Muốn hấp dẫn cần thay đổi "Luật chơi"

Đỗ Hải

TCTC - Kể từ khi "thai nghén", thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) đã nuôi bao kỳ vọng của NĐT và cơ quan quản lý về môt sân chơi lớn, sôi động, giảm thiểu những rủi ro vốn tồn tại lâu nay trên thị trường OTC. Vậy nhưng, sau hơn một tháng chính thức đi vào hoạt động, những kỳ vọng của nhiều NĐT chưa được đáp ứng, thị trường khá èo uột với 10 mã cổ phiếu, tính thanh khoản thấp, số phiên mất điểm gần tương đương với số phiêu giao dịch, NĐT lạnh lùng với bảng điện tử UPCoM... Nguyên nhân của những tồn tại trên được TS Quách Mạnh Hào - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long trao đổi với TCTC.

Là một chuyên gia chứng khoán, ông có nhận định như thế nào về UPCoM?

UPCoM là một hình thức đưa các chứng khoán chưa niêm yết hiện đang được giao dịch tự do vào quản lý với mức độ vừa phải. Điều này giúp nâng cao tính an toàn cho các giao dịch chứng khoán trên thị trường OTC. Các công ty niêm yết trên UPCoM cũng chịu những ràng buộc về yêu cầu công bố thông tin nhưng thấp hơn so với những cổ phiếu trên sàn niêm yết.

Ưu điểm nổi bật của sàn UPCoM so với OTC là tính tập trung, minh bạch an toàn cao và thu hút NĐT chú ý hơn đến DN so với trước đây. Trên thị trường phi tập trung hiện tại, tính thanh khoản tốt, giao dịch thường xuyên chỉ tập trung chủ yếu vào cổ phiếu của khối ngân hàng, một số CTCK và những công ty đứng đầu các ngành có nhiều triển vọng. Do đó, việc tham gia sàn UPCoM sẽ giúp cho các DN khác có cơ hội quảng bá thương hiệu, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của cổ đông và nhà đầu tư.

Về phía các nhà đầu tư, khi mua bán trên sàn UPCoM họ sẽ được giảm thiểu rủi ro rất nhiều so với thị trường phi tập trung. Ngoài tính minh bạch và công khai, thì độ an toàn, thuận tiện và tính thanh khoản trong giao dịch cũng được nâng cao. Lâu nay, trên thị trường tự do có nhiều cổ phiếu nhỏ, ít người biết nên rất ngại ngại giao dịch, người nắm giữ muốn chuyển nhượng cũng rất khó khăn. Khi lên sàn UPCoM, các nhà đầu tư sẽ dễ lựa chọn và quyết định hơn.

Ngoài những ưu điểm, sàn UPCoM cũng có 1 số mặt hạn chế nhất định. Đầu tiên là phương thức thanh toán của sàn này khiến giới đầu tư không mấy hài lòng. Theo đó, giao dịch chứng khoán được bù trừ đa phương T+3. Khung thời gian để thực sự sở hữu cổ phiếu và tiền không khác gì so với 2 sàn HoSE và HaSTC, làm giảm tính hấp dẫn của UPCoM. Vì hiện nay, giao dịch trên thị trường tự do rất nhanh, thậm chí là trong ngày đã kết thúc hợp đồng được. Do vậy, quy định T+3 trên sàn UPCoM làm chậm lại quy trình giao dịch của nhà đầu tư khá nhiều.

Kém hứng khởi, thanh khoản yếu là những vấn đề đang tồn tại từ khi đi vào hoạt động đến nay của UPCoM, phải chăng sàn này chưa tạo được yếu tố hấp dẫn?

Thực tế thì UPCoM được đưa ra với những mục đích hết sức tốt đẹp. Mặc dù vậy, tính năng đảm bảo an toàn chỉ có thể thực hiện được và trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư nếu hình thức giao dịch của UPCoM cũng tương tự như những gì đang diễn ra tại thị trường OTC tự do. Một ví dụ điển hình là thị trường OTC là thị trường tự phát với những sản phẩm tài chính như future, options dựa hoàn toàn vào sự tin tưởng đang rất quen thuộc với NĐT, đặc biệt là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Điều này rõ ràng UPCoM không có. Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác khiến UPCoM chưa hấp dẫn là thị trường này vẫn còn quá mới mẻ, quy mô nhỏ nên sự quan tâm chung chưa lớn; các công ty đại chúng chưa niêm yết - đối tượng chính của UPCoM vẫn đang trong giai đoạn nghe ngóng, dò xét, trong đó có nhiều ngân hàng thương mại.

Việc các cổ phiếu ngân hàng muốn lên UPCoM phải được NHNN chấp thuận đây có phải là một trong những rào cản đối với  nhóm cổ phiếu hấp dẫn này?

Tôi nghĩ đó không phải là vấn đề vì một cổ phiếu niêm yết suy cho cùng chỉ là một hàng hóa được đưa lên chợ. Vấn đề là chợ phải có người mua và người bán. Và điều này thì nằm ở cơ chế quản lý của chợ và thói quen của những người đi chợ. Tất nhiên, ở một khía cạnh khác tôi hoàn toàn đồng ý rằng nếu hàng hóa mà tốt và chỉ được bán ở một chợ, thì người ta cũng sẵn sàng tới chợ đó.

Thực tế hiện nay, một số cổ phiếu "hót" vẫn đứng ngoài cuộc, thậm chí không tham gia UPCoM. Phải chăng họ chưa tìm thấy lợi ích khi tham gia thị trường này?

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải cân nhắc hai yếu tố đó là có những cổ phiếu không đủ điều kiện niêm yết và những cổ phiếu đủ điểu kiện nhưng chưa muốn niêm yết. Với trường hợp thứ nhất, lựa chọn của họ rõ ràng chỉ có thể là UPCoM. Còn ở trường hợp thứ hai, họ có lẽ sẽ niêm yết nếu không giao dịch trên thị trường tự do. Tất nhiên có rất nhiều trường hợp khác họ lựa chọn UPCoM như là một bước đệm. Dù vậy, tôi nghĩ rằng với các công ty thì việc có mặt tại UPCoM là có lợi, nhưng có thể cái lợi đó không lớn bằng việc nếu họ không tham gia.

Ông có nhận định, so sánh gì giữa UPCoM của Việt Nam và 1 số mô hình của các nước trên thế giới?

Việt Nam có một điểm khác biệt là chúng ta thực hiện cổ phần hóa, thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng và niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán như là ba bước hoàn toàn tách biệt nhau và do vậy tạo ra thị trường OTC và UPCoM. Mô hình UPCoM không phải là lạ, mà hầu hết các nước đều có sàn giao dịch chứng khoán chưa niêm yết. Vấn đề là ở chỗ, thị trường tương tự UPCoM ở các nước có đầy đủ dịch vụ và công cụ đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư nên nó trở thành một thị trường thông thường. Thị trường này có đặc điểm là mức độ công bố thông tin thấp hơn và thường là rủi ro cao hơn. Và các nước không có khái niệm thị trường OTC theo cách nói của người Việt nam.

Vậy UPCoM cần phải làm gì để phong phú, hấp dẫn như kỳ vọng?

Có hai cách để đưa UPCoM trở thành hấp dẫn. Một là, bắt buộc tất cả các công ty đại chúng phải tham gia UPCoM, khi đó nhà đầu tư không còn lựa chọn nào khác. Hai là, thay đổi các luật chơi để UPCoM gần với những gì đang diễn ra trên thị trường OTC hiện tại, để hấp dẫn nhà đầu tư. Khi đó, nếu nhà đầu tư chỉ thích tham gia UPCoM do an toàn hơn, thì các công ty cũng không còn lựa chọn nào khác là tham gia UPCoM.

Xin cảm ơn ông!