Mỹ giữ 8000 tấn vàng, Nga tăng mua vẫn tụt xa
Nga đang tích cực dự trữ vàng trong toan tính rút ngắn khoảng cách với Mỹ - nước nắm giữ vàng lớn nhất thế giới hiện nay.
Mỹ nắm giữ lượng vàng lớn nhất thế giới
Theo số liệu của Businessinsider, Mỹ hiện là nước đang nắm giữ vàng lớn nhất thế giới với 8.133,5 tấn vàng, tương đương với 404,3 tỷ USD, ngoại hối bằng vàng chiếm 76%.
Dự trữ vàng lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ là vào năm 1952, khi nước này có 20.663 tấn vàng. Năm 1968, dự trữ vàng của Mỹ lần đầu tiên giảm dưới 10.000 tấn.
Nước đứng thứ hai sau Mỹ là Đức với 3.378,2 tấn vàng, tương đương 167,9 tỷ USD tiền mặt. Ý là nước đứng thứ ba với số lượng vàng nắm giữ là 2.451,8 tấn, giá trị 121,9 tỷ USD.
Đứng thứ 4 là Pháp, số vàng nắm giữ 2.435,8 tấn, giá trị 121,1 tỷ USD. Tiếp theo là Trung Quốc với 1.823,3 tấn vàng, tương đương 90,6 tỷ USD.
Sau Trung Quốc là Nga với số vàng hiện đang nắm giữ là 1.498,7 tấn vàng, giá trị bằng tiền là 74,4 tỷ USD.
Nga tích trữ vàng, vẫn thua xa Mỹ
Dù theo thống kê hiện nay Nga chỉ đứng thứ 6 về số lượng vàng nhưng thời gian gần đây Moskva đang tích cực dự trữ vàng với nhiều toan tính chiến lược.
Theo một báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong nửa đầu 2016, hàng tháng nước Nga đã mua khoảng 14 tấn vàng.
Số vàng này cao hơn mức 11 tấn mua vào của Trung Quốc và cao hơn hẳn so với các nước khác trên thế giới.
Cũng theo IMF, Nga và Trung Quốc chiếm gần 85% lượng vàng mà ngân hàng trung ương các nước mua trong vòng 2 năm qua. Nếu chỉ tính trong quý I/2016, theo Hội đồng vàng thế giới, dự trữ vàng của nước Nga đã tăng thêm 45,8 tấn, cao hơn 52% so với cùng kỳ năm trước đó.
Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, Nga cũng chi thêm 5,8 tỷ USD để mua vàng dự trữ. Được biết, Ngân hàng Trung ương Nga đang có kế hoạch tăng lượng dự trữ vàng lên 500 tỷ USD trong vài năm tới.
Theo WGC, Nga đã mua ròng khoảng 200 tấn vàng dự trữ trong năm 2015, trong đó 141 tấn được mua trong thời gian từ tháng 7-12.
Động thái của Nga được giới phân tích lý giải rằng, các nhà lãnh đạo nước này giờ đây coi vàng và ngoại tệ mạnh nằm trong ngân hàng là sự đảm bảo tốt nhất cho sự độc lập tài chính của Nga. Vàng trở thành tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh Nga chịu nhiều rủi ro kinh tế từ bên ngoài, đặc biệt là sự sụt giảm của giá dầu.
Giáo sư Carlos Fernandez nhận định trên MarketWatch, Nga mua vàng là cách để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và để nước này cảm thấy an toàn hơn khi có nhiều khoản nợ tính bằng đồng USD. Bên cạnh đó, việc bổ sung dự trữ vàng có thể là do bất mãn với lợi nhuận thấp hoặc lãi âm từ tiết kiệm bằng đồng EURO.
Một số chuyên gia cho rằng, ông Putin đang cố gắng làm suy yếu sức mạnh của Mỹ và châu Âu. Mua vàng là một phần trong kế hoạch lâu dài thống trị thế giới của ông Putin, giống như những gì mà Trung Quốc làm để đè bẹp đồng tiền của Mỹ.