Muốn mua đứt bán đoạn nợ xấu
(Tài chính) Là một công cụ quan trọng để xử lý khối nợ xấu lên đến khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng, Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm đầu tiên hoạt động vẫn có thành quả rất hạn chế.
Theo thông tin mới nhất về hoạt động của VAMC vừa được ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Thành viên, công bố, đến nay, VAMC đã mua vào 39.000 tỉ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. VAMC sẽ tiếp tục xem xét, phân loại để có thể mua thêm nợ xấu với kế hoạch dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng trong quý I và 70.000 tỉ đồng trong năm 2014. Đồng thời lên kế hoạch thành lập ban xử lý nợ, thực hiện tái cơ cấu nợ để tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn mới.
Một trong những nhiệm vụ năm 2014 được VAMC xác định thực hiện là sẽ xây dựng phương thức mua đứt bán đoạn các khoản nợ xấu, tức là mua nợ theo giá thị trường. Đây là một thách thức lớn vì theo phương thức này, VAMC phải có tiềm lực tài chính nhưng vốn điều lệ của công ty chỉ có 500 tỉ đồng. Do đó, VAMC đang đề nghị được tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỉ đồng và được bảo lãnh để có thể vay vốn của các tổ chức tín dụng quốc tế thời hạn 5-7 năm.
VAMC cũng đã có kế hoạch xử lý tất cả khoản nợ đã mua, trong đó có khoảng 70% liên quan đến bất động sản. Đây là nhiệm vụ khó khăn vì mặc dù định giá để cho vay bất động sản rất thấp nhưng bất động sản rớt giá dẫn đến khả năng ngân hàng không thu đủ số tiền khách hàng vay, vấn đề này chưa biết xử lý ra sao. Ông Hùng cũng cho biết sau khi mua lại từ các tổ chức tín dụng, đến nay công ty đã “đòi” được khoảng 200 tỉ đồng nợ xấu.
Vẫn chưa thực hiện tái cấp vốn
Như vậy, kế hoạch mua nợ của VAMC trong năm nay đặt ra ở mức khá cao, gấp đôi so với mức thực hiện năm ngoái. VAMC lý giải kế hoạch này đã tính toán đến khả năng nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên do hiệu lực Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, dư luận cũng còn khá nhiều băn khoăn vì đầu năm nay, việc mua nợ của VAMC đang chậm lại. Nguyên nhân không chỉ do tâm lý “tháng giêng” mà còn do các ngân hàng đang phải rà soát lại nợ, lên kế hoạch bán nợ cho cả năm 2014.
Khả năng bán nợ của VAMC cũng chưa tiến triển mạnh mẽ vì VAMC đã mua các khoản nợ với giá khá cao khi thị trường mua bán nợ của Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh, nhà đầu tư chưa chắc chắn “cửa ra” khi mua lại nợ của VAMC.
Bên cạnh đó, hiện nay còn thiếu các văn bản pháp luật liên quan đến mua bán nợ, bán đấu giá tài sản và xử lý tài sản bảo đảm. Ngay cả khi thắng kiện đòi tài sản thế chấp siết nợ, ngân hàng thương mại cũng chưa chắc đòi được tài sản do khâu thi hành án kém. Vấn đề này đang chờ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan hoàn thiện thể chế mua bán nợ và xử lý tài sản bảo đảm cho VAMC.
Về việc tái tạo nguồn vốn qua trái phiếu đặc biệt của VAMC, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sau khi bán lại nợ xấu cho VAMC, một số ngân hàng thương mại đã có đơn đề nghị tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC. Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành xem xét, đánh giá từng trường hợp cụ thể và các khoản nợ liên quan để quyết định thời điểm cũng như hạn mức cho vay tái cấp vốn. Theo quy định, giới hạn tối đa là 70% nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện tái cấp vốn cho trường hợp nào.