Mục đích chuyến Tây tiến của Thủ tướng Ấn
(Tài chính) Quyết tâm theo đuổi một chính sách đối ngoại “táo bạo, tiên phong và đổi mới” với hai trọng tâm là hướng Đông và hướng Tây, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi không che giấu tham vọng đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc không thể bỏ qua của thế giới. Chuyến thăm tới Pháp, Đức, Cadana từ ngày 9 - 16.4 của ông Modi không nằm ngoài mục tiêu này.
Trọng tâm chuyến công du này là nhằm thúc đẩy sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India), kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào quốc gia Nam Á này. Tháp tùng ông trong chuyến công du lần này là 100 bộ trưởng cấp Trung ương và cấp bang, 7 Thủ hiến bang, 120 nhà kinh doanh hàng đầu.
Khi đi du thuyền trên sông Seine cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande ông Modi đã tranh thủ nói về các vấn đề liên quan đến an ninh, đặc biệt là hợp đồng cung cấp 126 máy bay chiến đấu đa năng tầm trung Rafale cho Ấn Độ. Pháp là một trong 5 quốc gia có một vị trí quan trọng trong lịch sử của nước Ấn Độ độc lập ngày nay.
Do đó Pháp là một trong những điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi. Hiện tại có gần 400 tập đoàn và doanh nghiệp Pháp đang hiện diện tại quốc gia với hơn 1,2 tỷ dân này. Trong số đó có những tên tuổi hàng đầu của mạng lưới công nghệ Pháp, từ Tập đoàn xe hơi Renault đến Hãng chế tạo vỏ xe Michelin, từ Tập đoàn ximăng Lafarge đến Công ty Viễn thông Alcatel.
Chặng dừng chân cuối cùng là Canada, nơi ông Modi sẽ là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ thăm đất nước này kể từ chuyến thăm của cố Thủ tướng Indira Gandhi năm 1973. Thủ tướng Modi có quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng Stephan Harper và nhiều thành viên trong đảng Bảo thủ Canada. Nhiều người trong số họ đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với ông Modi trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 năm ngoái tại Ấn Độ.
Tại Canada, Thủ tướng Modi sẽ ký hai hiệp định quan trọng gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) và một hiệp định thương mại về cung cấp nhiên liệu hạt nhân. Đây là một phần mở rộng của hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự đã ký năm 2010 và các thỏa thuận dàn xếp thủ tục hành chính để triển khai thực hiện hiệp định. Canada đã ủng hộ quyết định của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) về vấn đề cung cấp nguyên liệu hạt nhân cho Ấn Độ và mong muốn quay trở lại thị trường hạt nhân của Ấn Độ. Các công ty Canada, nơi chiếm 22% tổng sản lượng urani của toàn thế giới, đang thăm dò khả năng xuất khẩu urani cho Ấn Độ.
Theo giới phân tích, sau hàng loạt chuyến thăm tới các nước láng giềng gần trong khu vực và châu Á khi vừa nhậm chức, giờ đây là lúc thích hợp để Thủ tướng Modi hướng tới các “anh em xa”. Các bước đi này là cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng của ông trong nhiệm kỳ này.
Khi lên cầm quyền vào tháng 5.2014, Thủ tướng Modi đề ra mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một căn cứ công nghiệp của thế giới, tạo đà cho tăng trưởng tại nước đông dân thứ nhì trên địa cầu, giải quyết công việc làm cho 12 triệu thanh niên hàng năm gia nhập thị trường lao động. New Delhi đặc biệt muốn đẩy mạnh ngành công nghệ quốc phòng, hạt nhân, tăng cường chuyển giao công nghệ.
Để đạt được những mục tiêu đó, nội các Modi điều chỉnh luật đầu tư, cho phép doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát đếm 49% vốn của các tổ hợp liên doanh trong ngành bảo hiểm, thay vì 26% như trước. Ngoài ra, nhằm khuyến khích đầu tư trong ngành đường sắt, New Delhi còn cho phép các tập đoàn ngoại quốc bỏ vốn ra đến 100%. Dù vậy môi trường làm ăn ở Ấn Độ đang bị sa sút đáng kể so với nhiều quốc gia đang trỗi dậy khác, chẳng hạn như tại Trung Quốc.
Ấn Độ hiện bị xem là một trong những địa điểm khó vào kinh doanh nhất trên thế giới. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới Ấn Độ bị đẩy xuống hạng thứ 142 trên tổng số 189 quốc gia.