Để thị trường chứng khoán phát triển bền vững
Muốn thị trường chứng khoán phát triển tốt và bền vững cần dựa trên nhân tố cốt lõi là niềm tin của giới đầu tư. Thời gian qua đã ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý cũng như của các thành viên thị trường nhằm hướng đến một thị trường minh bạch, hiệu quả. Song, chặng đường phía trước vẫn đòi hỏi sự quyết tâm trong hoàn thiện và đưa khung khổ pháp lý vào thực tế.
Giai đoạn “thử lửa”
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh, trong năm 2017 và quý I/2018, chỉ số VN Index từ mức giá mở cửa phiên đầu năm 2017 từ mức 665,92 điểm lần lượt vượt qua các mốc tâm lý 700 điểm; 800 điểm; 900 điểm; 1.000 điểm; 1.170 điểm (đỉnh năm 2007); và thậm chí vượt lên trên mốc 1.200 điểm, lập kỷ lục mới lên mức 1.204,33 điểm tại phiên giao dịch ngày 9/4. Điều đáng chú ý, trong một khoảng thời gian ngắn, từ cuối tháng 11/2017 đến đầu quý II-2018, VN Index đã có mức tăng trên 300 điểm, đã đưa VN Index trở thành chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất thế giới.
Theo các chuyên gia phân tích, sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường đến từ kỳ vọng của giới đầu tư về tăng trưởng của nền kinh tế khi GDP quý I tăng 7,38% và là con số cao nhất trong vòng 10 năm. Bên cạnh đó, dòng tiền của các tổ chức đầu tư nước ngoài cũng ồ ạt đổ vào TTCK Việt Nam (khối ngoại mua ròng hơn 10.000 tỷ đồng trong quý I), cũng như hàng loạt doanh nghiệp lớn lên “sàn” đã giúp thị trường tăng trưởng tích cực.
Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường đã có đợt điều chỉnh giảm sâu, kéo dài từ phiên giao dịch ngày 10-4 cho đến nay, mặc dù thị trường luôn nhận được các thông tin tích cực như kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt, thị trường tiền tệ diễn biến tốt, nhiều doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận quý I-2018 cao. Theo đó, VN Index nhanh chóng xuyên thủng ngưỡng 1.000 điểm tại phiên 22-5 và tiếp tục giảm sâu xuống mức 931,75 điểm tại phiên 29-5. Mặc dù TTCK phục hồi nhẹ vào đầu tháng 6, nhưng do cầu không được cải thiện so với cung trước tâm lý của nhà đầu tư bị tác động tiêu cực bởi các sự kiện trên thị trường quốc tế như FED tăng lãi suất, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác leo thang khiến TTCK thế giới giảm điểm trong nhiều tháng liên tiếp...; cùng với việc nhà đầu tư trong và ngoài nước thời gian gần đây đều có xu hướng chốt lời đối với các cổ phiếu đã có mức tăng giá mạnh từ đầu năm, cũng như dè dặt trong giải ngân mới, chờ đợi cơ hội thích hợp để tiếp tục đầu tư… khiến TTCK tiếp tục nối dài xu hướng giảm. Điều này tạo ra chuỗi giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, VN Index phá vỡ ngưỡng 900 điểm, về mức thấp nhất là 893.16 điểm vào phiên ngày 11-7, giảm 25,8% so với mức đỉnh 1.204 điểm và giảm 9,3% so với cuối năm 2017.
Ngoài việc sụt giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng dần sụt giảm. Nếu như giá trị giao dịch bình quân trên hai sàn trong quý I đạt gần 8.600 tỷ đồng/phiên, thì tại tháng 6 chỉ đạt 5.623 tỷ đồng/phiên và tiếp tục giảm xuống 3.911 tỷ đồng/phiên trong 2 tuần đầu tháng 7, mức thấp nhất trong 17 tháng. Không những vậy, diễn biến thị trường trong giai đoạn này cũng rất khó lường với hàng loạt phiên biến động mạnh khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay.
Từ phiên giao dịch ngày 12/7 cho đến nay, TTCK đang dần phục hồi, chỉ số VN Index đang xoay quanh mức 950 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cũng đang giảm tần suất bán ròng. Theo các chuyên gia phân tích, thị trường tăng điểm trở lại phần lớn là do kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt; tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn ổn định... Dù chưa có thể nói là giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đang ở mức rẻ, nhưng với mặt bằng P/E hiện tại đã giảm khá mạnh và về mức hợp lý, nên đã hấp dẫn nhà đầu tư quay trở lại thị trường.
Thị trường của niềm tin
Mặc dù chỉ số trên TTCK Việt Nam biến động giảm mạnh nhưng mức vốn hóa thị trường cổ phiếu trong quý của sáu tháng đầu năm 2018 vẫn tăng mạnh, do có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn lên niêm yết. Tính đến cuối tháng 6-2018, vốn hóa thị trường đạt 3.889 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2017, tương đương 77,7% GDP. Để đạt được những kết quả này, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tập trung hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát; tiếp tục phát triển và tái cấu trúc TTCK; triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng mới nổi (frontier market) lên hạng cận biên (emerging market) trên bảng xếp hạng MSCI; phát triển cơ sở, hạ tầng công nghệ; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, thanh tra giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Theo các chuyên gia phân tích, không thể phủ nhận sự trưởng thành của TTCK Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhưng nếu nhìn lại những diễn biến tăng giảm của thị trường trong các tháng 5, 6, 7 cho thấy, TTCK Việt Nam vẫn còn chưa thật sự bền vững, chỉ số thị trường còn biến động mạnh, phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư, từ đó tác động ngược tới các chức năng huy động vốn cho nền kinh tế. Muốn phát triển bền vững, chỉ có một con đường là xây dựng TTCK trở thành thị trường của niềm tin.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SSI, hiện khung pháp lý liên quan đến công khai, minh bạch trên TTCK Việt Nam đã tương đối đầy đủ và vì vậy cần thực thi một cách triệt để, quyết liệt để tạo sự công bằng cho toàn bộ các chủ thể. Cùng với sự phát triển nhanh của TTCK, các quy định pháp lý cũng cần phát triển để theo kịp và tốt hơn là chủ động đi trước, tạo nền tảng cho sự phát triển các định chế mới, cũng như tạo sự tham gia có hiệu quả của toàn xã hội vào việc giám sát, tuân thủ trên TTCK. Ngoài ra, cần xây dựng một văn hóa độc lập, khách quan, trung thực trong mọi hoạt động của thị trường, có như vậy tính minh bạch và sự bền vững của TTCK mới được củng cố vững chắc.
Về phía các nhà đầu tư, cần định hướng để các nhà đầu tư trở nên chuyên nghiệp hơn, hiểu biết hơn về các quyền và trách nhiệm của mình khi tham gia thị trường chứng khoán. Đồng thời, tạo điều kiện cho mọi nhà đầu tư đều có quyền giám sát hoạt động của doanh nghiệp, cũng như giám sát TTCK nói chung.