Mỹ chính thức áp thuế suất lên tới 256,44% đối với thép Việt
Bộ Thương mại Mỹ vừa áp thuế nhập khẩu ở mức cao chưa từng có đối với các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc sau khi kết luận các sản phẩm này đã vi phạm lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Ngày 22/05/2018, hãng Reuters cho biết, quyết định trên có thể xem là một chiến thắng cho các nhà sản xuất thép của Mỹ trong bối cảnh các lô hàng thép ngoại vẫn tràn ngập thị trường nước này, dù các nhà sản xuất đã chiến thắng trong vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép Trung Quốc hồi năm 2015 và 2016. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã lách luật bằng cách tuồn sản phẩm của mình sang nước thứ ba (như Việt Nam) sau đó xuất khẩu sang Mỹ để được hưởng mức thuế thấp.
Theo quy định mới, cơ quan hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp (thuế đối kháng) 256,44% đối với thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam nhưng có nguồn gốc Trung Quốc. Riêng thép chống gỉ từ Việt Nam đối mặt mức thuế chống phá giá 199,43% và thuế đối kháng 39,05%.
Bộ này cũng cho biết, sẽ áp dụng cùng một tỷ lệ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Trung Quốc đối với thép chịu mài mòn và thép cán nguội từ Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc.
Ngoài các mức thuế trên, các mặt hàng thép sẽ còn phải chịu thêm thuế suất 25% được áp lên các mặt hàng thép nhập khẩu vào Mỹ, kết quả của cuộc điều tra an ninh quốc gia nhắm vào thép và nhôm nhập khẩu của chính quyền ông Donald Trump.
Ngành công nghiệp thép toàn cầu đang vật lộn với tình trạng năng lực sản xuất dư thừa, phần lớn là ở Trung Quốc, dẫn đến giá sản phẩm bị kéo xuống thấp.
Quyết định tăng thuế này đã được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu phát hiện các lô hàng thép từ Việt Nam vào EU cũng lách thuế hồi tháng 11/2017.
Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, sau khi Bộ này áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép Trung Quốc năm 2015, nhập khẩu thép cán nguội từ Việt Nam vào Mỹ tăng vọt lên 215 triệu USD mỗi năm từ mức 9 triệu USD trước đó, trong khi đối với thép chống ăn mòn tăng lên mức 80 triệu USD từ 2 triệu USD trước đó.
Theo nhiều nguồn tin, vụ việc bắt đầu phanh phui từ một bản kiến nghị của các nhà sản xuất trong nước ArcelorMittal USA (MT.AS), Tập đoàn Nucor (NUE.N), Tập đoàn Thép AK (AKS.N) và Tập đoàn Thép Mỹ (X.N) cho rằng, các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu các lô hàng thép đến Việt Nam ngay lập tức sau khi thuế cho thép Trung Quốc được áp dụng.
Trên thực tế, thông báo về việc sẽ áp thuế đối với thép Việt Nam đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ phát đi vào cuối năm 2017. Theo thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào ngày 05/12/2017, thép chống ăn mòn Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải chịu thuế chống phá giá và chống trợ cấp với tỷ lệ lần lượt là 199,43% và 39,05%. Trong khi thép cán nguội sản xuất tại Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc chịu thuế chống phá giá và chống trợ cấp với tỷ lệ 265,79% và 256,44%.
Có thể nói, đây là một trong những động thái thương mại cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm bảo vệ hàng hóa và thị trường Hoa Kỳ, trong đó phần lớn nhắm đến hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Riêng với sản phẩm thép, đây cũng được coi là một bước leo thang trong những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn tình trạng thép Trung Quốc tràn ngập thị trường Hoa Kỳ.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, quyết định này được xem là đi ngược lại với những quan điểm của chính nước này. Mặc dù thép có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng đã qua quá trình “chuyển đổi đáng kể” chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ tại Việt Nam. Như vậy, đáng lẽ ra thép Việt sẽ không bị gắn mác Trung Quốc để phải chịu mức thuế suất cao như hiện nay.