Việt Nam là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS

Theo Thu Hương/suckhoedoisong.vn

Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đánh giá là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS. Và trong các thành tựu đã dạt được, có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức dân sự xã hội.

Việt Nam là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS.
Việt Nam là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS.

Ngày 14/11/2019, Cục phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức hội thảo "Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS".

Việt Nam là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS

Theo báo cáo của cục Phòng chống HIV/AIDS, thời gian qua nước ta không chỉ triển khai toàn diện công tác phòng chống HIV/AIDS mà còn ứng dụng các mô hình mới về phòng, chống HIV/AIDS;  mở rộng các dịch vụ và loại hình xét nghiệm (xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm) , điều trị (điều trị sớm, điều trị trong ngày), và các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV (trao đổi bơm kiêm tiêm, phát bao cao su, điều trị methadone và hiện đang thí điểm buprenorphine....)… Vì vậy, dịch  HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, mức 0,24%; số lượng người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục tăng qua các năm. Hiện nay có 140.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV, gần 53.000 người đang được điều trị bằng Methadone...

Việt Nam cũng đang quyết liệt triển khai chiến dịch truyền thông trên quy mô lớn "K=K" (Không phát hiện =Không lây truyền). Nghĩa là, Một người uống thuốc kháng vi rút (ARV) hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng vi rút ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính”. Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ; Bằng chứng khoa học trên cũng giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Từ năm 2014, Việt Nam chính thức cam kết và triển khai các hoạt động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS. Đạt mục tiêu đó là tiền đề hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Đó là 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định. Hiện với mục tiêu này ở con số thứ nhất và thứ 2 chúng ta đã đạt được 80-70 và con số thứ ba (90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định) chúng ta đã đạt con số 95% (vượt mục tiêu 90%).

Với những thành tựu trên, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đánh giá là điểm sáng về công tác phòng chống HIV/AIDS.  Và trong các thành tựu đã dạt được, có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức dân sự xã hội.

Vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS

Có thể nói trong lĩnh vực tư vấn xét nghiệm HIV và can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm thì vai trò của cộng đồng quan trọng hơn bao giờ hết. Chính họ là những người đi tiếp cận cộng đồng, truyền thông, vận động làm xét nghiệm HIV; cung cấp dịch vụ xét nghiệm (dựa vào cộng đồng), chuyển gửi xét nghiệm khẳng định HIV+; vận động, chuyển gửi điều trị ARV. Họ là những người phân phát bao cao su miễn phí; phân phát bơm kim tiêm miễn phí; thu gom bơm kim tiêm dã qua sử dụng; tạo cầu và tiếp thị xã hội bơm kim tiêm và bao cao su; khối y tế tư nhân tham gia điều trị methadone và hiện nay có khoảng hơn 4000 khách hàng đang điều trị PrEP thì có khoảng 70% là do y tế tư nhân điều trị.

TS. Hoàng Đình Cảnh, phó cục trưởng cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, với đặc điểm, đặc thù riêng của dịch HIV/AIDS, nếu chỉ dựa vào hệ thống y tế công vẫn chưa đủ, vì có rất nhiều nhóm, đặc biệt là các nhóm yếu thế, nhóm có hành vi nguy cơ cao và bạn tình của họ khó có thể tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm, điều trị, can thiệp… Việc này chỉ có thể làm được và làm tốt nhất khi chúng ta có được hệ thống thông qua các tổ chức dựa vào cộng đồng.

Ông Mark P. Troger, giám đốc điều phối quốc gia của PEPFA nhấn mạnh, xã hội dân sự là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống HIV/AIDS kể từ giai đoạn đầu của bệnh dịch này; Họ là người hiểu rõ môi trường chính trị, văn hóa và cung cấp thông tin cho việc xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ, và cũng chính họ hiểu rõ tiếng nói của các quần thể chịu ảnh hưởng…

Ông Mark P. Troger, giám đốc điều phối quốc gia của PEPFA
Ông Mark P. Troger, giám đốc điều phối quốc gia của PEPFA

Tại hội thảo, TS Hoàng Đình Cảnh đã ghi nhận sự đóng góp của mạng lưới xã hội dân sự và nhấn mạnh, trong hội nghị quan trọng này cần tập trung đánh giá lại kết quả mà chúng ta đã làm được; xác định, nhận diện được những khó khăn, vướng mắc, rào cản, đối với hoạt động này về mặt pháp luật, về năng lực, đào tạo, xây dựng hệ thống và triển khai các dịch vụ… đồng thời phải đưa ra được những giải pháp, sáng kiến để tăng cường sự tham gia của cá tổ chức dựa vào cộng đồng  trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Cộng đồng là ai? Đó là:
- Các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), mạng lưới tiếp cận, tuyên truyền viên đồng đẳng (PE).
- Tổ chức phi chính phủ trong nước (VNNGO).
- Các cơ sở y tế tư nhân, doanh nghiệp...