Mua bán nợ và những vướng mắc đặt ra

PV.

Bên cạnh việc góp phần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp, trong những năm qua, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) còn tạo ra các cơ hội phát triển một số ngành nghề.

Dây chuyền sản xuất của Công ty SADICO Cần Thơ – Doanh nghiệp được DATC xử lý nợ xấu, tái cơ cấu và thoái vốn thành công.
Dây chuyền sản xuất của Công ty SADICO Cần Thơ – Doanh nghiệp được DATC xử lý nợ xấu, tái cơ cấu và thoái vốn thành công.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, DATC vẫn gặp phải khó khăn khi thực hiện các quy định như: giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho khách nợ, lãi suất của khoản nợ thời hạn thoái vốn, xác định giá trị đối với tài sản mất mát thiếu hụt…

Giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho khách nợ

Tại Điều 15 Thông tư 135/2015/TT-BTC về ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động; Điều 16 Thông tư số 134/2016/TT-BTC về ban hành Quy chế quản lý tài chính của DATC, Bộ Tài chính đã có quy định về việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho khách nợ.

Theo đó, mức giảm trừ tối đa không quá số âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp khách nợ đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ trách nhiệm trả nợ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định này, DATC đã gặp phải vướng mắc như sau:

Thứ nhất, đối với những doanh nghiệp khách nợ thực hiện tái cơ cấu nhưng có số lỗ lũy kế lớn, nếu chỉ giảm trừ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu theo quy định hiện hành thì vẫn còn lỗ. Trong trường hợp này, thời gian phục hồi doanh nghiệp sẽ khó khăn và kéo dài do phải bù đắp số lỗ lũy kế lớn, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh doanh trong giai đoạn sau tái cơ cấu chắc chắn không thuận lợi. Điều này gây ảnh hưởng tới các vấn đề như: Thu hút vốn của các nhà đầu tư vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp gặp khó khăn do số vốn họ đầu tư vào doanh nghiệp sẽ phải bù đắp cho số lỗ còn tồn tại; DATC chuyển vốn góp theo tỷ lệ 1/1 nhưng doanh nghiệp còn lỗ lớn và có thể tiếp tục kinh doanh thua lỗ nên bản thân DATC vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh; Khả năng thoái vốn của DATC sau tái cơ cấu.

Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp còn lỗ lũy kế, tình hình tài chính không lành mạnh làm cho doanh nghiệp khách nợ không đủ điều kiện để tham gia đấu thầu các dự án, ký kết hợp đồng, không vay được vốn tín dụng để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau tái cơ cấu.

Mức lãi suất của khoản nợ

Theo Điều 13 Thông tư số 135/2015/TT-BTC thì việc điều chỉnh mức lãi suất của khoản nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ và điều kiện thị trường, nhưng không thấp hơn mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng bình quân của bốn ngân hàng thương mại lớn (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) tại cùng thời điểm xem xét điều chỉnh lãi suất.

Theo đó, sau khi mua lại khoản nợ từ các tổ chức tín dụng, DATC kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ, bao gồm mức lãi suất của khoản nợ và trong quá trình xử lý nợ DATC được phép điều chỉnh mức lãi suất theo khả năng trả nợ của khách nợ và điều kiện thị trường.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức lãi suất bị giới hạn bởi mức tối thiểu cụ thể dẫn tới DATC không được quyền chủ động, linh hoạt điều chỉnh mức lãi suất phù hợp đối với tình hình của mỗi doanh nghiệp khách nợ, đồng thời cũng không đảm bảo quyền được thỏa thuận của các bên về việc thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, để tạo điều kiện cho DATC trong việc thực hiện hoạt động xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, cần thiết quy định cho DATC quyền được tự xem xét, điều chỉnh mức lãi suất phù hợp đối với từng khoản nợ.

Thời hạn thoái vốn tại doanh nghiệp tái cơ cấu

Thông tư số 135/2015/TT-BTC quy định, DATC phải thoái vốn trong thời hạn tối đa là 5 năm kể từ ngày DATC chính thức trở thành cổ đông tại doanh nghiệp tái cơ cấu. Với thời hạn quy định trên đặt trong thực tế hoạt động của DATC là không phù hợp bởi các lý do sau:

Một là, hầu hết các doanh nghiệp tái cơ cấu đều có tình hình tài chính khó khăn, thời gian để phục hồi sản xuất kinh doanh kéo dài. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp hết thời hạn 5 năm nhưng doanh nghiệp tái cơ cấu chưa ổn định sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính yếu kém. Nếu DATC thoái vốn thì không những việc bán vốn khó khăn, không hiệu quả, mức thanh khoản không cao. Vì vậy, nên cho phép DATC chủ động về thời gian thoái vốn.

Hai là, một số trường hợp doanh nghiệp tái cơ cấu có khả năng phục hồi, việc DATC tiếp tục duy trì vốn góp tại doanh nghiệp theo định hướng sẽ đảm bảo hiệu quả đâu tư nói chung có hiệu quả. Đồng thời, việc DATC tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp giúp cho việc ổn định tâm lý của các nhà đầu tư đã đầu tư và và các nhà đầu tư tiềm năng của doanh nghiệp. Ở thời điểm thích hợp, DATC sẽ thoái vốn vừa đảm bảo hiệu quả trong đầu tư, vừa đảm bảo tính xã hội trong thu hút vốn từ xã hội vào kinh doanh.

Xác định giá trị đối với tài sản mất mát thiếu hụt

Trong một số trường hợp, tài sản cố định đã khấu hao hết hoặc giá trị còn lại cao nhưng không có tài sản tương tự (cùng chủng loại, công suất).

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn, do đó, DATC đã vận dụng quy định tại Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, để áp dụng mức bồi thường bằng giá trị còn lại hoặc 20% nguyên giá.

Cách vận dụng quy định về tính giá đền bù như trên dẫn tới có những trường hợp chưa phù hợp với giá trị thực tế của tài sản, dẫn đến việc có một số doanh nghiệp không hợp tác, chây ỳ, không thực hiện bồi thường cho DATC.

Xác định mức lãi suất chậm nộp

Đối với những trường hợp doanh nghiệp khó khăn, không hợp tác thanh toán, DATC buộc phải khởi kiện ra Tòa án để thu hồi nợ cả gốc và lãi cho ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 57/2015/TT-BTC. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện DATC lại gặp vướng mắc liên quan đến sự khác nhau về lãi suất chậm thi hành án theo phán quyết của Tòa án và lãi suất chậm nộp theo quy định tại Thông tư số 57/2015/TT-BTC. Cụ thể, các mức lãi suất được áp dụng là:

- Theo Bản án của Tòa: Số tiền chậm thi hành án được tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố (theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam hiện nay là 9%) kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu.

- Theo quy định tại Thông tư số 57/2015/TT-BTC: Chậm nộp trong vòng 3 tháng, doanh nghiệp phải chịu thêm tiền lãi chậm nộp với mức lãi suất 9%; Chậm nộp sau 3 tháng, doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất chậm nộp 13,5% (150% mức lãi suất tính theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Mức lãi suất đối với các trường hợp này cần phải được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi/bổ sung/thay thế làm cơ sở cho DATC thực hiện.

Những khó khăn, vướng mắc trên đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của DATC. Do vậy, cần có giải pháp sửa đổi các quy định lên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DATC nói chung và các hoạt động liên quan nói riêng.