Xây dựng kênh đầu tư vàng với cơ chế quản lý chặt chẽ

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế là một chủ trương đúng của Nhà nước. Vốn vàng trong dân là một trong những nguồn lực của xã hội, nhưng khơi gợi nguồn lực này để sinh lời hay huy động để đầu tư trong bối cảnh đất nước thiếu nguồn vốn đầu tư là vấn đề cần đặt ra.

Sau hơn 4 năm Nghị định 24 đi vào cuộc sống, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thị trường vàng ổn định. Nguồn: internet
Sau hơn 4 năm Nghị định 24 đi vào cuộc sống, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thị trường vàng ổn định. Nguồn: internet

Việc huy động vàng vật chất trong dân nước ta đã có những trải nghiệm. Trong một thời gian dài chúng ta đã từng cho phép các định chế tài chính huy động và cho vay vàng đi liền với việc nới lỏng quản lý thị trường vàng. Hậu quả của nó để lại cũng không nhỏ khi giá vàng thế giới tăng cao cùng với lạm phát gia tăng và kinh tế suy giảm.

Để khắc phục hậu quả này, nhiều giải pháp chính sách đã được triển khai, trong đó một khung pháp lý cho hoạt động thị trường vàng đã được thiết lập. Đáng kể nhất là sự ra đời của Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/04/2012, hoạt động quản lý thị trường vàng hướng tới mục tiêu bình ổn thị trường, chấm dứt tình trạng huy động và cho vay vàng trong hệ thống ngân hàng và chống hiện tượng vàng hóa nền kinh tế.

Sau hơn 4 năm Nghị định 24 đi vào cuộc sống, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thị trường vàng ổn định. Có thể nói Nghị định 24 đã thể hiện sự chắt lọc, kết tinh kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách quản lý vàng của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.

Điều đó được phản ánh rõ nét thông qua việc công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Nhà nước cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng theo quy định là một trong những nguyên tắc quản lý. Sự lựa chọn những nguyên tắc này là phù hợp với bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.

Thực tiễn tâm lý cất giữ vàng trong dân của người Việt Nam đã có từ lâu đời như Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng sử dụng biện pháp huy động vàng vật chất là không thành công. Chưa kể phải có lộ trình thực hiện mang tính trung và dài hạn với những giải pháp hướng tới mục tiêu hạn chế và làm cho người dân chán ghét giữ vàng.

Để đạt được mục tiêu này, một trong những điều kiện cần thiết là phải phát triển mạnh thị trường tài chính, tạo ra nhiều kênh đầu tư cho người dân và vàng chỉ được coi như là một kênh đầu tư chứ không phải là để tích trữ. Theo đó, cần xây dựng kênh đầu tư vàng với cơ chế hoạt động được quản lý chặt chẽ, giảm mạnh tình trạng buôn lậu vàng, đi liền với nó là các biện pháp truyền thông cho người dân về một nguồn lực vốn rất lớn có thể mang ra đầu tư sinh lời cao hơn nếu tích trữ vàng.

Để làm được những điều đó, bằng hành động cụ thể Chính phủ phải cho người dân tin tưởng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định giá trị đồng tiền. Trên cơ sở đó cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc điều tiết cung vàng theo Nghị định 24 để đảm bảo không có những cú sốc về biến động giá vàng quá lớn gây bất ổn thị trường, lay động lòng tin của thị trường.