Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên: "Khó mấy cũng phải làm"

Trần Huyền

Chia sẻ về điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đây là mục tiêu khó nhưng "khó mấy cũng phải làm", "càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực" vì sự phát triển của Đất nước, đời sống của Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận.

Chiều 14/2, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

"Không phải đặt mục tiêu vừa phải để phấn đấu dễ dàng"

Phát biểu thảo luận tại Tổ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khát quát lại những kết quả đạt được trong năm 2024. Theo đó, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức nhưng chúng ta đã nỗ lực về đích, đạt 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, 12/15 chỉ tiêu vượt.

Nhắc lại thời gian cả nước chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 Yagi, Thủ tướng cho biết có nhiều lời khuyên giảm một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 để phấn đấu. Tuy nhiên, quan điểm của Thủ tướng là mục tiêu phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân, chứ không phải đặt mục tiêu vừa phải để phấn đấu dễ dàng. "Càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực", Thủ tướng nói.

Do đó, Chính phủ đề xuất mục tiêu phấn đấu của năm 2025 cao hơn, cụ thể là tăng trưởng 8% trở lên, không phải là chỉ có 6,5-7% và phấn đấu 7,5% như trước. Cho rằng mục tiêu này là rất khó khăn nhưng Thủ tướng khẳng định "khó mấy cũng phải làm, không làm không được".

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các chủ thể, cả hệ thống chính trị. Trong đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Chính sách tài khoá cần tập trung vào tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách, có chính sách ưu đãi để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ cần đưa dòng vốn vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn và chấp nhận "lạm phát cao hơn một chút". 

Liên quan đến nợ công, Thủ tướng đánh giá, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đã được kiểm soát rất tốt trong những năm qua. Theo Thủ tướng, "nếu vay được và trả được thì không có gì lo ngại", quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư từ các khoản vay này.

"Đầu tư phải tập trung, không có dàn trải"

Đầu tư công cũng là một trong những giải pháp được Thủ tướng Chính phủ đề cập. Kế hoạch đầu tư công năm 2025 là trên 800 nghìn tỷ đồng. Vừa qua, nhiều chính sách đã được ban hành để gỡ vướng giải ngân nguồn vốn này như: Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, một luật sửa 9 luật... Thủ tướng kỳ vọng việc tháo gỡ vướng mắc về thể chế sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, từ đó khuyến khích, dẫn dắt đầu tư tư nhân.

Trong đầu tư, Thủ tướng lưu ý khi nguồn lực có hạn thì phải có sự lựa chọn, ưu tiên, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó là cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách bộ máy, tăng cường chuyển đổi số để ngày càng công khai, minh bạch.

Nhóm giải pháp tiếp theo là phải đẩy mạnh ba đột phá chiến lược. Thứ nhất là đột phá của đột phá - tháo gỡ thể chế với tinh thần "vướng mắc ở đâu, tháo gỡ đấy, vướng mắc lúc nào thì tháo gỡ lúc đó". Thứ hai là tháo gỡ về hạ tầng, trong đó có hạ tầng chiến lược về giao thông, hạ tầng số, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa... Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Chúng ta vừa phải làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, đó là đầu tư, đó là xuất khẩu, đó là tiêu dùng nhưng mà cũng phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa động lực tăng trưởng mới, đó là dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Từ đó để tăng năng suất lao động, giúp phát triển nhanh, bền vững", Thủ tướng nêu.

Một giải pháp nữa theo Người đứng đầu Chính phủ là khâu tổ chức thực hiện "phải nhanh, phải kịp thời, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào ra việc đấy, đầu tư phải tập trung, không có dàn trải."