Mỹ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng của Nga: Báo hiệu thêm cú sốc giá dầu?
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác như khí đốt và than đá của Nga, trong khi Vương quốc Anh cho biết sẽ loại bỏ dần nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022. Chắc chắn, các biện pháp trừng phạt mới nhất có khả năng đẩy giá dầu tiếp tục tăng vọt trong thời gian tới.
Khó có lệnh cấm chung Mỹ - châu Âu
Theo Al Jazeera, hôm thứ ba, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố “dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ, đồng thời cho biết quyết định trên được đưa ra “với sự tham vấn chặt chẽ” với các đồng minh.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới, sản xuất khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 7% nguồn cung toàn cầu. Theo Hiệp hội thương mại các nhà sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ, năm 2021, đất nước cờ hoa nhập khẩu trung bình 209.000 thùng dầu thô/ngày và 500.000 thùng/ngày các sản phẩm dầu mỏ khác từ Nga. Con số này đại diện cho 3% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ và 1% tổng lượng dầu thô do các nhà máy lọc dầu của Mỹ chế biến.
Theo các nhà phân tích, lệnh cấm mới là điều mà Mỹ có thể đủ khả năng thực hiện. Tuy nhiên, bà Cornelia Meyer - Giám đốc điều hành Meyer Resources của Mỹ nhận định, sẽ khó hơn rất nhiều đối với lục địa châu Âu nếu thiếu dầu của Nga.
Bà Cornelia Meyer nói: “Nhưng những gì điều này cho thấy là liên minh phương Tây đã có quyết tâm, và nếu châu Âu đồng ý thì nó sẽ rất quan trọng”. Bà nói thêm, Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng sẽ mua dầu của Nga, khi nước này chuyển hướng xuất dầu ra khỏi phương Tây.
Dẫu vậy, nhiều người cho rằng, dù chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt với áp lực ngày càng cao về tiếp tục trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu thì Mỹ cũng chỉ có thể làm được đơn phương. Bởi một lệnh cấm chung từ Mỹ - châu Âu trong vấn đề này sẽ khó đạt được. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi đầu tuần khẳng định, chính quyền Berlin không có ý định tham gia bất kỳ lệnh cấm nào về lĩnh vực đó. Nhà lãnh đạo Đức cho biết châu Âu cần tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, thứ mà ông cho là “cần thiết” cho an ninh năng lượng của lục địa này.
Đức phụ thuộc vào Nga khoảng 55% tổng nguồn cung khí đốt, trong khi EU nhập khẩu hơn một nửa tổng sản phẩm năng lượng. Trong số các mặt hàng nhập khẩu này, Nga cung cấp 41% khí đốt, 46% than và 27% dầu.
Vì vậy, EU tỏ ra miễn cưỡng trong việc trừng phạt năng lượng Nga để đáp lại cuộc xung đột ở Ukraine, ngay cả khi khối liên minh lá cờ xanh áp những biện pháp hạn chế nặng nề chưa từng có đối với Moscow như đóng cửa không phận đối với các chuyến bay của Nga, cấm truyền thông Nga hay cung cấp vũ khí cho Ukraine. Với Đức, việc bảo đảm dòng chảy liên tục của dầu và khí đốt thậm chí còn quan trọng hơn. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã cảnh báo, Moscow có thể đóng van đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 nếu phương Tây cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Cái giá cho lệnh cấm
Triển vọng về lệnh cấm nói trên từng khiến giá dầu tăng 30% vào tháng trước, với giá dầu dao động ở mức 130 USD/thùng tại Mỹ. Các nhà phân tích năng lượng nước này cảnh báo, giá có thể lên tới 160 USD hoặc thậm chí 200 USD/thùng nếu người mua tiếp tục né tránh dầu thô của Nga, dẫn đến giá xăng của Mỹ lên hơn 5 USD/gallon.
Trong khi đó, theo Thượng nghị sĩ Chris Coons của đảng Dân chủ tại bang Delaware, người dân sẽ phải trả giá cho cái gọi là “đứng lên giành tự do” (khỏi dầu của Nga) trong những tuần tới. Trước thông báo về lệnh cấm mà Tổng thống Biden đưa ra, ông Coons thậm chí nhận định giá dầu rất có thể tăng gấp đôi lên 300 USD/thùng, và giá xăng tăng hơn gấp ba lần, lên 10 đến 14 USD cho mỗi gallon.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 7/3 cũng đưa ra dự đoán tương tự, cho rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga có thể khiến giá dầu thế giới tăng hơn gấp đôi, lên 300 USD/thùng. Hậu quả từ cú sốc giá chắc chắn sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới, từ đó tạo ra gánh nặng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.