Muốn giữ tăng trưởng, cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu
Đó là khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với Việt Nam trong một báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam, được công bố chiều 19/7.
Cũng trong báo cáo này, WB đưa ra nhận định không mấy lạc quan khi cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay bởi những ảnh hưởng liên tiếp của thiên tai, hạn hán đã khiến cho ngành nông nghiệp bị tác động tiêu cực, qua đó gián tiếp làm cho công nghiệp sụt giảm.
Lí giải cụ thể hơn về điều này quyền Giám đốc WB tại Việt Nam Achim Fock cho rằng, nguyên nhân khiến cho kinh tế Việt Nam giảm tăng trưởng đến từ những tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn.
Việc thiên tai nặng nề liên tiếp xảy ra đã thực sự khiến GDP tăng trưởng chậm lại một cách gián tiếp, bởi dù nông nghiệp chỉ đóng góp rất ít trong tăng trưởng GDP, song đây lại là nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành công nghiệp.
Như vậy, mức dự báo tăng trưởng này của WB thấp hơn 0,2% so với mức mà WB đưa ra hồi đầu tháng 6 vừa qua và cũng thấp hơn nhiều so với mức mà Chính phủ Việt Nam đưa ra là 6,7%.
Thực tế, nhận định này của WB không phải là không có cơ sở. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt mức 5,52%, tuy cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2014 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 là 6,7% như mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đã đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt tối thiểu 7,6%, đây là thách thức không hề nhỏ.
Một quan ngại khác cũng được các chuyên gia của WB nêu ra, đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đang khoảng 18%, gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Đó là chưa kể Việt Nam đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách, nợ công đang gần tới mức trần cho phép.
Trước đó, trong Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô các nước châu Á mới đây, HSBC cũng nhận định dù nền kinh tế Việt Nam đã vượt khỏi vòng nguy hiểm nhưng cũng phải đối mặt với những rủi ro có thể gặp phải.
Cụ thể, HSBC cảnh báo rủi ro đối với Việt Nam khi mức dự trữ ngoại hối được đánh giá là còn khá mỏng để đối phó với những trường hợp rủi ro bất ngờ. Theo dữ liệu mới nhất từ IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống 27,9 tỷ USD, tương đương hai tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo số liệu vào cuối năm 2015.
Lạm phát cơ bản sẽ vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu nội địa dồi dào cùng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng thuyết phục hơn trong năm 2017 và lạm phát toàn phần sẽ chạm mốc 4,9% vào cuối năm...
WB khuyến cáo, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động. Chính phủ cũng cần có hành động thiết thực để thực hiện cam kết về đảm bảo duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khoá.