Mua lại vốn nhà nước tại ngân hàng: Cơ hội của SCIC bị hạn chế?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Nghị quyết số 15/NQ-CP và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg đã tạo ra cơ chế mới nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, qua rà soát những nội dung liên quan đến SCIC tại Quyết định 51, thì vẫn có một số khó khăn, vướng mắc và vấn đề đặt ra cần giải quyết.

 Mua lại vốn nhà nước tại ngân hàng: Cơ hội của SCIC bị hạn chế?
Nghị quyết số 15/NQ-CP và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg đã tạo ra cơ chế mới nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN. Nguồn: internet

Đây là ý kiến của ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) chia sẻ tại Hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) vừa được tổ chức ngày 9/10.

SCIC chỉ được tiếp cận “hàng kém hấp dẫn”

Ông Lê Song Lai cho biết, Nghị quyết số 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Nghị quyết 15) và Quyết định số 51/2014/QĐ – TTg ngày 15/9/2014 về một số nội dung về chuyển nhượng vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN (Quyết định 51) đã tạo ra cơ chế mới nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN. Trong đó, SCIC có nhiệm vụ tham gia mua lại các khoản thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và mua cổ phần lần đầu tại các DNNN cổ phần hóa. 

Chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm 8 năm thực hiện thoái thành công vốn nhà nước tại trên 600 DN với giá trị thu về hàng nghìn tỷ đồng và mức giá trung bình 2,2 lần so với mệnh giá, cùng với những quy định có tính đột phá về thoái vốn được ban hành trong thời gian qua, SCIC đã, đang và sẽ có thể đóng góp vai trò quan trọng trong tiến trình đổi mới, sắp xếp lại và tái cơ cấu các DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ.

 Ông Lê Song lai

Tuy nhiên, đại diện SCIC cho rằng, qua rà soát những nội dung liên quan đến SCIC tại Quyết định 51, thì vẫn có một số khó khăn, vướng mắc và vấn đề đặt ra cần giải quyết.

Theo đó, Quyết định 51 tập trung việc thoái vốn nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng vào đầu mối là NHNN, nên cơ hội để SCIC tham gia mua lại các khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty và DNNN trong lĩnh vực này là rất hạn chế. 

Lý do là vì chỉ sau khi đã triển khai thoái vốn theo qui định hiện hành và thoái vốn dưới giá trị sổ sách, hoặc dưới mệnh giá nhưng không thành công đối với những khoản đầu tư có giá trị nhỏ hơn 5% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại, SCIC mới được đề nghị xem xét mua lại.

Do đó, “có thể hình dung các phần vốn khi đến được với SCIC phần nhiều là những khoản đầu tư có hiệu quả kinh doanh thấp và không thực sự hấp dẫn đối với thị trường”, ông Lai cho hay.

Cũng theo quyết định này, đối tượng SCIC tham gia mua cổ phần lần đầu có thể rất rộng, bao gồm các tập đoàn, tổng công ty và các công ty con thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định 59 với số lượng lên đến hàng trăm DN. Đồng thời, SCIC có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) DN  xây dựng phương án CPH DN.  Điều này đòi hỏi SCIC phải tập trung nguồn lực rất lớn cả về nhân lực và thời gian cho công tác này.

Đồng thời, “thời gian xem xét và ra quyết định về việc mua cổ phần sau khi nhận được thông báo của Ban chỉ đạo CPH DN trong tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Ban chỉ đạo CPH DN là quá ngắn để có thể thẩm định đầy đủ và hoàn tất các thủ tục phê duyệt nội bộ”, đại diện SCIC bày tỏ băn khoăn.

Cần rõ ràng hơn nữa

Ông Lê Song Lại cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15, SCIC đã chủ động liên hệ và đã có 12 tập đoàn, tổng công ty đã cung cấp thông tin và đề nghị SCIC phối hợp trong việc mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm. Tiếp đó, thực hiện Quyết định 51, SCIC đang triển khai xây dựng Qui chế trình Hội đồng thành viên phê duyệt về việc mua cổ phần lần đầu tại các DN CPH và mua lại vốn đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm theo Quyết định.

Tuy nhiên, với đối tượng và phạm vi tham gia rất rộng, đồng thời có nhiều điểm mới về cơ chế, để triển khai thực hiện có kết quả nhiệm vụ được Chính phủ giao, SCIC kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể hơn để làm cơ sở cho SCIC xây dựng Quy chế tham gia mua cổ phần lần đầu tại các DN CPH và mua lại vốn đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm.

Song song với đó, NHNN cần có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp thuận cho SCIC tham gia mua lại vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty tại các ngân hàng thương mại.

Đại diện SCIC đề xuất Chính phủ nghiên cứu xem xét một số nội dung như:

Đối với việc SCIC tham gia mua cổ phần lần đầu và Ban chỉ đạo CPH các DN, để đảm bảo mục tiêu của CPH và đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các DNNN, thay vì để SCIC sử dụng vốn của mình để mua cổ phần, nên giao SCIC chủ động đứng ra tiếp nhận một phần vốn Nhà nước tại DN (theo phương án tái cơ cấu, cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) để chuyển DN sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Sau đó, SCIC sẽ tiến hành thoái vốn nhà nước tại DN theo qui định.

Mặt khác, cũng cần làm rõ một số nội dung có liên quan như: Quy định về việc SCIC tham gia mua CP lần đầu của DNNN thực hiện CPH và tham gia Ban Chỉ đạo CPH DN là quy định bắt buộc hay quy định tùy nghi. “Nếu là quy định tùy nghi hay tùy chọn, thì nên đưa ra một số tiêu chí mang tính định hướng để xác định đối tượng DN mà SCIC sẽ tham gia, qua đó giúp SCIC có thể tập trung các nguồn lực để tham gia có hiệu quả”, Phó Tổng giám đốc SCIC nói.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nên làm rõ mối tương quan giữa tỷ lệ sở hữu cổ phần mà SCIC có thể nắm giữ khi tham gia mua lại cổ phần lần đầu tại DN CPH với tỷ lệ sở hữu tối đa vốn nhà nước sau khi CPH.  Nói cách khác, cần xác định rõ khoản đầu tư của SCIC thông qua việc mua cổ phần phát hành lần đầu có nằm trong tỷ lệ sở hữu tối đa của Nhà nước tại DN hay không, để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật…