Mức tăng lương vùng bao nhiêu là hợp lý?
(Tài chính) Hội đồng tiền lương Quốc gia đang lấy ý kiến các doanh nghiệp về lộ trình tăng lương tối thiểu năm 2015 với đề xuất lương tối thiểu vùng có thể tăng 23%. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng bao nhiêu để vừa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động, vừa phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn là bài toán không dễ giải.
Lương chỉ đáp ứng 75% mức sống tối thiểu của người lao động
Theo ông Nguyễn Tiến Đăng, Trưởng phòng Tiền lương, Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trước đây cơ chế điều chỉnh lương tối thiểu vùng căn cứ vẫn dựa nhu cầu lương thực - thực phẩm (chiếm 55%) và nhu cầu phi lương thực thực phẩm chiếm 45%.
Trong khi đó, theo khảo sát 1.500 công nhân tại 60 doanh nghiệp ở 12 tỉnh/ thành phố trên cả nước về vấn đề tiền lương, mức sống tối thiểu của Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào quý I và quý II/2014, tiền lương trung bình của người lao động, bao gồm cả các loại phụ cấp và làm thêm giờ hiện mới đạt hơn 3,7 triệu đồng/tháng, trong khi mức chi tiêu trung bình cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của họ (có nuôi con) đã lên tới 4,1 triệu đồng/tháng.
Theo nhận định của các chuyên gia về lao động, hiện tại lương tối thiểu ở nước ta mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động. Nếu lương tối thiểu được điều chỉnh đều đặn hàng năm theo đúng lộ trình, với mức điều chỉnh mỗi năm tăng bình quân khoảng trên 15% thì cũng phải đến năm 2016, lương tối thiểu mới đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu cho đời sống tối thiểu của người lao động.
Việc phân vùng lương tối thiểu theo địa giới hành chính (quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) còn gây nhiều bất cập. Có những tỉnh có tới 3 vùng hưởng lương tối thiểu khác nhau. Điều này dẫn tới việc dịch chuyển lao động từ vùng lương tối thiểu thấp sang vùng cao.Trong khi đó, mức lương tối thiểu thấp và khả năng đàm phán hạn chế của người lao động trong điều kiện cơ chế thỏa thuận còn khiến nhiều doanh nghiệp bám vào để trả lương và ép tiền công của người lao động.
Hiện nay, lương tối thiểu vùng vẫn quy định trả theo tháng tại 4 vùng, chưa áp dụng theo ngày, giờ đối với các công việc không trong ngày, công việc bán thời gian. Trong khi đó, Bộ Luật Lao động quy định tiền lương theo giờ, ngày.
Tăng lương bao nhiêu là mức hợp lý?
Tại cuộc thảo luận về phương án điều chỉnh lương tối thiểu sẽ áp dụng trong năm 2015 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia phối hợp với các bên liên quan vào ngày 31/7, Hội đồng này cho biết, dự kiến trong tháng 8 này, Hội đồng sẽ chốt phương án điều chỉnh để trình lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 tới.
Tuy nhiên, mức lương vùng tăng tỷ lệ bao nhiêu còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch VCCI, việc tăng lương tối thiểu vùng là điều cần thiết để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, cần xây dựng lộ trình, cũng như phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, nếu không sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực. Ví dụ giá cả lạm phát, đầu tư nước ngoài sụt giảm, chi phí sản xuất tăng, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp…
Ông Dũng cho rằng, cần phải thực hiện phương pháp tính toán tăng lương theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới dựa trên cơ sở CPI là chính xác nhất. Chẳng hạn ở Na Uy, khi Chính phủ nước này công bố lạm phát khoảng 5% thì giới sử dụng lao động phải điều chỉnh tăng lương cho người sử dụng lao động khoảng 4%, còn 1% người lao động phải chịu.
Kinh nghiệm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy, thông thường tiền lương tối thiểu bằng khoảng 40% - 60% tiền lương bình quân trên thị trường là phù hợp. Nếu để mức lương tối thiểu quá cao thì mức lương đó không thực sự là tiền lương tối thiểu mà thay vào đó là tiền lương thực trả cho người lao động như trường hợp của Campuchia hay Philippines.
Điều đó làm hạn chế vai trò của các bên khi tiến hành thương lượng tập thể để thương thảo những nội dung có lợi hơn cho người lao động như theo quy định tại mục 2 điều 73 và điều 90 của Bộ luật Lao động sửa đổi 2012.
Ở Việt Nam, theo ông Hoàng Văn Dũng, phương án tính mới hiện nay, nhất là CPI cộng thêm một vài %, đồng thời dựa trên cơ sở tiến hành các cuộc khảo sát, điều tra độc lập về tình hình mức sống, sinh hoạt…
Vì vậy, ông Dũng đề xuất nếu tăng lương tối thiểu thì chỉ tăng từ 10%-12% vì việc tăng lương có thể khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong khi đó, phía đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại đề xuất tăng lương tối thiểu lên 23% so với năm 2014, do mức lương hiện tại quá thấp. Trước đó, trả lời báo giới, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, lộ trình tăng lương tối thiểu vùng sẽ phá sản nếu năm sau lương không đáp ứng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
"Có nhiều lý do để chúng tôi đưa ra lương tối thiểu mỗi tháng vùng I của người lao động phải ở mức 3,4 triệu đồng, vùng II: 2,9 triệu đồng, vùng III: 2,6 triệu đồng và vùng IV: 2,3 triệu đồng. Nhưng lý do quan trọng nhất là kết quả khảo sát về mức sống tối thiểu của người lao động năm 2014 cho thấy, tiền lương tối thiểu vùng I mới đạt 67,6% mức sống tối thiểu; tương tự vùng II đạt 70,1%; vùng III đạt 70,6% và vùng IV cũng mới đạt 76,6%", ông Tùng cho hay.
Trong khi đó, đứng trên góc độ chủ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) kiến nghị mức tăng lương vào năm 2015 trên cơ sở tỷ lệ lạm phát 7,5% (dự kiến 2014) cộng với tăng trưởng GDP 5,5% (dự kiến 2014) khoảng 13%. Trong trường hợp ý kiến khác biệt xa với các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức đề nghị thương lượng để tăng tối đa 15%.
Ngoài ra, ông Hạnh cũng kiến nghị, cần sửa đổi thời gian làm thêm 200 giờ/năm lên 300 giờ/năm để vừa thỏa mãn nhu cầu kiếm thêm tiền hợp pháp của người lao động, vừa tránh cho các doanh nghiệp vi phạm luật lao động. Nhà nước cần kiềm chế tăng giá năng lượng để giảm thiểu tác động đến giá cả đầu vào và giá cả tiêu dùng...
Bên cạnh đó, là giám đốc nhân sự một doanh nghiệp nước ngoài là Công ty TNHH Canon Việt Nam, ông Keisuke Taniguchi cho rằng, việc xây dựng mức lương tối thiểu dựa trên tiêu chuẩn mức sinh hoạt tối thiểu cần phải có các cuộc khảo sát, điều tra cụ thể. Đặc biệt, phải do một bên trung lập tiến hành chứ không để các bên có liên quan thực hiện, như vậy sẽ không khách quan.
Ông Keisuke chia sẻ, kinh nghiệm của Nhật Bản là trong Hội đồng tiền lương ngoài đại diện người sử dụng lao động và người lao động bao giờ cũng có một thành viên khác trung lập, thường là giới luật sư hoặc giảng viên của các trường đại học.
Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm các thị trường khác để thay thế thị trường Trung Quốc. Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn chuyển sản xuất sang Myanmar, Campuchia… chứ không phải Việt Nam bởi đây là những quốc gia có mức lương tối thiểu thấp hơn của Việt Nam.
Bởi vậy, “nguyện vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là mức lương tối thiểu được xây dựng trên cơ sở các yếu tố khách quan là chỉ số CPI. Chúng tôi kiến nghị, mức tăng lương tối thiểu 2015 tại doanh nghiệp khoảng 5%-7% , vì nhìn chung mức tăng GDP qua các năm gần đây khá ổn định trong khoảng 5%-6%”, ôngKeisuke nói.