ít nhất 1,3 tỷ đồng.
3 đối tượng bị bắt giữ gồm Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1969 ở số nhà 08/202 phố Dương Đình Nghệ, phường Tân Sơn); Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1982) và Nguyễn Khắc Đạo (sinh năm 1984), cùng ở xã Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa.
Qua công tác quản lý và kiểm tra hoạt động của các công ty tại TP. Thanh Hóa, Công an thành phố Thanh Hóa phát hiện Công ty Cổ phần thuốc bảo vệ thực vật và phụ gia xi măng 27/7 có địa chỉ tại phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, được thành lập từ tháng 5/2012 do Nguyễn Văn Sơn làm giám đốc, mặc dù không hề có hoạt động kinh doanh nhưng doanh thu hàng năm lại rất lớn.
Riêng trong hai năm 2018, 2019 doanh thu của công ty này là 57 tỷ đồng. Thấy có nhiều biểu hiện nghi vấn và có dấu hiệu Nguyễn Văn Sơn đã thành lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng, thu lời bất chính nên Công an TP. Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ.
Qua điều tra, Công an TP. Thanh Hóa xác định, từ khi thành lập, Công ty này không có hoạt động kinh doanh thực tế, không có kho hàng bến bãi, phương tiện sản xuất, nhân công lao động. Nguyễn Văn Sơn vừa là Giám đốc, vừa là kế toán.
Thông qua các mối quan hệ xã hội để tìm khách hàng và bán hóa đơn giá trị gia tăng cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với giá dao động từ 5-8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn. Điển hình, từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2019, công ty đã bán rất nhiều hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn thiết kế và thi công công trình Lam Sơn do Nguyễn Khắc Đạo làm giám đốc và Nguyễn Đức Anh làm kế toán, gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước tổng số tiền lên tới hơn 1,3 tỷ đồng.
Khám xét nơi ở của đối tượng, Công an TP. Thanh Hóa đã thu giữ nhiều tập hóa đơn giá trị gia tăng, các con dấu của các công ty và nhiều tài liệu liên quan đến việc mua bán hóa đơn GTGT của các đối tượng này. Hiện vụ việc đang tiếp tục điều tra, mở rộng.
Mới đây nhất, ngày 8/9, Công an TP. Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với đại gia Ngô Văn Phát (sinh năm 1964 - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xăng dầu Phát) về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn”. Vi phạm của doanh nghiệp này với giao dịch lên tới hơn 5.000 tỷ đồng một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp trong việc lập ra các công ty “ma” để thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Theo thông tin từ Cục Thuế TP. Hải Phòng, cơ quan này đã cung cấp thông tin, tài liệu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đặt in và phát hành hóa đơn, hồ sơ khai thuế GTGT trong quá trình hoạt động và giấy tờ liên quan đến Công ty CP Xăng dầu Phát của 14 doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng cho cơ quan công an nhằm phục vụ công tác điều tra. Theo đó, trong 14 doanh nghiệp này có 13 doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, ngừng hoạt động chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Một doanh nghiệp đang hoạt động là Công ty CP xăng dầu Phát.
Ngăn chặn việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-BTC: “Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật”. Đây là tài liệu để chứng minh khấu trừ thuế của doanh nghiệp. Nộp thuế là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Việc nhằm mục đích trục lợi mà có hành vi mua bán hóa đơn khống nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế là hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm xử phạt hành chính hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc mua bán hóa đơn GTGT khống của các doanh nghiệp thông thường thể hiện qua các hành vi lập khống các hóa đơn các giao dịch không có thật trên thực tế hoặc có giao dịch những nội dung của các hóa đơn không có thực toàn bộ hoặc một phần để cho tổ chức khác lập khi bán hàng mà khi hạch toán, kê khai nộp thế cho ngân sách nhà nước nhằm mục đích hợp pháp hóa các hàng hóa, dịch vụ của mình không có hóa đơn chứng từ để bán hàng nhằm gian lận trốn thuế hoặc không kê khai số thuế phải nộp.
Trước tình hình đó, nhằm ngăn chặn việc mua bán hóa đơn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế thành lập Ban chỉ đạo ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành, bán hoá đơn bất hợp pháp, triển khai tăng cường các biệp pháp quản lý, ngăn chặn và phát hiện, xử lý doanh nghiệp vi phạm in, phát hành, bán hoá đơn bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế hàng năm có văn bản hướng dẫn các cơ quan thuế địa phương tăng cường kiểm tra chặt chẽ tại các khâu: Kê khai thuế; In ấn, phát hành, quản lý sử dụng hoá đơn; Rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, qua đó tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp này để phát hiện việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm xử lý kịp thời các vi phạm về hoá đơn.
Tổng cục Thuế hướng dẫn cơ quan thuế địa phương nhận diện doanh nghiệp, các đặc điểm, dấu hiệu nghi vấn đối với doanh nghiệp thành lập để mua bán hoá đơn như: Cơ sở mới thành lập không đóng góp vốn điều lệ theo quy định; đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề; Chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; Các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng; Các doanh nghiệp xin ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh, tạm ngừng, có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại; Các doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp vừa có doanh thu đột biến tăng nhưng số thuế GTGT phát sinh phải nộp thấp; Các doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 12 tháng nhưng đã sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2000 số hóa đơn).
Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ, tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách nhà nước.