Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu Việt Nam nhìn từ xung đột Nga - Ukraine?

Theo N. Thoan/nhadautu.vn

Dẫn đầu trong kim ngạch thương mại với Nga trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có thể sẽ có nhiều cơ hội hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu khi các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine với diễn biến dồn dập những ngày qua đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Việc đồng Rup mất giá lên tới 30% so với đồng USD chỉ trong phiên giao dịch ngày 25/2 và lãi suất tại Nga tăng gấp đôi lên 20% ngày 28/2 sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính, đầu tư tại nước này.

Những quốc gia có quan hệ đầu tư và thương mại với Nga và Ukraine cũng sẽ ít nhiều chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Nga và cuộc xung đột Nga - Ukraine - được cho là sẽ không kết thúc trong một sớm một chiều.

Xung đột Nga và Ukraine sẽ gây trầm trọng thêm các vấn đề liên quan tới khủng hoảng toàn cầu về giá năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng. Cuộc chiến này sẽ đẩy giá năng lượng và thực phẩm rơi vào vòng xoáy tăng giá không hồi kết, châm ngòi cho nỗi lo lạm phát, đe dọa tăng trưởng và đầu tư tại nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Theo các chuyên gia, cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài có thể gây tác động ở cấp vĩ mô và trường hợp xấu nhất là giá dầu có thể tăng lên 120 - 140 USD/thùng.

Về thương mại, việc Nga tấn công Ukraine khiến Mỹ và phương Tây ngày 27/2 thông báo nhất trí áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính mạnh tay nhằm vào Nga. Điều này được cho là sẽ khiến Nga giảm sản lượng các mặt hàng xuất khẩu và buộc phải thay đổi các đối tác chiến lược.

Một số quan điểm nhận định, khi các nước phương Tây áp dụng lệnh cấm vận lên Nga sẽ đẩy nước này về gần Trung Quốc hơn, xét về quan hệ kinh tế. Hai quốc gia này gần đây đàm phán hợp đồng cung cấp khí đốt kéo dài 30 năm thông qua một đường ống mới. Nga có thể sẽ chuyển hướng xuất khẩu nhiên liệu và hàng hóa sang Trung Quốc và các nước châu Á.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng trong những năm gần đây, châu Á ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu của Nga và hơn 40% lượng xuất khẩu của Nga được chuyển đến các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Kazakhstan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ cũng là những nước nhập khẩu dầu khí lớn của Nga. 

Một mặt, Nga có thể giảm hoạt động thương mại sang các nước phương Tây thì đồng thời có thể sẽ tăng hoạt động thương mại với các nước châu Á. 

Riêng với Việt Nam, chúng ta hiện đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga trong số các quốc gia Đông Nam Á và là đối tác thương mại thứ 6 của Liên bang Nga trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt với mặt hàng nông thuỷ sản.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Liên bang Nga và Ukraine năm 2021 là gần 39 tỷ USD (Nga gần 35 tỷ USD, Ukraine khoảng 4 tỷ USD) chiếm gần 6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021. Trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Nga và Ukraine đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu; nhập khẩu đạt 15,5 tỷ USD chiếm khoảng 5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nga tăng trưởng tốt trong vài năm trở lại đây với tốc độ tăng trưởng 2 con số. Năm 2021, xuất siêu của Việt Nam sang Nga đạt hơn 7 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu chung là 4 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nga gồm: Thuỷ sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc; Sản phẩm từ chất dẻo, cao su, sản phẩm từ cao xu, túi xách, ví, vali, mỹ, ô; Sản phẩm từ mây, tre, cói và thảm; Gỗ, sản phẩm từ gỗ; Hàng dệt, may; Giầy dép các loại; Sảm phẩm gốm, sứ; Sắt thép các loại; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện thoại các loại; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Dụng cụ thể thao.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Nga gồm: Thủy sản, lúa mỳ; Quạng và khoáng sản, than, sản phẩm từ dầu mỏ; hoá chất, sản phẩm hoá chất; Dược phẩm; Phân bón các loại; Chất dẻo nguyên liệu; Cao su; Gỗ và sản phẩm gỗ; Giấy các loại; Sắt thép; kim loại; Máy móc thiết bị, phụ tùng; ô tô nguyên chiến; linh hiện ô tô.

TS. Vũ Thanh Liêm, nguyên Phó Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Nga đã có sự thay thế dần đối tác chiến lược, xoay trục sang Trung Quốc và các nước châu Á trong một vài năm trở lại đây, trong đó có Việt Nam.

Cuộc chiến Nga - Ukraine khiến các nước phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt và áp dụng các lệnh cấm lên hoạt động đầu tư, thương mại tại Nga sẽ càng đẩy Nga ra xa khu vực này và buộc phải định vị lại các đối tác chiến lược ngoài Mỹ và phương Tây.

Ngoài ra, việc các chuỗi cung ứng hàng hoá của Nga với các nước Mỹ, phương Tây ngưng trệ, đứt gãy (chủ yếu là năng lượng và thực phẩm) do lệnh trừng phạt, cấm vận cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhà cung ứng khác.

"Việt Nam và các nước châu Á có thể tận dụng cơ hội này trong thương mại để tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu với không chỉ Nga mà còn là các nước khác trên thế giới mà Việt Nam đang có quan hệ thương mại và chịu tác động gián đoạn thương mại do cuộc chiến Nga - Ukraine. Đặc biệt một số mặt hàng thiết yếu như nông, lâm, thuỷ sản - cũng là thế mạnh của Việt Nam nên được chú trọng để đón đầu cơ hội này", ông Liêm nhấn mạnh.