Ngăn chặn nhập khẩu công nghệ rác
Muộn nhưng còn kịp!
(Tài chính) Việt Nam đang phát triển, đi lên từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, nền công nghiệp cũng trong tình trạng kém phát triển, chậm hơn các nước hàng chục lần. Nhưng không vì thế mà chúng ta cho phép tự biến mình thành bãi rác thải của thế giới khi một nhóm người vì lợi ích trước mắt đã nhắm mắt nhập khẩu công nghệ rác vào Việt Nam.
Thực tế đang diễn ra
Gần đây những vấn đề xã hội đang hết sức quan tâm đó là việc Việt Nam đã để lọt công nghệ rác bẩn nhập vào trong nước, gây biết bao hệ lụy: tốn tiền của của Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, làm mất lòng tin vào sự quản lý chặt chẽ của chính quyền và các cơ quan chức năng… Như việc Vinaline nhập khẩu ụ nổi, gây thất thoát hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước, giờ chỉ còn là đống sắt vụn; hay vụ Bệnh viện Đa khoa Thường Tín sử dụng máy xét nghiệm cũ nát, không rõ nguồn gốc xuất sứ, khiến kết quả chẩn đoán bệnh không chính xác, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh (hiện nay rất nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội đang sử dụng thiết bị y tế loại này để xét nghiệm máu cho bệnh nhân); và còn rất nhiều câu chuyện nhập công nghệ máy móc lạc hậu hàng mấy chục năm như công nghệ lò đứng, nhà máy đường, công nghệ sản xuất bao bì, vỏ chai…
Vì sao vấn đề này lại xảy ra, Nhà nước có lường trước được các tác hại của nó không? Đây là câu hỏi của rất nhiều người dân quan tâm bức xúc đặt ra.
Trao đổi với PV, bà Trần Tuyết Nhung - Phó vụ trưởng Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết khi xét đến điều kiện kinh tế của Việt Nam: chúng ta là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, do vậy việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng nhưng có chất lượng phù hợp với điều kiện Việt Nam, phù hợp với trình độ người sử dụng… đương nhiên là việc cần thiết, để không quá tốn kém kinh phí mua sắm cũng như đào tạo nhân lực so với việc chúng ta nhập khẩu máy móc, thiết bị mới. Ở một số lĩnh vực, Nhà nước cho phép được nhập khẩu công nghệ đã qua sử dụng.
Trong công tác này, Chính phủ cũng lường được các vấn đề như tác hại của công nghệ cũ bẩn đến môi trường, xã hội; hiệu quả của việc chi phí tiền của khi mua máy móc đã qua sử dụng trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau,… từ đó đã có nhiều quy định điều chỉnh hoạt động này.
Đặc biệt, đối với máy móc thiết bị liên quan đến khám chữa bệnh thì việc nhập khẩu máy móc cũ nát như một số bệnh viện đã làm trong thời gian qua là việc làm trái pháp luật. Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 12/NĐ-CP năm 2006 về hướng dẫn Luật Thương mại (hiện là Nghị định số 187/NĐ-CP ban hành năm 2013) thì thiết bị y tế đã qua sử dụng là không được phép nhập khẩu.
Ai chịu trách nhiệm
Việc nhập khẩu máy móc thiết bị trái pháp luật trước hết phải quy kết trách nhiệm cho đối tượng nhập khẩu chạy theo lợi nhuận, kế đến và trên hết là sự thiếu giám sát của chủ đầu tư (là người sử dụng máy móc, hiểu biết chức năng, yêu cầu của hàng nhập khẩu nhưng lại chưa quan tâm đầy đủ đến chất lượng của máy móc, thiết bị nhập về) và sau cùng, là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đưa ra các quy định, chế tài nhằm quản lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm phát luật và việc kiểm tra giám sát các hoạt động này... công tác này đến nay vẫn thiếu chặt chẽ, khoa học.
Thực tế, quy trình nhập khẩu máy móc thiết bị cũ của chúng ta đang còn nhiều kẽ hở, ví dụ, nếu nhập khẩu công nghệ cũ thông qua hợp tác chuyển giao công nghệ thì thuế suất chỉ bằng 0% so với việc đặt hàng chi tiết các linh kiện lắp ráp từ nước ngoài (sẽ phải đóng thuế từ 10-15%), để tránh mức thuế này, doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng quy định, tìm cách gian lận nhập khẩu công nghệ cũ bẩn để được hưởng mức thuế suất 0%. Về vấn đề này, bà Vân trao đổi: Thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã có rất nhiều quy định về việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã quy sử dụng, nhưng các quy định này không tập trung mà nằm tản mát ở rất nhiều văn bản; việc kiểm tra kiểm soát lại không được thường xuyên. Ví dụ, trong Luật Đầu tư thì quy định chất lượng máy móc thiết bị thì do chủ đầu tư chịu trách nhiệm – điều này tạo thế chủ động cho chủ đâu tư, nhưng nếu chủ đầu tư chỉ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì họ sẽ vẫn cố tình làm sai, tìm cách khai báo sai chủng loại hàng hóa để nhập khẩu máy móc cũ nát về… Nhận thấy điều này, Chính phủ cũng đã chỉ đạo sửa đổi Nghị định số 12/NĐ-CP ban hành năm 2006 và trong Nghị định số 187/NĐ-CP ban hành năm 2013 cũng đã quy định, Bộ Khoa học và Công nghệ phải phối hợp với các bộ, ngành, nghiên cứu quy trình nhập khẩu máy mọc thiết bị đã qua sử dụng sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế và đạt yêu cầu, mục đích và hiệu quả sử dụng.
Làm sao để chấp dứt việc nhập khẩu máy móc cũ nát
Chế tài xử phạt còn quá nhẹ?
Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào hỗ trợ tài chính chứ chưa có quy định về hỗ trợ nhập khẩu máy móc. Điều này là do chính sách ưu tiên thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh… Vấn đề kiểm tra giám sát thường là đi sau một bước, và trong quá trình kiểm tra giám sát nếu phát hiện vấn đề bất cập sẽ ra các văn bản để quản lý, sửa đổi, bổ sung… nhằm đưa hoạt động này đi vào quỹ đạo.
Một trong các biện pháp để hạn chế, tiến đến chấm dứt nhập máy móc cũ bẩn là các chế tài xử phạt – đây là một vấn đề quan trọng. Việc kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý đúng lúc, đúng mức độ sẽ ngăn chặn được hành vi sai trái vi phạm pháp luật. Như trường hợp Bệnh viện đa khoa Thường Tín sử dụng máy xét nghiệm cũ nát nhưng chỉ bị phạt 30 triệu đồng, dư luận cho rằng đó là mức phạt quá nhẹ, chỉ là phạt hình thức, không khiến đơn vị này và các đơn vị khác nhìn vào thấy phải tuân thủ nghiêm minh hơn hay nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong hành vi nhập khẩu sai trái… họ sẽ vẫn vì lợi nhuận của mình mà thực hiện hành vi này, dù tác hại và hậu quả tới xã hội thì vô cùng to lớn, lâu dài. Nếu khâu kiểm tra sau thông quan không chặt chẽ, DN vẫn tiếp tục gian lận để nhập khẩu các loại máy móc cũ như vậy.
Lâu nay, theo quy định của Luật Đầu tư, DN được quyền quyết định và được tự tìm nguồn nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động của mình, và DN phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đồng vốn của mình bỏ ra. Ngoài ra, các hoạt động mua sắm (đặc biệt là của các đơn vị hành chính, sự nghiệp) còn bị chi phối bởi Luật Đấu thầu, chi phối bởi các tiêu chí định ra trong đấu thầu như tiêu chí về kinh phí, về kỹ thuật, về mức độ cũ mới… Nhưng, thực tế thì việc tuân thủ các tiêu chí này thường bị xem nhẹ, máy móc nhập về còn bị tiêu hao năng lượng quá nhiều, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe…
Hiện mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm phát luật đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính … các đơn vị chức năng vẫn phải tuân thủ, nhưng nếu mức xử phạt chưa thỏa đáng, người dân kiến nghị thì Nhà nước sẽ phải xem xét chỉnh sửa, thêm các chế tài sao cho đảm bảo ngăn chặn từ gốc các hoạt động cố ý gây nguy hại cho xã hội này.
Phải thực hiện công tác tư vấn và pháp luật
Có một thực tế là việc nhập máy móc thiết bị chỉ là thông qua trao đổi giữa người mua và người bán, chưa hề qua cơ quan tư vấn, trong khi các DN không có nhiều thông tin, hiểu biết về chức năng máy móc, thiết bị. Ở các nước hiện đại, việc mua bán công nghệ, máy móc thường thông qua người môi giới, tư vấn, hướng dẫn… tức là thông qua một thị trường khoa học công nghệ… ở Việt Nam thị trường khoa học công nghệ như vậy đang manh nha hình thành. Theo Luật khoa học và Công nghệ (ban hành năm 2013) và Nghị định số 08/NĐ-CP (ban hành năm 2014) của Chính phủ để hướng dẫn Luật khoa học và Công nghệ, thì việc phát triển thị trường khoa học công nghệ sẽ được thúc đẩy thông qua việc hình thành các tổ chức độc lập như: trung tâm, sàn giao dịch công nghệ; các chợ mua bán công nghệ thiết bị; các trung tâm tư vấn, môi giới về máy móc thiết bị; tổ chức các dịch vụ đánh giá, định giá các máy móc khoa học công nghệ… để trợ giúp người mua bán.
Bộ Khoa học Công nghệ có Cục thông tin Khoa học Công nghệ quốc gia là nơi cung cấp thông tin giúp DN khi cần tham vấn. Nhìn chung DN có thể mua máy móc thiết bị qua mạng trực tuyến hoặc qua các đơn vị chức năng, còn việc giám định chất lượng máy móc thiết bị thì DN vẫn tự lựa chọn đơn vị giám định, do vậy việc lựa chọn này cần phải được xem xét cẩn thận để có đơn vị giám định chất lượng.
Ngày 15/7/2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN (Thông tư 20), trong đó quy định rõ hơn điều kiện để được nhập khẩu máy móc thiết bị là: máy móc không thuộc danh mục các bộ, ngành đã có quy định cấm nhập khẩu; đáp ứng điều kiện về thời gian sử dụng và chất lượng còn lại của máy móc thiết bị; phải có Chứng thư giám định của đơn vị giám định đảm bảo máy móc còn trên 80% chất lượng ban đầu và thời gian sử dụng còn lại theo đúng quy định tại điều 6,7 của Thông tư 20.
Cho đến nay mới có Thông tư 20 là chính thức quy định về việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, nhưng trước đây, việc xây dựng nhà máy đường hay nhà máy xi măng lò đứng… cũng có những quy định cụ thể ràng buộc cho từng loại hình sản xuất, tuy nhiên còn tản mạn và chưa rõ ràng, đến Thông tư 20 các quy định mới được rõ ràng và bao hàm cho hầu hết các loại hình nhập khẩu. Vấn đề là việc các đơn vị bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ cùng nhau để thực hiện tốt hơn, đồng thời các DN phải nâng cao ý thức trách nhiệm và ý thức pháp luật, phải đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên, phải nhận thấy tác hại khôn lường của việc nhập khẩu công nghệ rác thải. Nếu DN không ý thức, chỉ chạy theo lợi ích cá nhân thì dù có bao nhiêu quy định họ vẫn tìm cách lách luật và gây thêm nhiều hệ lụy. Các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường quản lý, kiểm tra và bổ sung sửa đổi các quy định, chế tài đủ mạnh để các DN phải thực hiện đúng quy định của pháp luật…