Thị trường chứng khoán Việt Nam: Vững vàng từ yếu tố nội tại

Theo Hóa Khoa/nhadautu.vn

Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây là sự tất yếu khi yếu tố vĩ mô lẫn nội tại của các doanh nghiệp niêm yết đều rất tích cực.

Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây là sự tất yếu. Nguồn: internet
Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây là sự tất yếu. Nguồn: internet

Vào chiều đầu tháng 7/2018, khi thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ, anh S - một nhà đầu tư lâu năm, nhận được cuộc gọi từ một môi giới chứng khoán, người này tự nhận mình đến từ Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS).

Môi giới này nhận định, thị trường sẽ còn giảm điểm xuống 800 điểm. Khi anh S phản bác và cho rằng thị trường sẽ còn tăng trưởng (anh nhận định trên cơ sở mùa BCTC quý II/2018 sắp tới và được dự báo lúc đó nhiều tích cực), môi giới này lập luận, nhịp hồi sắp tới của VN-Index chỉ là nhịp hồi kỹ thuật do có dòng tiền ‘bắt đáy’. Anh này cũng khuyên nhà đầu tư S nên bán hết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán cơ bản để tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.

Ý kiến của môi giới ‘vãng lai’ này rõ ràng không phải không có cơ sở. Đầu tháng 7/2018 là thời điểm VN-Index tiếp tục giảm điểm rất mạnh sau giai đoạn ngắn tăng ‘kỹ thuật’ từ tháng 6/2018. Điều này nghĩa là, nhiều nhà đầu tư ‘bắt đáy’ trong tháng 5 và tháng 6 vẫn đang bị ‘kẹp hàng’ và lỗ nặng. "Thị trường giảm sâu trong tháng 4 và tháng 5, nhiều nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy, nhưng bắt đáy xong rồi thị trường vẫn giảm, họ tỏ ra lo lắng không hiểu đáy ở đâu", TS. Đinh Thế Hiển nhận định trong một lần trò chuyện qua điện thoại với PV.Nhadautu.

Mọi thứ tiếp tục tồi tệ hơn đến tháng 7/2018, kể từ sau cuộc điện thoại với chuyên viên môi giới ‘vãng lai’ kia, anh S sẽ còn chứng kiến thị trường mất mốc hỗ trợ 900 điểm khi giảm đến 17,96 điểm còn 893,16 điểm trong phiên 11/7/2018.

Yếu tố bên ngoài chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn ‘nóng’ lên từng giờ với các tuyên bố đáp trả nhau từ hai nền Kinh tế lớn nhất thế giới, FED tăng lãi suất dẫn đến dòng tiền rút dòng mạnh khỏi các thị trường mới nổi,… tất cả đã khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước trở nên bi quan.

Với diễn biến tiêu cực đến ‘cùng cực’ như vậy tại thị trường cơ sở, không lạ khi nhiều nhà đầu tư tìm đến TTCK phái sinh hòng kiếm lời với các lệnh ‘Short’.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi từ sau phiên giao dịch 11/7.

Đi lên từ yếu tố nội tại...

Năm 1815, trận thư hùng Waterloo tại Brussel - Bỉ giữa Napoleon và Wellington được giới tài chính Longdon nín thở theo dõi. Nếu Wellington thắng, trái phiếu Anh sẽ tăng ngút trời xanh, còn nếu thua thì giá trái phiếu đảo quốc Sương Mù sẽ rớt xuống đáy vực.

Khi trận chiến kết thúc, các gián điệp của đại gia tộc Rothschild đã nắm được kết quả ai thắng trận. Nathan Rothschild - trụ cột đại gia tộc, sau khi nhận được thông tin đã tới thẳng Sở Giao dịch Chứng khoán London. Tất cả các nhà đầu tư nhìn ông và chờ đợi. Nathan liếc mắt ra hiệu cho các nhà đầu tư của gia tộc mình, lập tức tất cả bọn họ bán sạch công trái Anh. Đại sảnh bỗng chốc hỗn loạn, người ta ầm ầm bán tháo công trái Anh và đẩy giá trái phiếu này tụt dốc.

Và đến khi công trái Anh chất như đống rác với mức giá rẻ mạt, Nathan liếc mắt và các nhà đầu tư cổ phiếu của ông lao vào mua sạch số công trái còn lại.

Và khi tin tức chính thức về thất bại của người Pháp xuất hiện, Nathan đã kiếm được lượng tiền gấp 20 lần tài sản mà Napoleon và Wellington kiếm được từ mấy chục năm chiến tranh. Qua đó cũng biến ông thành chủ nợ lớn nhất Anh quốc.

Trước thời điểm 11/7, dễ thấy nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ở các diễn đàn Tài chính đã vẽ nên một viễn cảnh VN-Index ‘sập’ như những gì từng diễn ra trong năm 2007. Cụm từ ‘Chu kỳ 10 năm’ xuất hiện trở lại và như thanh gươm Damocles đe dọa nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu vào lúc thị trường hưng phấn. Điều này khiến nhiều người mất niềm tin vào TTCK cơ sở và sự xuất hiện của TTCK phái sinh như một cứu cánh để họ bù đắp được số tiền đã lỗ từ TTCK cơ sở.

Tuy nhiên, câu chuyện kể trên chỉ phần nào giống với TTCK Việt Nam, điểm khác là chúng ta không có một Nathan Rothschild tinh quái khi hầu hết các lãnh đạo cơ quan cấp cao tại UBCKNN, Công ty Chứng khoán, chuyên gia Chứng khoán đều bày tỏ kỳ vọng thị trường tăng điểm tích cực.

Thời điểm sau phiên 11/7, câu chuyện đã hoàn toàn khác. TTCK Việt Nam đã nhanh chóng tăng điểm mạnh mẽ trở lại. Tính đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã đạt 959,60 điểm, tăng hơn 7,4% so với thời điểm anh S nhận cuộc điện thoại.  

KQKD quý II/2018 đã đóng góp tích cực vào đà tăng của nhiều cổ phiếu.

Việc các cổ phiếu giảm điểm quá mạnh về vùng giá hợp lý trong thời điểm trước đó đã được dòng tiền tìm đến. Ngoài ra, KQKD quý II/2018 khá tích cực cũng là chất xúc tác tốt cho thị trường. Thống kê từ BSC cho thấy, tính đến 31/7 đã có 538/737 tương đương 73% số công ty niêm yết trên 2 sàn công bố KQKD quý II.

Tính toán từ các Công ty Chứng khoán này cho hay, Lợi nhuận sau thuế (LNST) quý II/2018 của nhóm này ước đạt 26.152 tỷ, tăng trưởng 34,8% so cùng kỳ 2017. Theo sau 2 doanh nghiệp dẫn đầu cải thiện lợi nhuận tuyệt đối MSN và GAS, nhóm Ngân hàng gồm TCB, VCB, ACB, MBB, VPB, STB, EIB tăng điểm khá mạnh và đóng góp 55% cho mức tăng lợi nhuận tuyệt đối trên 2 sàn.

Ở quý này, nhóm Ngân hàng tiếp tục tăng trưởng bình quân mạnh ở mức 70% so cùng kỳ. Lợi nhuận các Doanh nghiệp tăng trưởng tốt giúp cải thiện hệ số P/E và P/B của VN-Index, giảm từ 18,1 và 2,6 lần vào cuối tháng 6 xuống còn 17 và 2,6 lần vào cuối tháng 7. Một số ngành cũng đang có mức định giá hợp lý so với thị trường gồm Công nghệ thông tin, Nguyên vật liệu, Viễn thông, Dầu khí và Ngân hàng.

BSC nhận xét, mùa công bố thông tin KQKD quý II/2018 cơ bản hoàn thành trong 1-2 tuần nữa, sẽ tiếp tục cải thiện mức định giá của thị trường.

Từng trao đổi với Nhadautu.vn, chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân khẳng định động lực tăng trưởng cho TTCK có lẽ sẽ chỉ đến nhờ thông tin trong nước, đó là kết quả kinh doanh của khối Ngân hàng 6 tháng cuối năm được dự báo vẫn tăng trưởng tích cực, hỗ trợ tích cực cho chỉ số. Ngoài ra, chuyên gia này cũng kỳ vọng Nhà nước sẽ lại đẩy mạnh các kế hoạch thoái vốn vào cuối năm, giống như đã làm hồi đầu năm, vốn tạo hưng phấn cho TTCK.

Rõ ràng, với yếu tố vĩ mô sự tăng trưởng GDP rất tốt (đạt 6,79% trong riêng quý II/2018), yếu tố nội tại các doanh nghiệp có LNST tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, TTCK không tăng… cũng phải tăng.

Và với nhà đầu tư S, có lẽ anh sắp hái được trái ngọt từ sự kiên nhẫn và đợi chờ.