Mức độ bao phủ dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế
Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn khi mức độ bao phủ dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Nhân tháng Hành động quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS 2019, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS., TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về vấn đề này.
PV: Tháng Hành động quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS 2019 với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” có ý nghĩa gì thưa ông?
PGS., TS. Nguyễn Hoàng Long: Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” mang nhiều ý nghĩa.
Theo tôi, chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay đã nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
Liên Hiệp quốc đã khuyến cáo các quốc gia muốn kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, các mục tiêu 90-90-90 đó là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.
Tại Việt Nam năm 2018, kết quả thực hiện ba mục tiêu trên là 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ 3 đã đạt được, vẫn còn hai mục tiêu nữa, trong khi chúng ta chỉ còn có 1 năm để thực hiện. Vì thế, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 sẽ không thể đạt được.
Ông có thể cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS đang gặp phải khó khăn, thách thức gì?
Hiện, HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có 10.000 HIV mới, từ 2.000-3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế, xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.
Năm nay là năm đầu tiên thực hiện hướng dẫn các tỉnh, thành phố dự trù thuốc ARV từ bảo hiểm y tế (BHYT), nên kinh nghiệm của cán bộ về dự trù thuốc ARV nguồn BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, số liệu bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT chưa rõ ràng tại nhiều tỉnh.
Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảm tính bền vững, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát nếu không có biện pháp can thiệp mạnh mẽ, hiệu quả. Đặc biệt là sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới,... trong khi mức độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế.
Ngoài ra, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước (ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế) chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế cùng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Xin ông cho biết, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có giải pháp nào để thực hiện mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS?
Để thực hiện mục tiêu này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV đảm bảo tính sẵn có, đơn giản, bảo mật, thân thiện.
Mở rộng hệ thống phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính. Hiện, đã có 152 phòng xét nghiệm tại 63/63 tỉnh, thành phố và 44 huyện.Từ đó, đẩy mạnh triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, thông qua mạng lưới cán bộ y tế thôn bản, xã phường, các nhóm tự lực cộng đồng, triển khai tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV tại 1.340 cơ sở. Triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm mới lần theo dấu vết của người nhiễm HIV để thông báo và tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích chung của người nhiễm HIV, khuyến khích người nhiễm HIV giới thiệu những người có nguy cơ lây nhiễm HIV đến cơ sở y tế làm xét nghiệm.
Áp dụng những kỹ thuật mới của thế giới trong xét nghiệm sàng lọc đảm bảo nhanh, chính xác, an toàn: xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay, xét nghiệm dịch miệng, đồng thời, giới thiệu dịch vụ kết nối sẵn có đa dạng sau xét nghiệm HIV như: điều trị MMT, PrEP, ARV, dịch vụ dự phòng khác bao cao su, bơm kim tiêm,...
Làm thế nào để triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone có hiệu quả, thưa ông?
Nghiện ma túy, trong đó chủ yếu là nghiện chất dạng thuốc phiện là vấn đề nhức nhối trong xã hội gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đã bắt đầu triển khai thí điểm điều trị Methadone tại TP. Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh từ tháng 4/2008.
Để triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone có hiệu quả, thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho việc triển khai chương trình, nhất là các chính sách liên quan đến nguồn lực tài chính và nhân lực; tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản yêu cầu các tỉnh/thành phố thực hiện nghiêm các yêu cầu về nguồn lực đầu tư cho chương trình; tăng cường đổi mới và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, nhất là về hiệu quả và tác động của chương trình, tạo đồng thuận xã hội trong triển khai chương trình và góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện.
Trân trọng cảm ơn ông!