Chứng khoán Yuanta Việt Nam:

Mức hợp lý của VN-Index là 1.177 điểm

Theo Hóa Khoa/nhadautu.vn

Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định mức hợp lý của TTCK Việt Nam là 1.177 điểm, Công ty này cũng kỳ vọng VN-Index có thể trở về đỉnh sóng 3, tương đương 1.200 điểm.

Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam  kỳ vọng VN-Index có thể trở về đỉnh sóng 3, tương đương 1.200 điểm. Nguồn: internet
Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng VN-Index có thể trở về đỉnh sóng 3, tương đương 1.200 điểm. Nguồn: internet

VN-Index trong 6 tháng đầu năm vận động và chịu ảnh hưởng lớn từ các mã vốn hóa lớn. Cụ thể, top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn chiếm 78% vốn hóa của toàn thị trường, trong đó:  Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm 23% vốn hóa của thị trường; nhóm vốn hóa lớn VIC – VRE – VHM chiếm hơn 24% vốn hóa của thị trường.

Việc các nhóm cổ phiếu này có KQKD tăng trưởng tốt ở quý II/2018 so với cùng kỳ năm ngoái được kỳ vọng là yếu tố sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường.

Trong Báo cáo của mình, Yuanta nhận định doanh nghiệp trên sàn HSX sẽ tăng trưởng trung bình ở mức 5,01%; Lợi nhuận sau thuế (LNST) dự kiến 15,07%. Công ty này lập luận, với mức P/E trung bình trong khu vực là 18.2x và cũng là mức hợp lý với TTCK Việt Nam, Yuanta dự báo chỉ số hợp lý ở mức 1.177 điểm.

Có thể thấy thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm điểm, Yuanta dự báo thị trường sẽ bước vào giai đoạn sóng tăng 5 vào 6 tháng cuối năm 2018 với mục tiêu có thể quay về lại đỉnh sóng 3 (1200 điểm); Thanh khoản sẽ ở mức thấp hơn giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, lựa chọn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa có yếu tố cơ bản tăng trưởng tốt và đột biến có thể giúp nhà đầu tư thu được lợi nhuận cao.

Sự tăng trưởng này cũng được dựa trên nền tảng vĩ mô tốt. Theo đó, GDP ước tính 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất nửa đầu năm kể từ 2011 trở lại đây, trong đó cụ thể Khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 3,39%, góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, góp 48,9% và dịch vụ tăng 6,9%, góp 41,4%.

Cơ cấu nền kinh tế, nửa đầu năm, khu vực nông lâm nghiệp thuỷ sản chiếm tỷ trọng 14,15% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,78%, dịch vụ chiếm 41,82%, thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm chiếm 10,25% Hoạt động sản xuất tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua, củng cố thêm cho tăng trưởng trong nước.

Song vậy, TTCK vẫn có thể gặp các thông tin bất lợi từ các yếu tố bên ngoài, đó là Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng phức tạp hơn; Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần và sẽ khiến dòng vốn có khả năng sẽ tiếp tục rút khỏi nhóm thị trường mới nổi.

Ngoài ra, chính sách bảo hộ của Mỹ sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới khi Mỹ vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu của thị trường này là 21.5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm (chiếm tỷ trọng cao nhất so với các khu vực khác). Việc tỷ giá tăng mạnh với sự leo thang của đồng USD là dấu hiệu rủi ro đáng kể cho TTCK.