Góc nhìn lạc quan về kinh tế trung hạn của Việt Nam

PV.

Áp lực giá hàng tiêu dùng vẫn nằm trong tầm kiểm soát,chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nhắm đến mục tiêu duy trì cân đối giữa hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô, các nỗ lực giảm nhẹ mất cân đối tài khoá cần được phối hợp với cải cách để bảo đảm thực hiện một số hạng mục đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công... là những nội dung được đánh giá tại Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 do ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam công bố ngày 19/7.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam công bố 6 tháng một lần, WB đánh giá: Sau khi tăng trưởng mạnh năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn trong nửa đầu năm 2016; GDP ước tính chỉ tăng 5,5% so với mức 6,3% cùng kỳ năm ngoái. Tuy tốc độ tăng trưởng ước tính sẽ chậm lại trong năm nay, nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực. WB kỳ vọng mức tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 6%.

Đồng thời, Báo cáo cũng đã chỉ ra những nguyên nhân giảm tốc độ tăng trưởng gồm tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn gần đây đối với nông nghiệp, đồng thời sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại.

Theo Báo cáo, áp lực giá hàng tiêu dùng vẫn nằm trong tầm kiểm soát mặc dù trong một vài tháng gần đây tỉ lệ lạm phát có tăng nhẹ. Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nhắm đến mục tiêu duy trì cân đối giữa hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, tín dụng đã tăng trưởng với tốc độ khá cao, ở mức khoảng 18% (so cùng kỳ) trong giai đoạn từ đầu năm tới nay. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định các giới hạn, tỉ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Thông tư 06) nhằm hạn chế tác động tiêu cực của tăng trưởng tín dụng nóng và nâng cao chất lượng các khoản vay.

Còn ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng: Chính phủ đã cam kết bảo đảm duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khoá. Vấn đề bây giờ là phải thực hiện cam kết đó bằng hành động cụ thể nhằm cân đối ngân sách trong trung hạn. Các nỗ lực giảm nhẹ mất cân đối tài khoá cần được phối hợp với cải cách nhằm tạo khoảng đệm tài khoá để bảo đảm thực hiện một số hạng mục đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công.

Đặc biệt là, WB cũng đưa ra một số khuyến nghị như: Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn, các dư địa tăng trưởng về phía cầu hạn chế, cần tập trung thúc đẩy cung. Việc tác động này bao gồm các biện pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp hiện nay mà Thủ tướng và toàn bộ Chính phủ hiện đang thực hiện quyết liệt. Đồng thời, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động.

Về nội dung này, WB cũng công bố chuyên đề “Hướng tới cuộc sống khỏe mạnh và năng động cho người cao tuổi ở Việt Nam”, trong đó tập trung phân tích quá trình già hóa dân số nhanh và đề xuất một số hành động, chính sách nhằm đối phó với các thách thức của quá trình già hóa dân số ở Việt Nam.

Theo khảo sát của WB, hiện nay số dân từ 65 tuổi trở lên tại Việt Nam mới là 6,5 triệu người, nhưng con số này dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, đạt 18,4 triệu vào năm 2040. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới và điều đó lại đang diễn ra khi Việt Nam còn ở mức thu nhập thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay.

Ông Philip O’Keefe, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng, già hóa dân số sẽ gây nên nhiều tác động kinh tế-xã hội sâu rộng. Nó sẽ ảnh hưởng lên thị trường lao động và mang lại nhiều thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và toàn bộ người dân nói chung.

Để giảm nhẹ những tác động này, Ông Philip O’Keefe khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam cần phải có các hành động, chính sách liên quan đến thị trường lao động, hệ thống hưu trí, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe dài hạn.